‘Một số cấp chính quyền chưa đối thoại đến tận cùng với người dân’

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/12/2020 21:25 GMT+7

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, việc một số cấp chính quyền không đối thoại đến tận cùng với người dân là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng khiếu nại, tố cáo của người dân rất nặng nề.

Đề nghị có quy chế làm việc giữa Ban Bí thư và Mặt trận Tổ quốc

Phát biểu tại Hội nghị Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 22.12, từ điểm cầu TP.HCM, ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bày tỏ ông luôn tâm đắc và nhận thức sâu sắc rằng, sức mạnh của Mặt trận bắt nguồn từ sức mạnh lãnh đạo của Đảng, từ sức mạnh của các dân tộc Việt Nam, từ sức mạnh của các tổ chức thành viên.
Do đó, trong năm 2021, muốn tiếp tục xây dựng Mặt trận Tổ quốc vững mạnh, cần phát huy sức mạnh của các tổ chức thành viên, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam - vừa là tổ chức thành viên, vừa là tổ chức lãnh đạo Mặt trận.
“Có thể nói Đảng là thành viên rất mẫu mực, hạt nhân lãnh đạo. Mọi hoạt động của Mặt trận muốn phát huy tốt vai trò thì phải phát huy thành viên đặc biệt này”, ông Đảm nêu.
Từ đó, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị, nên xem xét ban hành quy chế làm việc của Ban Bí thư, Thường vụ cấp củy các cấp với Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Theo ông Đảm, các văn kiện của Đảng đã nêu rõ Đảng phải thường xuyên lắng nghe ý kiến của Mặt trận, nhân dân, qua đó góp phần xây dựng Đảng. Tuy nhiên, nếu những nội dung này được cụ thể hóa thành quy chế thì sẽ tạo ra “chất" mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng với Mặt trận trong thời kỳ mới.
Ông Đảm cũng kiến nghị “nâng cấp” các quy định của Đảng, Nhà nước về vai trò của Mặt trận trong giám sát, phản biện xã hội.
“Tôi tha thiết đề nghị, Mặt trận đề xuất cơ quan thẩm quyền, cụ thể hóa, thể chế hóa hơn nữa vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận”, ông Đảm nói và cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc trong năm 2021 là tổ chức tốt cuộc bầu cử Quốc hội khóa 15 và HĐND các cấp.
“Mặt trận tổ chức hiệp thương làm sao cho hiệu quả, làm sao không để lọt những trường hợp không đủ tiêu chuẩn vào Quốc hội và HĐND. Đây là nội dung trọng tâm của năm 2021”, ông Đảm nêu.

Hội nghị của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc ngày 22.12 có sự tham dự, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng

Ảnh Ngọc Thắng

Cùng về nội dung giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, từ điểm cầu Hà Nội, thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam, cho rằng, trong công tác giám sát, phản biện, Mặt trận Tổ quốc cần xem xét kỹ lưỡng những nội dung, quy định về phòng chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm để tạo tính răn đe mạnh hơn.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc khi tham gia giám sát, phản biện cần có những nội dung rõ hơn, cụ thể hơn, có hành lang pháp lý vững chắc, bảo đảm sự hiệu quả trong thực hiện công việc.

Tình hình khiếu nại, tố cáo của người dân còn rất nặng nề

Cho biết đặc biệt chú ý ý kiến của nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm về việc sức mạnh của Mặt trận bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nhấn mạnh: “Đảng lãnh đạo có hiệu quả đối với đất nước thời gian vừa qua là nhờ có vai trò của Mặt trận - một trong những cầu nối quan trọng nhất giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân”.
“Vừa qua thấy mỗi khi gặp khó khăn, Đảng thể hiện bản lĩnh, phẩm chất, sáng suốt của mình trong lãnh đạo đất nước. Nhưng Đảng, Nhà nước chỉ thực hiện sự lãnh đạo hiệu quả đó khi có các cầu nối vững chắc với nhân dân. Tôi khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cầu nối quan trọng nhất nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân”, ông Thịnh khẳng định.

“Nguyên nhân tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài là một số cấp chính quyền địa phương chưa đối thoại đến tận cùng với nhân dân khi giải quyết khiếu nại tố cáo. Chưa phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên trong việc cùng chính quyền đối thoại với nhân dân”. 

Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Chủ tịch Liên đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cho hay, qua hoạt động thực tiễn, ông thấy rằng, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân còn rất nặng nề.
“Nguyên nhân tình trạng này còn kéo dài là một số cấp chính quyền địa phương chưa đối thoại đến tận cùng với nhân dân khi giải quyết khiếu nại tố cáo. Chưa phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên trong việc cùng chính quyền đối thoại với nhân dân”, ông Thịnh nêu.
Theo ông Thịnh, nếu chính quyền đối thoại đến tận cùng với nhân dân mà chính quyền đúng thì Mặt trận và các đoàn thể ủng hộ chính quyền. Trong trường hợp không may chính quyền sai thì cũng phải cầu thị sửa sai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân.
"Trong trường hợp người dân đúng thì Mặt trận kiến nghị các cấp chính quyền bảo vệ quyền lợi cho người dân. Còn người dân sai thì Mặt trận giải thích, thuyết phục cho người dân hiểu", ông Thịnh phân tích.
Với những lợi ích của việc đối thoại của chính quyền với dân, ông Thịnh đề nghị, trong thời gian tới, chính quyền các cấp tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Mặt trận và các tổ chức đoàn thể "đối thoại tận cùng" với người dân để giảm khiếu nại tố cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.