Một thí sinh khiếm thị từ chối đặc cách vào đại học

03/07/2013 16:10 GMT+7

(TNO) “Em muốn được bước vào giảng đường đại học bằng chính sức lực của mình", đó là câu trả lời của thí sinh khiếm thị Võ Văn Nhật tại buổi làm thủ tục thi sáng nay 3.7 ở Hội đồng thi ĐH Đông Á (TP.Đà Nẵng). Rất nhiều người - cả phụ huynh lẫn bạn bè - đều khuyên em nên đến Hội đồng Tuyển sinh ĐH Đà Nẵng để làm thủ tục được đặc cách vào đại học. Nhưng, Nhật lắc đầu.

(TNO) “Em muốn được bước vào giảng đường đại học bằng chính sức lực của mình", đó là câu trả lời của thí sinh khiếm thị Võ Văn Nhật tại buổi làm thủ tục thi sáng nay 3.7 ở Hội đồng thi ĐH Đông Á (TP.Đà Nẵng). Rất nhiều người - cả phụ huynh lẫn bạn bè - đều khuyên em nên đến Hội đồng Tuyển sinh ĐH Đà Nẵng để làm thủ tục được đặc cách vào đại học. Nhưng, Nhật lắc đầu.

Vượt lên nghịch cảnh

Cùng đồng hành với Nhật đến hội đồng thi là mẹ của em, chị Nguyễn Thị Anh và thầy giáo của em Nguyễn Duy Quy (giáo viên Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.Đà Nẵng).

Theo lời của mẹ Nhật, lúc mới sinh ra, mắt Nhật vẫn sáng như bao người. Nhưng được 18 tháng tuổi, thị lực một bên mắt của Nhật bỗng suy yếu. Bốn tháng sau, con mắt còn lại cũng không còn nhìn thấy được nữa.

“Cố gắng chạy chữa khắp nơi, nghe ở đâu có bác sĩ giỏi, mình đều bồng con tìm đến. Nhưng, bất lực!”, chị Anh kể lại trong tiếng thở dài.

Vậy là... cậu bé con mới 2 tuổi đầu đã không được nhìn thấy ánh sáng, bắt đầu từ ngày đó!


Tại kỳ thi ĐH năm nay, Nhật sẽ làm bài thi bằng chữ nổi với sự hỗ trợ của cán bộ coi thi

Song, mặc số phận nghiệt ngã, Nhật cứ thế mà lớn lên, chấp nhận một sự thật không hề dễ dàng với mình.

Nhưng, trong em luôn cháy bỏng một niềm khát khao, đó là được tiếp cận những con chữ.

Sau đó, em vào học tại Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu và ở nội trú tại đây.

“Nhật là học sinh rất thông minh, lại siêng năng. Em học ngày, học đêm, học bất kể thời gian. Đối với em, thêm được kiến thức nào vào đầu thì niềm vui càng thêm lớn hơn!”, thầy Quy cho hay. Vì vậy, thành tích học tập của Nhật bao giờ cũng rất tốt.

Lên lớp 10, em phải học cùng các bạn bình thường khác tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Là học sinh khiếm thị, ở trường và về nhà, tài liệu các môn học Nhật đều phải nhờ bạn bè, người thân đọc giúp để chuyển sang chữ nổi và tự học tập.

Ấy vậy mà, suốt 3 năm THPT, Nhật luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi và luôn dẫn đầu lớp. Em đặc biệt giỏi các môn Toán, Lý, Hóa.

Năm lớp 12, Nhật còn đạt giải ba môn Hóa kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố.

Không chỉ học giỏi, Nhật còn là thành viên của đội văn nghệ của trường vì em là một “nghệ sĩ” đàn organ. Ngoài ra, Nhật còn tham gia các hoạt động thể thao khác như bóng đá, cờ vua…

Không chấp nhận được xét đặc cách

Năm nay, Nhật đăng ký dự thi khối A, vào ngành Quản trị kinh doanh tổng quát, ĐH Kinh tế Đà Nẵng (ĐH Đà Nẵng).


Thầy giáo Quy từng khuyên Nhật nên làm thủ tục đặc cách, nhưng em từ chối 

Chọn học ngành này, Nhật bảo do em có một mong ước riêng. Đó là: Sau khi học xong, em sẽ về nhà, sử dụng kiến thức của mình để mở một công ty riêng, để từ nơi này, thâu nhận những người khuyết tật, đặc biệt là những người khiếm thị như em vào làm việc, để họ có cơ hội cống hiến cho xã hội.

Đứng trước những lời khuyên về quy chế đặc cách cho thí sinh khuyết tật, Nhật thẳng thắn: “Em muốn được bước vào giảng đường ĐH bằng chính sức lực của mình. Em không muốn được hưởng đặc cách dù thầy cô, bạn bè cũng đã khuyên nhủ em!”. Câu trả lời đầy nghị lực và tự tin của Nhật khiến nhiều người, cả người đã biết Nhật lâu nay cũng như người mới quen, đều càng thêm khâm phục.

Thầy giáo Quy cho biết, thầy cô cũng đã có lời khuyên em là nên hưởng chế độ đặc cách, miễn khi vào giảng đường đại học, em nỗ lực, đạt kết quả tốt là được. Nhưng, Nhật vẫn nhất quyết từ chối.

Thậm chí, với gia đình, Nhật cũng thế. Em lẳng lặng giấu cha mẹ để làm hồ sơ dự thi.

“Tôi cũng không biết là cháu được đặc cách theo đúng quy định. Cháu chỉ nói là mình phải thi như các bạn khác nên tôi cũng giúp cháu làm hồ sơ, đưa cháu đi thi thôi! Giờ cháu mong muốn được thi thì cứ để cháu được thực hiện suy nghĩ đó của mình!”, mẹ Nhật chia sẻ, tự tin về cậu con trai của mình.

Bài, ảnh: Bảo Nguyên

>> Giúp người khiếm thị
>> Người khiếm thị học giới tính
>> GS Ngô Bảo Châu xúc động khi giao lưu với người khiếm thị
>> Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển thẳng học sinh khiếm thị
>> Xét tuyển 9 thí sinh khiếm thị vào đại học
>> Nghệ sĩ khiếm thị Nobuyuki Tsujii biểu diễn tại Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.