Một số địa phương còn 'e dè' mua sắm thuốc, hóa chất phòng chống dịch bệnh

22/12/2023 12:12 GMT+7

Từ đầu năm 2023 đến nay, dịch bệnh tay chân miệng và một số dịch bệnh truyền nhiễm khác tăng cao, trong khi đó tình hình thiếu thuốc, vật tư, hóa chất phòng chống dịch diễn ra nhiều địa phương.

Sáng 22.12, Viện Pasteur TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh khu vực phía nam năm 2023. Hội nghị có sự tham dự của các lãnh đạo Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM và các bệnh viện tại khu vực phía nam.

Bệnh tay chân miệng tăng cao

Báo cáo tại hội nghị, TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết một số loại dịch bệnh khu vực phía nam năm 2023 tăng so với năm 2022.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, phía nam có 141.293 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 1,75 lần so với số liệu cùng kỳ năm ngoái (89.931 ca). "Đỉnh dịch bệnh tay chân miệng vào khoảng từ tháng 6 và gia tăng ca mắc chủ yếu là tuýp vi rút EV71", ông Thượng nói.

Các loại bệnh khác tăng, như bệnh thủy đậu tăng 11,7%, bệnh tiêu chảy tăng 7%. Đặc biệt, đậu mùa khỉ phát hiện ở 10/20 tỉnh với 117 ca mắc, 6 ca tử vong và chưa có dấu hiệu chững lại.

Một số địa phương còn 'e dè' mua sắm thuốc, hóa chất phòng chống dịch bệnh- Ảnh 1.

Điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1

DUY TÍNH

Các loại dịch bệnh giảm ở phía nam, như sốt xuất huyết, tính từ đầu năm 2023 đến tháng 11 đã có 62.674 ca mắc, giảm 72% so với năm 2022 và có 22 ca tử vong. "Nhưng chiều hướng biến đổi khí hậu và bệnh sốt xuất huyết trên thế giới chưa ổn định nên có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết vào thời gian tới", TS-BS Nguyễn Vũ Thượng cảnh báo.

Dịch bệnh Covid-19 giảm 98%, bệnh dại và HIV không có thay đổi nhiều so với năm ngoái.

Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM đánh giá tình hình dịch Covid-19, cúm, sốt xuất huyết và các dịch bệnh ngừa bằng vắc xin hiện nay đã ổn định. Tuy nhiên, tình hình bệnh dại ở miền Tây giảm nhưng tăng ở một số tỉnh miền Đông.

Một số địa phương còn e dè mua sắm

Lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM cũng nêu lên những khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đó là ở một số địa phương thiếu hóa chất, không có người phun hóa chất, không có người diệt lăng quăng để phòng sốt xuất huyết; không có đồng đẳng viên HIV (ở các tỉnh không có dự án tài trợ). Một số điểm tiêm vắc xin dại tạm dừng hoạt động. Một số bệnh viện không có sẵn thuốc điều trị bệnh tay chân miệng. 11/20 tỉnh thành phố chưa duyệt nội dung mức chi ảnh hưởng đến hoạt động y tế dự phòng.

Tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá bên cạnh các nỗ lực triển khai hoạt động đạt hiệu quả trong thời gian qua, các đơn vị y tế cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như nguồn kinh phí đầu tư, giải ngân cho hoạt động giám sát điều tra đáp ứng dịch, xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư hóa chất, thuốc điều trị còn gặp nhiều vướng mắc. Còn tâm lý e dè của các địa phương trong chủ động mua sắm hóa chất, sinh phẩm, thuốc điều trị đặc hiệu. Thiếu mức chi, định mức kỹ thuật dẫn tới các hoạt động phòng chống dịch thường xuyên bị ngưng trệ.

Để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành cần đầu tư hoạt động giám sát, kiểm tra chất lượng hoạt động thống kê báo cáo. Các tỉnh, thành cần xây dựng và phê duyệt kế hoạch ứng phó, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực và kinh phí. Phối hợp với các đơn vị trong hệ thống y tế để thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến bao gồm cả liên ngành thú y, quân y và y tế ngành, đặc biệt vấn đề, yếu tố mới phát sinh trong thực tế.

Cũng tại hội nghị, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, cho biết thêm, bệnh tay chân miệng nặng tăng từ tháng 6 - 11 và đang khuynh hướng chững lại. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ca nặng chuyển từ các tỉnh lân cận và miền Tây chuyển về TP.HCM. Ông Minh kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ cung ứng ổn định thuốc điều trị sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng nặng.

Ông cũng kiến nghị sở y tế các tỉnh đẩy mạnh việc mua sắm thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng cho các bệnh viện của tỉnh mình. Cần cấp kinh phí huấn luyện và giám sát về các bệnh viện để chủ động triển khai nhiệm vụ chỉ đạo tuyến theo phân công của Bộ Y tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.