Một thuở hoang hóa

20/10/2022 15:00 GMT+7

"Ai ơi về miệt Tháp Mười Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn".

Hai câu thơ nổi tiếng ấy gợi cho tôi nhớ về vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn trù phú, màu mỡ ở phương Nam nhưng ai biết để có được sự phát triển như ngày hôm nay vùng đất ấy đã trải bao thăng trầm lịch sử xa xưa một thời.

Du khách tham quan vườn dâu, Đồng Tháp

đào ngọc thạch

Diện tích trải dài trên ba tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang nơi đây vốn là cửa ngõ đón phù sa từ sông Mê Kông chảy về nhưng cuối cùng lại trở thành cửa phèn ngàn năm. Bởi khi vô Đồng Tháp Mười phù sa gặp nước phèn ngăn lại nên lắng xuống mà không thể vào sâu nội đồng. Thuở khai hoang của tiền nhân, vùng đầm lầy này chỉ đầy cỏ dại với thời tiết khắc nghiệt. Mùa hè khô nóng, mùa mưa ngập lụt. Không thể trồng lúa để mà nuôi sống con người. Có lẽ nơi đây chỉ phù hợp cho sự sinh sôi của muỗi và đĩa qua câu hát: "Muỗi kêu mà như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh". May thay, nhờ dựa vào đặc tính chịu phèn và chịu lụt mà cây lúa ma hoang dã đã nuôi sống những người đi khai hoang lập ấp giúp họ ngày càng tiến sâu vào bên trong.

Có những lúc tưởng chừng như không có cơ hội cho sự sống tồn tại, nhưng bằng đức tính chịu thương chịu khó những con người với đôi bàn tay bé nhỏ vẫn nuôi ước mơ về một ngày vùng đất này thay da đổi thịt. Họ không rời đi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Kiên cường và anh dũng. Đoàn kết và bền bỉ. Vùng đất ấy đã sản sinh ra những nhân tài hào kiệt cùng nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm giữ từng tấc đất Đồng Tháp Mười.

Thay da đổi thịt

Kết thúc chiến tranh, kinh tế nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhờ những chính sách kịp thời của nhà nước cùng công sức lao động chăm chỉ của người dân mà vùng đất hoang hóa, nghèo đói thuở nào đã dần chuyển mình. Những mái nhà khang trang mọc lên thành những vùng dân cư đông đúc, sầm uất. Đời sống mới ấm no và hạnh phúc hơn xưa rất nhiều. Bức tranh Đồng Tháp Mười được vẽ nên bởi sắc vàng của vựa lúa bậc nhất cả nước, sắc đỏ của trái cây chín xum xuê, sắc xanh của rừng tràm bạt ngàn và sắc hồng của sen. Và còn đó những cá tôm tung nhảy dồi dào. Du khách xa gần ngày càng biết đến vùng đất này nhiều hơn nhờ hình ảnh được quảng bá và thúc đẩy du lịch.

Du lịch Đồng Tháp Mười

Đồng Tháp Mười với địa hình hiểm trở có thể nói phần nào đó có lợi cho nhân dân trong những cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược. Như năm xưa hai cụ đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và Thiên hộ Võ Duy Dương đã chọn Gò Tháp làm căn cứ địa cách mạng của nghĩa quân kháng chiến chống Pháp. Sau Cách mạng tháng tám, nơi đây tiếp tục trở thành căn cứ kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ từ năm 1946 đến năm 1949. Trong kháng chiến chống Mỹ, Gò Tháp lại ghi dấu chiến công oanh liệt của quân dân ta đánh sập Tháp Mười Tầng của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày nay đây là khu bảo tồn văn hóa Phù Nam với những di tích kiến trúc, mộ táng độc đáo cùng với miếu thờ Bà Chúa Xứ, miếu Hoàng Cô trở thành nơi có giá trị tâm linh. Trong khi đó đến khu căn cứ Xẻo Quýt du khách như được sống trong những tháng ngày lịch sử năm xưa. Một trải nghiệm cũng là cơ hội để những người trẻ như tôi biết thêm những câu chuyện một thời oanh liệt và gian khổ của những thế hệ cha ông thông qua dấu tích của khu công sự, hầm bí mật. Tôi cảm thấy mình thật may mắn vì được sinh ra trong thời bình và lòng vô cùng biết ơn những người đi trước đã hy sinh quên mình để thế hệ hôm nay được thừa hưởng nền hòa bình, độc lập.

