Bệnh nhân nói trên, họ Lưu, làm việc trong một khu cách ly của một bệnh viện ở thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc từ ngày 4.3, với công việc lấy các mẫu của những người được cách ly để xét nghiệm Covid-19, theo Reuters dẫn lại thông tin từ Health Times, một ấn phẩm thuộc Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm mới nói trên hôm 18.3, đánh dấu ca nhiễm Covid-19 nội địa đầu tiên kể từ ngày 14.2. Health Times dẫn lời một nhóm chuyên gia ở Thiểm Tây cho hay cô Lưu bị phơi nhiễm trong khu vực cách ly của bệnh viện.
Health Times dẫn lời ông Tăng Quang, từng là trưởng nhà dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Trung Quốc, cho hay tỷ lệ bảo vệ của loại vắc xin được tiêm cho cô Lưu “không phải 100%”, nhưng kêu gọi dân chúng không nên nghi ngờ về các loại vắc xin Covid-19 nội địa chỉ vì trường hợp này.
“Tỷ lệ hiệu quả của các loại vắc xin nội địa trong việc ngăn ngừa các ca nghiêm trọng ở Trung Quốc là trên 90% và tỷ lệ bảo vệ nói chung là hơn 70%”, ông Tăng khẳng định. Ông còn nói rằng các bệnh viện điều trị Covid-19 là những khu vực có nguy cơ cao nên các nhân viên y tế được tiêm vắc xin không thể loại trừ khả năng bị nhiễm.
Health Times không nói rõ cô Lưu được tiêm loại vắc xin Covid-19 nào do Trung Quốc bào chế. Trung Quốc hiện có 4 loại vắc xin Covid-19 nội địa được phép sử dụng. Trong đó có 2 loại phổ biến được Trung Quốc xuất khẩu hoặc tặng cho một số nước khác là loại vắc xin do công ty công nghệ sinh học Sinovac bào chế và một loại do một công ty thuộc Tập đoàn dược quốc gia Trung Quốc Sinopharm phát triển.
Bình luận (0)