Một quốc gia sắp phá sản trong đại dịch Covid-19

Khánh An
Khánh An
03/01/2022 19:30 GMT+7

Hơn nửa triệu người rơi vào cảnh nghèo túng kể từ khi đại dịch tác động tại Sri Lanka, trong khi nhiều chuyên gia cảnh báo về nguy cơ nước này phá sản.

Một người bán gạo tại Colombo, Sri Lanka

ảnh chụp màn hình The guardian

Giới phân tích cho rằng Sri Lanka đang đối diện nguy cơ khủng hoảng tài chính và nhân đạo gia tăng, với lo ngại nước này có thể vỡ nợ ngay trong năm nay do lạm phát tăng lên mức kỷ lục, giá thực phẩm tăng chóng mặt và ngân sách cạn kiệt.

Khủng hoảng một phần do tác động tức thời của đại dịch Covid-19 và thiệt hại về du lịch, cũng như do việc chi tiêu lớn và cắt giảm thuế khiến nguồn thu ngân sách giảm. Bên cạnh đó là các khoản nợ phải trả cho Trung Quốc và nguồn dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất trong thập niên qua.

Chuyên gia Úc tin đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc trong năm nay

Lạm phát, nghèo khó

Lạm phát một phần còn do chính phủ in tiền để trả các khoản vay nước trong nước và trái phiếu nước ngoài. Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính khoảng 500.000 người tại Sri Lanka rơi xuống ngưỡng nghèo kể từ đầu đại dịch, đảo ngược thành tựu của khoảng 5 năm giảm nghèo.

Lạm phát đạt ngưỡng cao kỷ lục 11,1% vào tháng 11.2021 và giá cả leo thang khiến nhiều người từng khá giả giờ đây phải chật vật nuôi sống gia đình, thậm chí không kham nổi các hàng hóa thiết yếu.

Sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tuyên bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế vào ngày 1.9.2021, quân đội được trao quyền đảm bảo hàng hóa thiết yếu như gạo và đường được bán với giá quy định, nhưng vẫn không giải quyết được tình hình một cách đáng kể.

Giá cả leo thang khiến nhiều người không thể mua đủ lương thực, nhu yếu phẩm

ảnh chụp màn hình the guardian

Ông Anurudda Paranagama, một tài xế tại thủ đô Colombo, phải làm thêm việc để trả chi phí thực phẩm gia tăng và trả tiền vay mua ô tô nhưng vẫn không đủ. “Tôi gặp khó khăn trong việc trả nợ. Sau khi trả tiền điện, nước và mua thức ăn thì không còn tiền”, ông kể và cho biết gia đình ông giờ đây chỉ ăn ngày 2 bữa thay vì 3 bữa như trước.

Ông kể rằng thậm chí cửa hàng thực phẩm phải chia sữa bột 1 kg sang những túi 100 gram để khách hàng có đủ tiền mua.

Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo

Tình hình tồi tệ đến mức nhiều người xếp hàng dài để xin hộ chiếu, trong khi khoảng 1/4 người dân, chủ yếu là người trẻ và có học, cho biết họ muốn ra nước ngoài.

Tình hình khiến những người cao tuổi nhớ lại thập niên 1970, khi việc kiểm soát nhập khẩu và sản xuất nội địa thấp khiến thiếu hụt hàng thiết yếu nghiêm trọng và nhiều người xếp hàng mua bánh mì, sữa và gạo.

Cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Sri Lanka WA Wijewardena cảnh báo rằng khó khăn của người dân sẽ khiến khủng hoảng tài chính nghiêm trọng hơn. “Khi khủng hoảng kinh tế vượt mức có thể cứu vãn, điều không thể tránh khỏi là đất nước sẽ chịu khủng hoảng tài chính. Cả 2 việc sẽ làm suy yếu an ninh lương thực khi giảm sản xuất và không nhập khẩu được do khan hiếm ngoại tệ. Khi đó sẽ là khủng hoảng nhân đạo”, ông cảnh báo.

Một trong những vấn đề cấp bách của Sri Lanka là gánh nặng nợ nước ngoài, đặc biệt là với Trung Quốc. Nước này nợ Trung Quốc hơn 5 tỉ USD và năm ngoái còn nhận thêm 1 tỉ USD vốn vay nhằm đối phó khủng hoảng tài chính.

Trong 12 tháng tới, chính phủ và lĩnh vực tư nhân phải trả khoảng 7,3 tỉ USD tiền vay trong và ngoài nước, trong đó có 500 triệu USD trái phiếu chính phủ phải trả trong tháng 1. Trong khi đó, tính đến tháng 11.2021, dự trữ ngoại tệ chỉ ở mức 1,6 tỉ USD.

Trong một động thái bất thường, Bộ trưởng Ramesh Pathirana cho biết họ hy vọng dàn xếp các khoản nợ dầu mỏ cũ với Iran bằng cách xuất khẩu trà trị giá khoảng 5 triệu USD hằng tháng để cứu vãn.

Voi rừng đói khát tại Sri Lanka phải đào bới bãi rác để tìm thức ăn

Nông nghiệp gặp khó

Trong khi đó, quyết định bất ngờ của Tổng thống Rajapaksa hồi tháng 5 về việc cấm phân bón, thuốc trừ sâu và buộc nông dân theo hướng hữu cơ đã khiến nhiều cộng đồng nông dân vốn sung túc trở nên khó khăn.

Nhiều nông dân vốn quen sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu không còn sản xuất các vụ mùa với sản lượng như trước, không thể đối phó cỏ dại và côn trùng gây hại.

Sợ lỗ, nhiều người quyết định không canh tác tiếp, dẫn đến thiếu hụt lương thực. Chính phủ đã rút lại lệnh cấm vào tháng 10.2021 và nông dân giờ đây chật vật đối phó với chi phí cao từ phân bón nhập khẩu.

Chính phủ quyết định đột ngột về chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ khiến nhiều nông dân điêu đứng

ảnh chụp màn hình the guardian

Trong nỗ lực giải quyết khó khăn, chính phủ đã có các biện pháp hỗ trợ tạm thời như các khoản tín dụng để nhập lương thực, thuốc men và nhiên liệu từ Ấn Độ, cũng như hoán đổi tiền tệ với Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và các khoản vay để mua xăng dầu từ Oman.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những khoản vay này chỉ giải quyết ngắn hạn và phải nhanh chóng được trả lại với lãi suất cao, khiến nợ càng thêm nợ.

Dự trữ ngoại tệ của Sri Lanka sẽ âm?

Chuyên gia kinh tế và là nghị sĩ đối lập Harsha de Silva mới đây đã phát biểu trước quốc hội rằng dự trữ ngoại tệ của Sri Lanka sẽ âm 437 triệu USD vào tháng 1.2023, trong khi tổng nợ nước ngoài tới hạn từ tháng 2-10.2022 sẽ là 4,8 tỉ USD. “Quốc gia sẽ hoàn toàn phá sản”, ông lo ngại. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ajith Nivard Cabraal công khai khẳng định rằng Sri Lanka có thể trả nợ, dù người tiền nhiệm của ông là WA Wijewardena cho rằng nước này đang có nguy cơ lớn bị nợ xấu, dẫn đến hậu quả kinh tế thê thảm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.