‘Một thời biển cả’ - một tượng đài bằng thơ cho người thủy thủ hy sinh

15/11/2020 10:00 GMT+7

Tập thơ và trường ca Một thời biển cả của người lính, người thủy thủ Nguyễn Đình Tâm không chỉ thậm mặn vì muối biển, còn mặn chát vì nước mắt đau thương của người lính khóc đồng đội đã hy sinh trên biển, xác thân tan vào nước biển.

Khi đọc xong cuốn thơ và trường ca Một thời biển cả (NXB Hội Nhà văn, 2020) của tác giả Nguyễn Đình Tâm, lòng tôi trào lên những cảm xúc mãnh liệt, vừa thán phục, vừa thương kính, vừa xót xa. Nguyễn Đình Tâm khóc không chỉ vì tiếc thương những thủy thủ trẻ măng đã hòa máu mình vào nước biển, gửi phần thân xác mình vào lòng biển trong cuộc chiến tranh giành độc lập, mà còn bởi trong thời bình, chẳng biết vô tình hay hữu ý, sự hy sinh ấy có khi lại bị người đời đặt lên bàn cân để xét nét...
Tập thơ và trường ca Một thời biển cả của tác giả Nguyễn Đình Tâm được chia làm hai phần. Phần I: Hồn biển; Phần II: Trường ca Thức với biển. Ở phần Hồn biển, tác giả đã dồn nén nỗi nhớ của mình trong từng câu thơ. Là một thủy thủ, cả thời thanh xuân rực rỡ gắn với những ngọn sóng dập dềnh bất tận, đã quá quen cảm giác sống tròng trành, dường như, khi lên sống ở đất liền, không còn sóng, ông lại bước những bước liêu xiêu. Tâm trạng “liêu xiêu” này ám ảnh trong suốt những bài thơ, trong nỗi nhớ biển sâu thẳm đáy tâm hồn:
Trầm ấm còi tàu lan nhanh vào khoảng lặng
nỗi nhớ cồn cào cuốn về phía đại dương
tiếng ì oạp vỗ vào tâm tưởng
con sóng say nghiêng ngả cánh buồm…”
(Nhớ biển)
Nỗi nhớ ấy còn thể hiện ở hồn thơ lãng mạn, khi người thủy thủ được sống một đời kiêu hãnh trên đầu những ngọn sóng của biển xanh bao la, lại hướng về một bóng hồng dịu dàng nơi đất liền, kết lại những vần thơ đẹp, trong cảnh tượng đậm chất điện ảnh khiến ai cũng si mê:
Vẫn cái chiều sâu ấy
giữa mặt nước xanh trong
anh hái san hô hồng
tặng em ngày gặp mặt…”
(Giữa cái chiều sâu ấy)
Nỗi nhớ trong tâm hồn người thủy thủ, người lính thời chiến tranh đã trở thành tài sản lớn của tác giả Nguyễn Đình Tâm, khi ông chuyển hóa nỗi nhớ thành thi phẩm, và câu nào cũng da diết, cũng khiến người đọc đồng cảm, lay động, và thức tỉnh con người. Nỗi nhớ đã trở thành tài sản tinh thần giá trị, hóa giải mọi trớ trêu của đời người thành thơ ca, thành niềm hạnh phúc sống, ngân rung những nhịp sóng đẹp trong tâm hồn. Nỗi nhớ hiện diện khắp mọi nơi người thủy thủ cập bến, neo đậu, đặt chân. Nỗi nhớ càng mặn vị biển, càng thấm sâu, càng lan tỏa thật lâu như sóng vỗ vô cùng vô tận. Thậm chí, khi sống trên sóng, nằm trên biển, thì người thủy thủ nhớ quê hương trên đất liền, nhớ mẹ, nhớ cha, còn khi về với đất liền thì lập tức nhớ biển. Đặt chân lên các lục địa khác, chạm vào những giá trị văn hóa khác, lại đau đáu nỗi nhớ về những hình ảnh, thói quen bình dị quê nhà.
Xa quê nhớ bao mùa khoai lúa
lưỡi cày nghiêng lật mãi đất bạc màu…
chợt chiều nay đàn hải âu trắng xóa
ngỡ cánh cò trên đồng ruộng quê hương
(Tâm tư)

