2 GIỌNG CA NỮ LÀM THẾ GIỚI "RUNG CHUYỂN"
Hai trong số phụ nữ có tác động lớn nhất đến cả nền âm nhạc và kinh tế thế giới năm 2023 là Taylor Swift và Beyoncé.
Eras Tour của Taylor Swift khiến nhiều nơi "rung chuyển", trở thành chuyến lưu diễn đầu tiên của một nghệ sĩ thu về hơn 1 tỉ USD tại Mỹ, Canada, Mexico, Argentina, Brazil. Cơn sốt vé toàn cầu của tour diễn này khiến Quốc hội Mỹ phải điều trần về sự thiếu cạnh tranh trong ngành bán vé sau khi Công ty bán và phân phối vé Ticketmaster không thể xử lý chuyện đặt vé qua mạng. Tour diễn này thậm chí còn thay đổi ngành du lịch. Các khách sạn tại nơi Eras Tour diễn ra đều kín phòng và các hãng hàng không tăng cường chuyến bay vào những ngày diễn ra buổi hòa nhạc. Đó là chưa tính đến chuyện bộ phim ca nhạc The Eras Tour của Taylor Swift đạt doanh thu phòng vé đến 250 triệu USD.
Trong khi đó, chuyến lưu diễn Renaissance World Tour của Beyoncé đã đóng góp hơn 4,5 tỉ USD vào nền kinh tế Mỹ, theo một phân tích về chi tiêu của người xem các buổi hòa nhạc do Công ty nghiên cứu AskPro công bố. Ngôi sao Beyoncé với chuyến lưu diễn hoành tráng, kéo dài
56 buổi diễn, từ Stockholm (Thụy Điển), Brussels (Bỉ), Edinburgh (Scotland), Paris (Pháp)… sau đó về Mỹ đã khiến giá khách sạn và nhà hàng tại các thành phố cô biểu diễn tăng vọt.
Barbenheimer thúc đẩy doanh thu phòng vé
Barbenheimer là từ ghép tên 2 bộ phim cực kỳ thành công về doanh thu lẫn nghệ thuật: Barbie của nữ đạo diễn Greta Gerwig và Oppenheimer do Christopher Nolan chỉ đạo. Theo số liệu thống kê của Box Office Mojo, Barbie giữ vị trí số 1 về doanh thu phòng vé toàn cầu trong năm 2023 với 1,44 tỉ USD, trong khi Oppenheimer xếp thứ 3 với 951 triệu USD.
Hai bộ phim này trở thành hiện tượng, tạo ra tiếng vang lớn, mang lại doanh thu phòng vé hơn 2,3 tỉ USD. Trong đó, Barbie đạt kỷ lục là bộ phim có doanh thu cao nhất của hãng Warner Bros. trong lịch sử 100 năm hình thành.
Hollywood tê liệt vì... đình công
Trong gần 4 tháng (từ tháng 5 - 9.2023), các diễn viên Hollywood đã liên tục đình công, kêu gọi tăng lương. Theo báo cáo của Cục Thống kê lao động Mỹ, mỗi diễn viên chỉ kiếm được trung bình 27,73 USD/giờ, nhiều người không được trả lương đúng hẹn. Các nhà biên kịch cũng xuống đường, khiến việc sản xuất phim và truyền hình bị đình trệ.
Nhiều lễ trao giải điện ảnh - truyền hình bị thu hẹp hoặc trì hoãn, dẫn đến thảm đỏ một số sự kiện vắng vẻ một cách bất thường. Tháng 11.2023, Hiệp hội Diễn viên màn ảnh - Liên đoàn Nghệ sĩ truyền hình và phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA) cuối cùng đạt được thỏa thuận (hết hạn vào tháng 5.2026) với các hãng phim lớn, bao gồm: tăng lương, đảm bảo phúc lợi, tăng tiền bản quyền cho nghệ sĩ và các hãng phim không hoặc hạn chế sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Trao trả tác phẩm nghệ thuật quý
Năm 2023, thế giới chứng kiến nhiều cổ vật quý được "hồi hương", cùng những cam kết sẽ trả lại cổ vật về cố quốc.
