Tôi tìm đến làng bánh tráng Mỹ Lồng ở xã Mỹ Thạnh (huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre) vào một ngày cuối tuần nhiều nắng, cái nóng của thời tiết đã được bù đắp bằng tình cảm nhiệt thành của người dân địa phương.
>> Đi Bến Tre nhớ tìm ăn ốc gạo Cồn Phú Đa
>> Tìm ăn bánh canh hến nước cốt dừa ở Bến Tre
>> Đến Vũng Tàu nhớ tìm ăn bún súng
Tên gọi Mỹ Lồng (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) thực ra trước đây để chỉ một chợ nhỏ mua bán các đặc sản địa phương, mà nổi tiếng nhất là món bánh tráng hấp dẫn được đông đảo thực khách ưa thích.Từ đó mỗi lần ai đó nhắc tới bánh tráng là người ta nghĩ ngay đến chợ Mỹ Lồng, cũng như thương hiệu bánh tráng Mỹ Lồng trở nên nổi tiếng khắp vùng Bến Tre, các tỉnh miền Tây rồi cả nước là vì thế.
Dẫu tôi đã nghe nói nhiều về chuyện chiếc bánh tráng tráng làm từ bột gạo trộn nước cốt dừa, quạt trên than hồng nhưng khi đuợc cùng người dân tham gia công việc từ pha bột, tráng, phơi đến nướng… mới thấy hết sự tỉ mỉ, kì công và rất đỗi tinh tế. Trong mắt tôi, mỗi người dân làm bánh ở làng Mỹ Lồng thực sự là một nghệ nhân.
|
Gạo dùng để làm bánh tráng không phải muốn xay loại nào cũng được. Mà gạo ở đây phải là loại gạo sỏi từ một giống lúa đặc biệt ở Trà Vinh. Vì theo kinh nghiệm lâu năm của bà con Bến Tre, gạo sỏi chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết khô hạn nên khi xay làm bánh thì bánh mới không bị gãy hay bị co khi đem phơi nắng. Đặc biệt dừa trồng trên đất Mỹ Lồng nước rất ngọt, thịt cơm dừa đặc, nhiều chất béo hơn dừa các vùng khác.
Từ bột gạo và nước cốt dừa này người dân Mỹ Lồng đã sáng tạo và làm nên những chiếc bánh tráng thơm ngon với nhiều hương vị chay mặn khác nhau. Gạo làm bánh được vo kĩ và xay nhuyễn mịn. Dừa thì chọn những trái già, cùi dày, chặt để nước qua một bên, rồi mới lấy cùi xay nhỏ và vắt lấy nước cốt. Nếu làm bánh tráng mè thì nguyên liệu chỉ có bột gạo, nước cốt dừa, đường, mè. Còn bánh tráng sữa thì có thêm sữa, lòng đỏ trứng gà; bánh tráng mặn thì thêm lạp xưởng tôm khô; bánh tráng gừng thì thêm nước cốt gừng.
Pha bột tráng bánh thường phải để cho những người có kinh nghiệm làm. Bột pha đúng đủ thì khi tráng bánh mới không bị dính khuôn, dễ dàng trong việc lật trở khi phơi khô. Người tráng bánh phải là người quen tay thì miếng bánh tráng thành phẩm mới tròn và độ dày mỏng mới đều nhau. Pha bột và tráng bánh khéo thì vừa tiết kiệm được lượng bột mà bánh lại vừa tròn, đẹp.
Bánh tráng xong được đặt trên những tấm đan làm từ lá dừa. Phơi bánh ngoài trời cũng phải chú ý, nếu nắng nhiều bánh sẽ bị giòn, dễ vỡ, ít nắng thì bánh bị chai sần đi. Bánh phơi đạt tiêu chuẩn là khi cầm lên tay thấy mịn, không có lỗ khí lồi lõm…
Nướng bánh tráng cũng đòi hỏi người có kinh nghiệm và phải quen tay. Khi than củi quạt thật hồng thì mới đặt bánh tráng lên nướng. Phải lật trở đều nhanh tay vì bánh chóng chín và nhanh vàng. Chỉ cần chậm tay một chút là chiếc bánh bị cháy sém ngay.
Cầm trên tay chiếc bánh tráng nhâm nhi, vị ngọt béo thơm mùi mè sữa dừa làm tôi mê mẩn. Thấy yêu quý hơn những bàn tay lao động của người dân Mỹ Lồng đã làm nên thương hiệu bánh tráng nức tiếng này.
|
Đoàn Xuân (thực hiện)
Bình luận (0)