Qua tập thơ Một thời biển cả, tác giả Nguyễn Đình Tâm đã dựng lên cho những đồng đội, người bạn đã hy sinh của mình, một tượng đài trường ca đẹp đẽ mà bi tráng

Ảnh: P.V

Và trong những vần thơ mặn muối của nhớ nhung biển cả - đất liền, hai phạm trù không gian - thời gian đan quện, những triết lý khiến ta có thể lặng đi dưới ào ạt của sóng nhớ:
ầu ơ…
đời mình như giấc chiêm bao
khi vơi lại sóng, khi trào… lặng im
(Ầu ơ)
Ở phần II, trường ca Thức với biển, chính là một bài ca trầm hùng, oanh liệt mà đau thương về cuộc đời chiến đấu trên biển thời chiến tranh của những cán bộ, sĩ quan, thuyền viên ngành Hàng hải Việt Nam, mà tác giả cũng là một phần trong đó. Oanh liệt và khốc liệt, hào hùng mà bi tráng, những con người bé nhỏ bình thường sống giữa lòng biển, với ý chí và lòng yêu nước, tình thương yêu đồng bào, đồng đội, đã dũng cảm nhường sự sống của mình cho người khác, trở thành phi thường. Bằng giọng thơ mạnh mẽ, vâm váp, mà sắc bén và chất chồng đau xót, ngôn ngữ chắt lọc, giàu nhạc điệu, gợi tình gợi cảnh, ngòi bút Nguyễn Đình Tâm không chỉ viết lên những câu thơ, bản trường ca, mà dựng lên cả bối cảnh chiến đấu dữ dội trên biển, khi con người, vượt qua cả cái chết để giữ trọn vẹn tình yêu thương, để bảo vệ tổ quốc, với tấm lòng cao hơn cả trời xanh, rộng hơn biển cả. Có những câu thơ hào hùng dựng lên hình ảnh người thủy thủ, chiến sĩ gan dạ vô song, mà cũng có câu thơ mặn chát nước mắt đau thương nén chặt:
Chúng tôi mỗi người một quê
trẻ trung và cháy bỏng
từ mái trường của biển
đập cánh vào trời xanh
chúng tôi dành nhau ra đi
nhường cho nhau phần sống
Và trong phần II, với trường ca Thức với biển, nỗi nhớ đã hóa nỗi đau, nước biển không mặn bằng nước mắt khi vào ngày chiến thắng, những hy sinh oanh liệt chẳng toan tính của đồng đội, lại bị so đo bởi “những cân, những lạng” lợi danh:
Xin đừng đặt lên cân tiểu ly thành tích của bạn tôi
có ai đòi hỏi nhu cầu
có ai mưu toan danh lợi
Bạn tôi chỉ biết phá hết thủy lôi
Bạn tôi chỉ mong sao đưa hàng tới đích
Bạn tôi mong hết mùa chiến dịch
về thăm lại mẹ mình…”
Phong phú chất sống, giàu chất thơ, trường ca mặn mòi này sẽ chẳng thể nào kết thúc được, bởi những người bạn của tác giả, đã ra đi, không có tượng đài, sẽ còn mãi trong ký ức, còn mãi trong tổ quốc Việt Nam này. Bằng những câu thơ kết bằng chuỗi hạt nước biển - nước mắt mặn đắng, qua Một thời biển cả, tác giả Nguyễn Đình Tâm đã dựng lên cho những đồng đội, người bạn đã hy sinh của mình, một tượng đài trường ca đẹp đẽ mà bi tráng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.