Một thuở cà phê

25/01/2017 07:40 GMT+7

Nhờ ba mà tôi biết vị cà phê từ thuở mới lên bảy tám tuổi, những ngày còn ở Pleiku. Ba tôi không ghiền và không uống cà phê mỗi ngày, nhưng ông rất thích có một ly cà phê vào mỗi buổi sáng cuối tuần. Một thói quen gần như theo suốt cả đời ông.

Nhờ ba mà tôi biết vị cà phê từ thuở mới lên bảy tám tuổi, những ngày còn ở Pleiku. Ba tôi không ghiền và không uống cà phê mỗi ngày, nhưng ông rất thích có một ly cà phê vào mỗi buổi sáng cuối tuần. Một thói quen gần như theo suốt cả đời ông.

Ảnh: Shuttetstock
Ba tôi trung thành với “Cà phê Đông Sanh”, trước 1975 ở đường Quang Trung, đối diện với sân vận động. Chiều thứ sáu, ba dẫn hai anh em tôi rảo bộ đi lên ngó nghiêng chợ trời bán "rác Mỹ" ở ngay sân xi măng sát với khách sạn Hoàng Liên (cạnh rạp xi nê Diệp Kính), sau đó là đi lên Đông Sanh để mua cà phê. Vừa tiết kiệm vừa để giữ mùi, mỗi lần ba chỉ mua một túi nhỏ 100 gr, nhưng do quen, nên được gửi lại một nửa, tuần sau mới lấy cho tươi, và cũng vì người ta không bán 50 gr.
Ngày đó, người dân miền Nam có lẽ quen với "cà phê vợt" hơn là "cà phê phin". Má may cho ba một cái vợt vải nhỏ vừa đủ để lọt trong cái bình chế trà cỡ nhỏ, cái bình ba mua để chỉ riêng chế cà phê. Cứ mỗi sáng thứ bảy, ba tự dậy nấu nước. Tráng cái ấm bằng nước nóng để giữ ấm, cho vài muỗng cà phê bột xay sẵn vào vợt, rồi đổ nước sôi vô hãm. Đơn giản vậy thôi.
Mùi cà phê bốc lên thơm nức mũi. Ba thích uống cà phê đen bỏ chút đường cát. Tụi tôi còn nhỏ nhưng đã ghiền mùi cà phê từ đó. Ba không cho chúng tôi uống vì sợ ghiền lớn lên không bỏ được. Nhưng ba lại làm cho chúng tôi "ghiền từ từ" bằng cho uống "cà phê nước dão". Đó là thú vui của hai anh em tôi. Chờ ba pha xong nước đầu, ba cho hai anh em tự thao tác với phần bã cà phê đó. Hai đứa cũng ráng làm đúng thủ tục như ba. Đi nấu nước, chờ sôi, đổ vào đó cho đủ 2 ly. Thế là hai chúng tôi cũng có được hương vị cà phê lạt mỗi cuối tuần.
Sau 1975, kinh tế còn khó khăn, cơm ăn bữa hụt, bữa vơi, phải ăn độn thì cà phê là một thứ quá xa xỉ. Trong xóm tôi, có nhà ông Bình người gốc Tàu, chuyển sang nghề rang xay cà phê để bán chui. Khốn nỗi cà phê rang thì chui vào đâu được khi cái mùi hấp dẫn của nó bốc lên. Được cái xóm tôi rất lành, ai cũng đói như nhau, nhà nào làm được cái gì để có nuôi con thì cứ để họ làm. Nhờ đó mà ba tôi lại giữ được thói quen cà phê cuối tuần, nhưng là cà phê độn bắp và gạo rang chứ không còn "Cà phê Đông Sanh" nguyên chất nữa.
Người Việt mình chỉ mới biết thưởng thức cà phê vào đầu vào thế kỷ 19 khi thực dân Pháp đô hộ, sau thế giới cả 5 thế kỷ. Hương vị và cách thức uống cà phê của người Việt cũng rất hạn chế, cho tới những năm gần đây khi thị trường mở cửa cũng chưa được phong phú. Người thưởng thức cà phê bị trói buộc về hương vị và màu sắc bởi cách thức pha tẩm hạt không giống ai và không ai biết mình được thưởng thức cái gì ở trong cà phê ấy. Còn cách thức pha chế ra ly thì đơn điệu từ cà phê kho, tới cà phê vợt rồi cà phê phin.
