Viện KSND tối cao đã ban hành Hướng dẫn 13/HD-VKSTC về công tác Thực hành quyền công tố, Kiểm sát điều tra và Kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy năm 2021. Trong đó quy định, đối với tội phạm ma túy, cơ quan chức năng khi phá án bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang, còn phải tạm giữ một số người khác có mặt tại nơi phát hiện tội phạm để làm rõ có liên quan vụ án không.
Hướng dẫn 13/HD-VKSTC quy định một số lưu ý đối với Viện kiểm sát (VKS) khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam tội phạm ma tuý của cơ quan điều tra, … nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; nâng cao trách nhiệm và vai trò, chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp.
Đáng chú ý là quy định trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam đối với tội phạm ma túy, cụ thể như sau: VKS các cấp kiểm sát chặt chẽ các căn cứ, điều kiện, thời hạn khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam của cơ quan điều tra; Khắc phục tình trạng lạm dụng việc bắt, giữ, nhất là trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Đối với tội phạm ma túy, khi cơ quan chức năng phá án bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang, ngoài đối tượng chính còn có một số người khác cũng có mặt tại nơi phát hiện tội phạm, xét thấy cần phải tạm giữ để làm rõ có liên quan đến vụ án hay không.
VKS phải yêu cầu cơ quan điều tra khẩn trương xác minh làm rõ mối quan hệ giữa họ với đối tượng chính, về nhân thân, về ý thức chủ quan và các hành vi liên quan đến tội phạm về ma túy để phân loại xử lý kịp thời không bỏ lọt tội phạm
Đồng thời, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ bắt, tạm giữ về hình sự nhưng sau đó không thể chuyển khởi tố bị can xử lý theo pháp luật hình sự.
Liên quan một số lưu ý khi kiểm sát việc bắt giữ tội phạm ma túy, Viện KSND tối cao ban hành Hướng dẫn 13/HD-VKSTC về công tác Thực hành quyền công tố, Kiểm sát điều tra và Kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy năm 2021, có hiệu lực kể từ ngày ban hành (ngày 15.1.2021).
Bình luận (0)