Một số quốc gia muốn hạn chế Bitcoin và tiền số

26/12/2021 17:24 GMT+7

Ngày càng nhiều quốc gia muốn hạn chế giao dịch tiền số vì chứa đựng nhiều rủi ro.

Chiều 26.12, giá Bitcoin có lúc rớt khỏi mức 50.000 USD, giảm gần 2% trong vòng 24 giờ qua. Dù vậy tính chung trong cả tuần, đồng tiền số này vẫn tăng hơn 5%. Tương tự, nhiều đồng tiền số khác cũng giảm nhẹ trong vòng 24 giờ qua như Ethereum giảm 0,26% còn 4.041 USD; Binance giảm 0,59% xuống 542,81 USD; Tether (USDT) mất 0,12% còn 0,9996 USD; XPR mất 1,11% xuống 0,9175 USD; Dogecoin giảm 0,51% còn 0,1889 USD...

Đồng Bitcoin hiện tại vẫn giảm gần 10% so với cuối tháng 11 và nếu so với đỉnh cao nhất gần 70.000 USD trong nửa đầu tháng 11 thì đã bốc hơi khoảng 20%. Thị trường tiền số từ đầu năm đến nay đã giao dịch khá sôi động và khiến nhiều tổ chức tài chính lo ngại vì hàng loạt rủi ro có thể phát sinh.

IMF và nhiều quốc gia đã cảnh bảo về những rủi ro khi giao dịch tiền số

CNBC

Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được CNBC trích dẫn, tổng quy mô của thị trường tiền số toàn cầu đã vượt qua ngưỡng 2.000 tỉ USD vào tháng 9 năm nay, tăng gấp 10 lần so với thời điểm đầu năm 2020. Có nhiều nhà đầu tư cá nhân và định chế tài chính tham gia giao dịch tiền số trong khi “còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn về vận hành, quản trị và rủi ro”. Bởi vậy, IMF cho rằng người tiêu dùng đối mặt với rủi ro không nhỏ, và nhấn mạnh việc còn chưa có “minh bạch thông tin và giám sát đầy đủ” trong lĩnh vực này. Ngoài ra, IMF tin rằng tiền số có thể tạo ra khoảng trống dữ liệu và “có thể mở ra những cánh cửa không mong muốn cho việc rửa tiền và tài trợ khủng bố”. Theo IMF, các cơ quan giám sát của mỗi quốc gia cần hành động để đưa ra những quy chế giám sát chung toàn cầu, nhằm tăng cường giám sát xuyên biên giới. Ngoài ra, tiền số là một lĩnh vực rất mới, nên các quốc gia cũng cần hành động cùng nhau để thúc đẩy tiêu chuẩn hoá dữ liệu.

Không chỉ IMF, các định chế tài chính khác cũng đã kêu gọi hành động nhiều hơn để đưa tiền số thành một kênh đầu tư an toàn hơn. Trước đó, Cơ quan giám sát tài chính Anh (FCA) đã cảnh báo về những rủi ro trong hoạt động đầu tư tiền số. Dữ liệu do FCA đưa ra hồi tháng 6 cho thấy có khoảng 2,3 triệu người ở Anh nắm giữ tiền ảo. 14% trong số này sử dụng thẻ tín dụng để mua tiền ảo và 12% nghĩ họ sẽ được FCA bảo vệ nếu bị lừa. Tuy nhiên, FCA cho biết hiện chưa có quy chế để bảo vệ nhà đầu tư. Hay trong tuần này, ông Andrey Mikhaylishin, người đứng đầu của startup thanh toán tiền kỹ thuật số Joys, cho biết trên Forbes Nga rằng ngân hàng trung ương Nga đang xem xét vài khả năng để cấm tiền kỹ thuật số. Một trong những hạn chế có khả năng cấm bao gồm khóa thẻ ghi nợ đến các sàn giao dịch hay ví bằng mã danh mục hàng hóa (MCC). Tương tự, thông tin từ Bloomberg, Ngân hàng Trung ương Thái Lan dự kiến vào tháng 1.2022 sẽ đưa ra một tài liệu tham vấn nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của người dân và các cơ quan hữu quan về ba “giới hạn đỏ” đối với các cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tài chính xanh và các lĩnh vực liên quan. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput cung cấp thông tin đó trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 13.12. Ông Sethaput nói rằng có không gian cho các tài sản số với tư cách một kênh đầu tư, nhưng mức độ biến động lớn của tiền số đặt ra rủi ro cho hệ thống tài chính...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.