“Thủ đô” di sản
Quả thật, trải nghiệm đầu tiên ở nước Nga với các nhân viên xuất nhập cảnh là một điều không vui vẻ gì, cho dù chúng tôi đã được cảnh báo trước từ những người bạn đang sống ở đây. Hệ thống nghiệp vụ của bộ phận xuất nhập cảnh chưa hiện đại, thái độ của nhân viên vô cùng cứng nhắc, lề mề và thiếu thân thiện.
Mất gần 2 giờ để làm thủ tục ở phi trường và mất thêm chừng ấy thời gian di chuyển để đến nhà ga Leninsky Prospekt đón một chuyến tàu nhanh đi Saint Petersburg.
Tàu điện cao tốc ở Nga có tên gọi là Sapsan, được đưa vào khai thác chính thức năm 2009 và chủ yếu phục vụ tuyến đường Moscow - Saint Petersburg, nối hai thành phố lớn nhất Liên bang Nga. Sapsan là hệ thống vận tải hành khách tuyệt vời; từ Mát (tên gọi tắt của Moscow được cộng đồng người Việt ở Nga hay sử dụng), nếu chọn chuyến nhanh nhất, bạn chỉ mất khoảng 3 giờ 30 phút là đến Xanh (gọi tắt của Saint Petersburg), cách nhau 700 km.
Khi yên vị trong một cabin được thiết kế hết sức thoải mái của toa tàu Sapsan, chúng tôi đã bắt đầu lấy lại hứng thú và chợt nghĩ về Xanh lẫn Sài Gòn nơi tôi đang sống. Với tuổi đời xấp xỉ 300 năm, dường như Xanh có một khởi đầu cùng lúc với Sài Gòn.
Saint Petersburg được ví như một trong những đại đô thị sở hữu nhiều di sản với mật độ dày đặc, đứng vào hàng số 1 thế giới. Các Sa hoàng trị vì nước Nga thuộc nhà Romanov kéo dài từ đầu thế kỷ 18 đến khi kết thúc chế độ phong kiến tập quyền và cuộc cách mạng Tháng Mười nổ ra vào đầu thế kỷ 20. Với chừng ấy thời gian, các Sa hoàng đã kịp đặt nền móng cho công cuộc phát triển và bảo tồn một nền văn hóa nghệ thuật đặc sắc, mà những di sản họ để lại cho hậu thế trên chính thành phố Saint Petersburg có thể nói là vô số kể.
Hàng hàng lớp lớp những tòa cung điện nguy nga, những tòa thánh đường Chính Thống giáo lộng lẫy, những con phố dày đặc biệt thự cổ, những khu vườn sum suê và đặc biệt, các bảo tàng nghệ thuật lưu giữ những hiện vật vô giá hiếm có. Saint Petersburg thật sự là một đại đô thị vĩ đại, được mệnh danh là Thủ đô di sản của nước Nga, cho dù Xanh mới chỉ có tuổi đời hơn 300 năm, một khoảng thời gian khá ngắn nếu so với các đô thị như Rome hay Paris.
Ngoài khu trung tâm các di sản, nơi trái tim của thành phố Saint Petersburg, nếu chịu khó lên một chuyến tàu hỏa đi ra phía ngoài ngoại ô, bán kính từ 60 km trở lại, bạn còn có thể đắm mình trong những khu vườn thu tuyệt đẹp.
Các Sa hoàng đã để lại cho hậu thế một hệ thống các cung điện và khu vườn hết sức đặc sắc như: Làng của Sa hoàng, nơi đây có hành cung của Catherine Đại đế; Cung điện mùa hè Peterhof và hệ thống đài phun nước rất đa dạng. Để khám phá được cơ bản tất cả các điểm đặc sắc ở Xanh, e rằng các bạn phải mất hàng tuần liền.
Ngôi làng Phần Lan trên đất Nga
|
Vyborg là một đô thị nhỏ, chỉ với khoảng 80.000 dân và về mặt hành chính thì nó thuộc vùng Leningrad. Vyborg nằm cách Saint Petersburg 130 km về phía tây bắc, và đặc biệt chỉ cách biên giới Phần Lan hơn 30 km. Đô thị này thật ra đóng một vai trò rất quan trọng vì nó là điểm trung chuyển chính, với một nhà ga tàu liên vận cho tuyến đường liên Âu, đoạn Nga - Phần Lan.
|
Vyborg có một lịch sử khá phức tạp và lý thú. Rẻo đất biên giới nhỏ nhắn này từng thuộc về lãnh thổ Phần Lan cho đến sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Liên Xô - Phần Lan (1940) thì nó chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Liên Xô (do Phần Lan thua trận) đến tận bây giờ. Một khoảng thời gian dài thuộc về xứ sở của những người Viking, Vyborg đã tiếp nhận một nền tảng văn hóa và ngay cả con người cũng đến 7 - 8 phần mang tính chất Phần Lan.
