Nhìn từ góc độ dạy và học ngoại ngữ thì sử dụng giáo trình do người bản ngữ soạn ra là tốt nhất. Kinh nghiệm ở một số quốc gia khác tại Đông Nam Á, ví dụ như Singapore, vào thời gian đầu sẽ sử dụng luôn sách từ các nhà xuất bản của nước ngoài (bản ngữ) để cho học sinh học.
Tất nhiên điều này sẽ có một chút bất lợi là không chủ động được về mục tiêu và nội dung nên có thể sẽ có chỗ thừa hoặc thiếu (hoặc vừa thừa vừa thiếu), nhưng điều này có thể được nhà trường hoặc chính cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục sẽ điều chỉnh, bổ sung để đạt mục tiêu của mình. Cần lưu ý rằng Singapore là một quốc gia sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức, có nghĩa là khả năng sử dụng tiếng Anh của người dân Singapore luôn cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á, nhưng họ vẫn sử dụng sách nguyên gốc của nước ngoài để đảm bảo về chất lượng sách.
Và chỉ sau một thời gian học sách của nước ngoài, học được cách làm của họ, Singapore mới chủ động xây dựng bộ sách giáo khoa (SGK) của riêng mình, nhưng hoàn toàn có thể mời người bản ngữ tham gia để cùng xây dựng hoặc hiệu chỉnh cho phù hợp.
Việt Nam có thể có những lý do riêng để không muốn người nước ngoài tham gia, nhưng đã là SGK thì nhất thiết phải đặt vấn đề chất lượng của sách lên hàng đầu. Vì SGK sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, và vì đây là sách dạy ngoại ngữ thì ta không thể dạy một loại ngoại ngữ mà khi nói lên thì sẽ là một thứ tiếng không giống ai. Có lẽ Bộ GD-ĐT nên xem xét lại chủ trương không sử dụng người nước ngoài khi soạn SGK ngoại ngữ.
Thực tế ở Việt Nam, trong nhiều năm SGK ngoại ngữ là do người Việt soạn, và rõ ràng là có những hạn chế cả về ngôn ngữ lẫn về phương pháp. Nói ngắn gọn là học xong chương trình chính thức ở trường thì không sử dụng được bao nhiêu.
Chính vì vậy mà các trung tâm ngoại ngữ ngoài giờ đều chọn sách dạy ngoại ngữ của nước bản ngữ để sử dụng. Cho nên nếu vẫn giữ quan điểm không cho phép người nước ngoài tham gia soạn SGK thì sẽ dẫn đến tình trạng vừa kém hiệu quả trong giờ học chính thức tại trường, vừa tạo cơ hội cho các nhà xuất bản nước ngoài bán sách cho người Việt Nam với giá cao. Trong khi đó, nếu mời người nước ngoài cùng tham gia thì tránh được cả 2 điều bất lợi trên.
Tất nhiên sự tham gia của người nước ngoài có thể theo nhiều mức độ tùy theo mục tiêu của chính chúng ta. Nếu không có sự tham gia này thì chắc chắn ngôn ngữ được viết trong SGK ngoại ngữ sẽ khó mà đúng chuẩn mực và tự nhiên được. Là điều mà giới chuyên môn giảng dạy ngoại ngữ luôn cố tránh.
Tôi nghĩ, với mục tiêu đẩy mạnh chất lượng dạy và học ngoại ngữ mà Bộ GD-ĐT đã chủ trương từ nhiều năm nay, nếu quả thật luật Xuất bản hiện hành đang là rào cản khiến không thể sử dụng người nước ngoài trong việc tham gia viết SGK, thì các cơ quan có trách nhiệm nên ngồi lại với nhau để tìm cách tháo gỡ.
Có một giải pháp dễ được chấp nhận nhất trong khi chờ đợi những thay đổi về luật, đó là: bắt buộc phải có người bản ngữ tham gia vào khâu cuối cùng trước khi SGK “ra lò”, đó là khâu thẩm định và hiệu chỉnh ngôn ngữ. Chỉ có cách đó mới mong biến ngoại ngữ thành một thế mạnh của người Việt Nam như mục tiêu ban đầu của đề án ngoại ngữ 2020.
Bình luận (0)