Một mũi tên trúng nhiều đích

24/07/2014 03:00 GMT+7

Chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay hiện vẫn rất cao, thu hẹp khoảng cách này vừa giảm được lãi vay, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vốn, vừa hạ nhiệt cho tín dụng ngoại tệ đang chịu nhiều áp lực.

Hiện lãi vay ngắn hạn cho doanh nghiệp trung bình khoảng 10%/năm, trong khi huy động kỳ hạn ngắn cũng chỉ trên 5%/năm, chênh lệch giữa đầu vào đầu ra xấp xỉ 5%.

Nếu so với lãi vay dành cho cá nhân trung bình ở mức 12%/năm thì khoảng cách giữa huy động và cho vay lên tới 6 - 7%. Đây là mức chênh lệch chưa công bằng đối với khách hàng vay, bởi ở thời điểm này, những khách hàng có khả năng trả nợ cho ngân hàng (NH) không nhiều. Nói cách khác, họ là những khách hàng tốt. Nhưng thay vì được ưu đãi, được nhận lãi suất hấp dẫn, họ vẫn phải chịu mức lãi vay cao. Lý do, theo tiết lộ của một người làm ngành, những khách hàng này phải gánh một phần cho các khoản nợ xấu tồn kho trong hệ thống các nhà băng. Chỉ tiêu, kế hoạch lợi nhuận của các NH đều trông cậy vào các đối tượng này, đó là lý do lãi vay khó giảm. Càng bất công hơn nếu biết rằng, các khoản nợ xấu đã 2 lần được Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VN (VAMC) điều chỉnh giảm lãi suất từ đầu năm đến nay. Với mức lãi suất 10,7%/năm mà VAMC đang áp dụng, các khoản nợ xấu được hưởng mức lãi vay thấp hơn nhiều so với mức lãi vay 13%, 15% mà rất nhiều khách hàng cá nhân, doanh nghiệp (DN) đang thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ vẫn phải gánh. Theo số liệu của NHNN, tính đến giữa tháng 5 vừa rồi, vẫn còn trên 15% dư nợ tín dụng toàn hệ thống vẫn phải gánh mức lãi trên 13% và trên 5% phải gánh mức lãi trên 15%. Nói như vậy để thấy, giảm lãi vay cho người dân, DN là hết sức hợp lý, tạo sự công bằng đối với khách vay, nhất là những khách hàng tốt. Các NH vẫn "kêu" ế vốn, thừa vốn nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là do lãi suất quá cao khiến DN ngại không dám vay. Chúng ta đều biết, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, DN để "sống" được đã khó, để kinh doanh có lợi càng khó hơn và để có mức lợi nhuận lớn hơn mức lãi vay của các NH (mới trả được lãi, mới dám vay) thì càng hiếm. Nếu các NH cứ nhất quyết không giảm lãi vay thì tình trạng ế vốn chắc chắn sẽ tiếp tục.

Quan trọng hơn, giảm lãi vay lúc này là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ DN. Hiện trừ các đối tượng được hưởng lãi vay ưu đãi 7%/năm thì các DN còn lại vẫn phải chịu lãi vay trung - dài hạn 11 - 12%/năm, quá nặng so với sức khỏe của DN và với bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Thiết nghĩ, các DN còn "sống" đến giờ này, đặc biệt là các DN vẫn hoạt động tốt, vẫn có lợi nhuận thì càng cần thiết phải được tiếp cận nguồn vốn rẻ để phát triển và tạo động lực cho hồi phục kinh tế. Chính phủ cũng vừa yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp hỗ trợ thuế để giảm bớt gánh nặng cho DN. Nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp sẽ tạo hiệu quả tốt hơn. Không chỉ thế, giảm lãi vay cũng là giải pháp hữu hiệu nhất để giảm áp lực cho tín dụng ngoại tệ. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay VND và USD đang khiến các DN đổ dồn sang vay USD để giảm chi phí vốn, gây áp lực lên thanh khoản ngoại tệ ở một số NH. Đáng lo ngại hơn là tình trạng nhiều DN có tiền đồng nhưng mang gửi rồi vay USD với lãi suất rẻ hơn để hưởng khoản chênh lệch... dẫn tới sự méo mó, thiếu chính xác trong tăng trưởng tín dụng ngoại tệ.

Giảm lãi vay, một giải pháp nhiều kết quả, nhưng để các nhà băng tự động làm việc này là rất khó. Vì vậy, rất cần sự điều hành của NHNN để các DN có thể tiếp cận vốn với chi phí hợp lý hơn. 

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.