Làng hoa Sa Đéc

công hân

Hệ sinh thái hoang sơ của Đồng tháp Mười được tạo nên bởi sự hòa hợp độc lạ của sen, tràm, súng, năn, lác, rong tảo, cây lúa ma cùng hàng trăm loại thực động vật quý hiếm khác. Từ đó mà hình thành nên những khu bảo tồn sinh thái đậm nét đặc trưng rừng ngập mặn Nam bộ vô cùng giá trị có sức hút du lịch to lớn.

Nếu có dịp bạn hãy về đây thăm vườn quốc gia Tràm Chim, thăm khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, thăm rừng tràm Gáo Giồng, thăm khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười và cả làng nổi Tân Lập. Đưa mắt nhìn ngắm say sưa một vùng rừng tràm xanh mướt trải rộng ngút ngàn với những thân cây sừng sững cao vút tận trời. Chốc chốc có những tia nắng vàng óng chiếu xuyên kẽ lá lấp lánh đẹp đến lạ. Sau đó dành vài phút giây thư giãn chèo xuồng xuyên rừng khám phá những vùng lau sậy, len lỏi qua từng con rạch bí ẩn đầy thú vị. Nghe tiếng lá xào xạc và vi vu của những thân cây đong đưa, nghe êm êm tiếng khua nước làn hơi bốc lên làm dịu mát cả tâm hồn. Trên đầu chim cò bay rợp trời hót líu lo mỗi khi đi ăn về càng thêm sinh động cho khung cảnh thiên nhiên. Tất cả đã tạo nên bản nhạc rừng tuyệt diệu gây mê luyến lòng người. Những bộn bề và ồn ào nơi phố thị bay biến đâu hết nhường chỗ cho yên bình của chốn hoang sơ thơ mộng và không khí trong lành.

Nhưng có lẽ quyến rũ hơn hết vẫn là hoa sen. Sen Đồng Tháp Mười nở to và thơm ngát với vẻ đẹp thuần khiết, mộc mạc. Từ lâu sen đã gắn bó gần gũi với người dân chân chất nơi đây. Bạn tôi ơi, bạn có nghe ai đó hát rằng:

“Thấy dừa thì nhớ Bến Tre

Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười”.

Hoa sen giản dị "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" trở thành Quốc hoa Việt Nam tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Hoa sen tượng trưng cho nét dịu dàng của người phụ nữ. Đặc biệt hơn cả là sự thanh cao gắn với nhân cách của một vĩ nhân mà chúng ta đã quá quen với hai câu thơ:

" Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ".

Mùa nước nổi ghé về khu du lịch Đồng Sen để mà lạc vào những cánh đồng sen bao la. Nhẹ nhàng thả bộ trên các đầm sen chiêm ngưỡng sắc xanh của lá, sắc vàng của nhụy và sắc hồng của hoa tươi mát nở rộ. Ngồi trên thuyền nhẹ lướt mặt nước mà ngất ngây hồn hương thơm của sen. Ngồi trong lều nhâm nhi tách trà sen mà vui tai với tiếng ếch nhảy dưới nước không còn gì tuyệt vời hơn. Và tất nhiên là không thể thiếu ẩm thực đúng không nào ? Những món ăn dân dã như canh chua bông điên điển, gỏi ngó sen, cá lóc nướng trui chấm muối ớt sẽ chiêu đãi du khách một bữa ngon miệng khỏi chê.

Thời gian trôi đi, mọi sự trôi đi, chỉ còn lại mùi hương vĩnh cửu. Mùi hương của hoa sen lá rừng, mùi hương thơm ngọt của trái cây miệt vườn. Mùi hương tỏa ra từ cái nét đẹp tâm hồn của người dân nơi đây - những con người cần lao có giọng nói dễ thương và ngọt ngào, có đức tính hiền lành và mến khách với nụ cười hào sảng để lại kỷ niệm đẹp trong lòng du khách gần xa, trong đó có tôi. Một chuyến đi đầy trải nghiệm và giúp tôi học được nhiều điều. Đồng Tháp Mười ơi, thương và nhớ rất nhiều!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.