Về sau, khi sáp nhập vào Liên Xô, Vyborg bắt đầu chịu một sự Nga hóa tương đối mạnh mẽ. Nhưng cho đến tận bây giờ, khi bước chân đến Vyborg, bạn vẫn dễ dàng nhận ra những sự khác biệt căn bản về kiến trúc, con người và các thói quen, ngay cả thức ăn, họ vẫn còn giữ lại phần nhiều các yếu tố Phần Lan trong đời sống. Đó cũng chính là một trong những lý do tạo được sự tò mò và thu hút khách du lịch tập trung về thị trấn này...
Đến Vyborg, đừng quên đi thăm lâu đài Vyborg, một trong những kiến trúc nổi bật nhất nơi đây, hoàn toàn đặc trưng của một lâu đài Viking điển hình nhất. Trên tầng áp mái của tòa tháp khổng lồ trong lâu đài cũng có một đài quan sát 360 độ, nơi đây có thể nhìn toàn cảnh thành phố Vyborg thơ mộng và ở hướng ngược lại thì có thể nhìn ra vịnh Phần Lan và biển Baltic mênh mông.
Chúng tôi đến thăm lâu đài Vyborg vào một ngày nắng đẹp, và khi lên được đài quan sát cũng là lúc ánh chiều tà bắt đầu xuyên ngang qua bờ vịnh, ánh sáng vàng lấp lóa trên những mái nhà nhiều màu sắc, một khung cảnh hệt như trong cổ tích Bắc Âu hiện ra, đẹp đến mức chúng tôi run cả người, quên hết cái giá lạnh của những cơn gió biển Bắc thổi ào ạt vào người.
Nếu lưu lại Vyborg một ngày, hãy tìm một nhà hàng nhỏ ấm áp, nằm cạnh quảng trường trung tâm, nơi có một pháo đài bằng đá kiên cố, và một khu trung tâm thương mại, kết hợp với khu chợ địa phương hết sức đặc sắc.
Ngót nửa tháng trời rong ruổi qua nhiều vùng đất trên lãnh thổ này, giúp tôi có một sự thấu hiểu hơn về người Nga. Dân tộc này vẫn mạnh mẽ và kiêu hãnh, cho dù bánh xe lịch sử đã quay những vòng quay khốc liệt nhất, để lại cho nước Nga những ngổn ngang nhất định. Nhưng tương lai vẫn còn ở phía trước, nước Nga, người Nga vẫn xứng đáng là một trong những dân tộc kiên cường...
Người Nga tốt bụng
Đi tàu trên đất Nga cũng là một trong những trải nghiệm đáng giá. Lãnh thổ nước Nga trải dài từ Á sang Âu, từ biển Baltic sang Thái Bình Dương, và nếu phải đi ngang vùng lãnh thổ này thì bạn buộc phải trải qua 8 múi giờ khác nhau. Điều đó để thấy rằng diện tích nước Nga lớn khủng khiếp và cũng chính vì vậy mà mạng lưới đường sắt của Liên bang Nga là vô cùng quan trọng.
Ngoài tuyến tàu cao tốc Sapsan nối Mát và Xanh, các đường tàu điện còn lại của Nga chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu, khổ đường sắt to nhưng tàu thì cũ kỹ, vận tốc chậm và họ bố trí các bảng, chỉ dẫn lịch chạy tàu rất thiếu trực quan, ngay cả với người bản địa cũng gặp khó khăn, đừng nói là phục vụ du khách. Hầu hết các nhà ga và toa tàu đều không có tiếng Anh, chúng tôi thường phải dùng internet để tra lịch chạy tàu, mua vé và phải căng mắt căng tai ra để dò hỏi nhân viên hỏa xa và ngay cả khách đi cùng. May mắn thay, đa phần người Nga khá thân thiện, kể cả họ không thể nói tiếng Anh cũng nhiệt tình chỉ dẫn và giúp đỡ.
Có vài lần chúng tôi lạc lối vì đi quá trạm xe điện (tram), hay vì xe buýt nội đô thay đổi lịch trình bất thường. Chúng tôi phải lúng túng hàng giờ, loay hoay trên phố vì lúc đó internet cũng mất, trời mưa lâm thâm, cái buốt giá của màn đêm len vào tận trong da thịt.
Những lần đó, cứu tinh của chúng tôi thường là người Nga đang đi trên đường. Phần lớn họ đều tử tế, các bạn trẻ nói bập bẹ tiếng Anh giao tiếp, những người đàn ông che dù chạy vội trong màn đêm từ sở làm về, một bà cụ lọm khọm chạy lúp xúp theo chúng tôi đến tận trạm xe buýt, đứng lặng lẽ chờ cho chúng tôi lên đúng xe cần phải đi, vẫy tay chào xong rồi mới quay về lối vào nhà.
|
Bình luận (0)