Bảo tàng Nghệ thuật Rubin và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York (Mỹ) đã trả lại các cổ vật lấy từ một tu viện ở Nepal thế kỷ 11 và từ các địa điểm khảo cổ thuộc Đông Nam Á.
Phòng trưng bày quốc gia Úc và gia đình cố tỉ phú Mỹ George Lindemann hứa sẽ gửi lại những hiện vật bị cướp về lại Campuchia, đồng thời Mỹ cũng tuyên bố sẽ trả lại 77 đồ vật quý cho Yemen. Đầu tháng 12.2023, Bảo tàng Virginia (Mỹ) trả lại 44 tác phẩm bị đánh cắp hoặc bị cướp bóc cho Ai Cập, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh đó, Bảo tàng Anh đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc trả lại các cổ vật gây tranh cãi. Trong số đó có những viên bi Parthenon (được làm từ năm 447 - 432 trước Công nguyên, từng tô điểm cho đền Parthenon trên đỉnh Acropolis của Athens) kèm theo nhiều tác phẩm điêu khắc khác có niên đại hơn 2.500 năm. Các cổ vật này lâu nay đã là tâm điểm tranh chấp ngoại giao giữa Anh và Hy Lạp.
Tập đoàn thời trang ngày càng hùng mạnh
Các tập đoàn thời trang lớn kiểm soát phần lớn ngành công nghiệp thời trang và thị trường hàng xa xỉ trị giá 1,6 nghìn tỉ USD trong năm 2023. Dữ liệu từ Công ty quản lý tài chính Savigny Partners (Anh) công bố: LVMH, Kering và Richemont sở hữu tổng cộng 62% thị trường thời trang xa xỉ.
Mùa hè năm 2023, Tapestry - công ty mẹ của Coach, Kate Spade, Stuart Weitzman - đã sáp nhập với Capri (chủ sở hữu các thương hiệu lừng danh: Versace, Jimmy Choo và Michael Kors) trong một thỏa thuận trị giá 8,5 tỉ USD. Trong khi đó, LVMH (hiện sở hữu Louis Vuitton, Givenchy, Christian Dior và Fendi cùng nhiều công ty khác) đã trở thành công ty châu Âu đầu tiên trị giá hơn 500 tỉ USD vào tháng 4.2023.
Doanh thu đấu giá sụt giảm
Chỉ có 2 bức tranh đạt đến mốc 9 con số khi bán đấu giá vào năm 2023: một kiệt tác của Picasso mang tên Femme à la montre (tạm dịch: Người phụ nữ đeo đồng hồ) thu về hơn 139 triệu USD, trở thành tác phẩm có giá cao thứ hai của họa sĩ người Tây Ban Nha và Lady with a fan (Quý bà cầm quạt) - tác phẩm của danh họa Gustav Klimt có giá 108 triệu USD.
Tuy nhiên, nhìn chung, doanh số đấu giá trong năm rất thấp. Chẳng hạn, nhà đấu giá Christie's báo cáo doanh thu giảm 2,2 tỉ USD so với năm 2022, trong khi nhà đấu giá Philips công bố mức giảm gần 40% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2023, khoảng 100 lô đấu giá được bán với tổng trị giá 2,4 tỉ USD, so với 4,1 tỉ USD vào năm 2022.
10.000 nhà văn, biên kịch chống lại ChatGPT
Nhiều nhà văn như George RR Martin, Jodi Picoult và John Grisham… đã tham gia một vụ kiện tập thể chống lại OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT, vì sử dụng tác phẩm có bản quyền để tạo ra những sản phẩm gần giống. Hơn 10.000 nhà văn, biên kịch bao gồm các cây bút đình đám đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi các nhà lãnh đạo ngành AI phải nhận được sự đồng ý của tác giả khi sử dụng tác phẩm của họ.
Bình luận (0)