Trên thế giới, dù cà phê được con người sử dụng làm thức uống không phải xuất phát từ Ý, nhưng Ý là nơi đã đưa cà phê lên tầm đẳng cấp cả thế giới phải công nhận. Vì thế mà các dạng thức uống cà phê chủ đạo hiện nay đều gắn với tiếng Ý. Ý là nơi đầu tiên chế tạo ra cái máy ép cà phê bằng áp suất từ đầu thế kỷ 20, nên gọi là espresso coffee, và đã đưa thương hiệu pha chế cà phê của Ý lên hàng đầu thế giới cho tới hiện nay.
Tuy nhiên trên thế giới thì có nhiều cách thức pha chế cà phê khác nhau theo truyền thống của họ để góp phần vào tính đa dạng trong thưởng thức cà phê. Theo blog Huffington Post, hiện nay có 38 loại cà phê pha nổi tiếng và phổ biến, và đại đa số là theo cách pha Ý, có thể kể: Espresso, Ristretto, Duppio, Lungo, Café crema, Espressino, Affogato, Café con Hielo, Café Cubano, Macchiato, Cortado, Cortadito, Piccolo Latte...
Cách thức pha chế cà phê của người Việt giờ cũng đã được dân ghiền cà phê trên thế giới chấp nhận - đó là "cà phê sữa đá", cũng được Huffington Post đưa vào danh sách. Còn chất liệu cà phê thì tùy quán họ lựa chọn chứ không nhất thiết phải là cà phê chế biến từ Việt Nam.
Bao nhiêu năm ở xứ người, tôi đã thưởng thức đến gần hết các loại cà phê trên thế giới từ rẻ đến đắt cũng như các cách pha chế khác nhau, chỉ trừ một số loại đắt và hiếm là chưa có dịp để thử. Thế nhưng cà phê dân dã sở thích hằng ngày của tôi bây giờ vẫn là cà phê arabica nguyên chất, từ hạt nguyên xay pha ngay, bằng máy ép áp suất. Thói quen uống cà phê có đường cũng bỏ dần hoặc cùng lắm là nửa muỗng cà phê.
Thế nhưng hương vị cà phê theo tôi mãi đến bây giờ lại là những giọt cà phê đậm sánh dẻo của xứ Ban Mê khi trở thành sinh viên y khoa. Cà phê Ban Mê lúc đó đối với tôi quả xa lạ. Người Ban Mê uống một thứ cà phê mà phải gọi là "cà phê cắm tăm" giống như người Bắc uống "chè cắm tăm". Khi đó "cà phê phin" đã phổ cập và "cà phê vợt" phải lui vào bóng tối, chỉ có lẻ tẻ một vài nơi mà không mấy ai còn tìm tới nữa. Một cái phin nhỏ, nhưng lượng cà phê bột đổ ngập quá nửa phin.
Từng giọt cà phê đen nâu, chậm chạp treo xuống ly. Một ly cà phê Ban Mê chỉ không tới 10 muỗng nhỏ, đen nâu, sánh đặc dẻo. Tôi đã bị say cà phê Ban Mê ngay trong ly đầu tiên mà đoan chắc không phải một mình tôi biết cái cảm giác say đó. Bụng cồn cào, rệu rã. Cảm giác chống chếnh và bồn chồn như là bị hạ đường huyết. Nhưng say cà phê thì không có xoay xoay, nhìn vàng và vã mồ hôi như hạ đường huyết.
Ấy thế mà, cà phê Ban Mê thực sự lại không ám ảnh tôi bởi hương vị đậm đó mà là những năm tháng ngọt ngào của thời sinh viên. Chắt chiu những đồng học bổng của sinh viên thời bao cấp, chúng tôi lại cà phê bên nhau. Những buổi chiều tan học, những đêm cuối tuần... không còn đếm được.
Những câu chuyện không đầu không đuôi của đôi bạn trẻ nhiều mơ ước và hoài bão mà những giọt cà phê Ban Mê trở thành chứng nhân. Những câu chuyện trong veo trong màu cà phê sánh. Những câu chuyện tuổi thần tiên trong hương cà phê ngọt ngào. Mà cũng từ đó hương vị tình bạn đằm thắm thuở thanh xuân quyện với hương vị cà phê Ban Mê đã theo tôi vượt đại dương đến những miền xa xôi, vượt cả thời gian tới tận bây giờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.