'Một trệt ba lầu và sân thượng' - truyện ngắn của Hoàng My

25/07/2015 10:12 GMT+7

Hôm đó là thứ bảy, điện thoại không cài báo thức. Thế mà, chẳng hiểu sao chị lại giật mình rất sớm, lúc mới hơn năm giờ sáng. Nằm tần ngần chờ thời, chị tự cười thầm, có lẽ là do mình thấp thỏm sợ qua trễ, mẹ lại la: nhà có việc mà cứ vô tư ngủ nướng. Tự kỷ ám thị, nên mới tinh mơ đã thao thức thế này.

Hôm đó là thứ bảy, điện thoại không cài báo thức. Thế mà, chẳng hiểu sao chị lại giật mình rất sớm, lúc mới hơn năm giờ sáng. Nằm tần ngần chờ thời, chị tự cười thầm, có lẽ là do mình thấp thỏm sợ qua trễ, mẹ lại la: nhà có việc mà cứ vô tư ngủ nướng. Tự kỷ ám thị, nên mới tinh mơ đã thao thức thế này.

Một trệt ba lầu và sân thượng - Truyện ngắn của Hoàng MyMinh họa: Hồng Thiện Cường
Chị hối chồng nhanh nhanh lên chút, chớ có chàng ràng như thói quen của anh. Đừng để người ta trách. Khi xài chữ “người ta”, dưng không chị thấy như mình đang cố tình xa lạ vậy. Mẹ ruột, mà lại bảo “người ta”, thật là...
Chị chở theo đứa con gái lớn. Đứa nhỏ, đã thảy vô nhà trẻ. Anh, tha theo phía sau chị osin thường đến phụ việc theo giờ mà hôm qua chị đã gọi điện dặn trước, kèm theo câu nói coi như là thỏa thuận:
- Chị cho em nhờ một buổi, rồi em gửi thêm chị tiền chợ.
Mẹ đón cả nhà chị với vẻ lạnh tanh. Chị thản nhiên dựng xe, bắt tay ngay vào việc. Căn phòng trọ ngồn ngộn đồ đạc đã được lôi ra để chuẩn bị dọn qua nhà mới. Nơi này, chị vẫn nhớ những buổi trưa ấm cúng, mùi thức ăn tỏa ra hừng hực, mẹ nhìn lũ con mồ hôi nhễ nhại chan chan húp húp. Hai cái quạt gió chạy hết công suất cũng không xua được cái nóng và hơi người hầm hập khi bày biện nấu nướng. Thế nhưng, đó là những lúc chị thấy gần gũi và thân thương với gia đình nhiều nhất. Mẹ cũng vui vẻ dễ chịu, chăm chút cho con, cho cháu. Cả bọn vừa ăn vừa “đấu láo” vui vẻ. Đề tài vô chừng. Khi là vụ “ế” của cô em gái. Khi thì là những kỷ niệm thơ bé của mấy chị em, như anh Bảo tham ăn, cầm hai tay hai ổ bánh mì không, cân thử xem cái nào nặng hơn. Anh Bảo chuyên môn ăn vụng bánh trái mẹ để phần cho các anh chị em khác trong nhà, đến nỗi, chỉ cần thấy mất quà, là đứa nào cũng vội hét lên méc mẹ, rằng “mẹ ơi anh Bảo ăn mất rồi” chẳng hạn. Ăn xong, dọn dẹp, tắt bớt đèn, rồi cả nhà nằm sắp lớp trên nền gạch mát rượi, câu chuyện tiếp tục râm ran. Cuộc sống bận rộn mỏi mệt, có mấy khi đông đủ tụ tập được như thế này...
Những ý nghĩ cứ đan xen vào nhau khi chị loay hoay gom góp những vật dụng trong phòng lại thành từng thùng, từng thùng chuẩn bị dời chỗ. Mớ hoa giấy, hoa vải này em gái làm trong những ngày thất nghiệp đằng đẵng. Cái xe tăng bằng gỗ thằng em trai hay mang ra nhử cháu lúc chơi đùa. Mọi thứ sắp thay đổi thật rồi.
Nhà mới của mẹ đẹp quá! Một trệt ba lầu và sân thượng. Phòng nào cũng có nhà vệ sinh riêng. Đã có bếp gas âm, tủ lạnh, máy giặt và nước nóng mới cáu. Tất cả được mua sắm bằng số tiền mẹ cả đời dành dụm được. Nên mẹ lo xa chẳng muốn ba cùng đứng tên. Lỡ ổng bay nhảy đâu đó, con rơi con rớt thì chẳng phải công cốc à? Nên mấy đứa con, cụ thể là chị và thằng em trai út, hai đứa ba chị cưng nhất nhà được trưng dụng để thuyết phục ba đồng ý ký một tờ giấy nhỏ. Rằng đó là tài sản riêng của mẹ chị, một người đàn bà cả đời ở nhà nội trợ, ngoại trừ có dạo cắt lá nha đam bán cho hàng nước mát hai mươi ngàn đồng một cân thì chưa từng làm gì nở ra tiền. Đương nhiên, đó chỉ là suy nghĩ thầm lén của chị, lúc gọi cho ba, loanh quanh cả chục cuộc điện thoại mà cũng không biết mình phải mở lời bằng cách nào...
Chị chỉ phụ mẹ được vài khoản lặt vặt không đáng. Em trai út sắp cưới vợ. Một cô gái con nhà khá giả, tươm tất. Hai vợ chồng em sẽ ở với mẹ. Em dâu là đứa nhanh nhẹn, hòa đồng, lại lớn lên trong môi trường gia đình đề huề đơn giản. Chị hình dung ra cuộc sống của hai vợ chồng em sắp tới, lòng chợt thấy lo lo. Liệu em dâu tương lai có tiên liệu được mình sẽ phải đối mặt với vướng mắc mẹ chồng nàng dâu hay không nhỉ?
***
Mấy chị em hối hả khuân từng thùng, lại đèo thêm những món không thể đóng gói, treo lúc lẻo trên xe. Nắng lên gay gắt. Nhòe cả mắt. Osin nhà chị cũng xà quần với việc chà rửa, lau chùi bụi bặm mà mẹ chị giao phó. Thi thoảng, mẹ lại miết tay lên nắp cái vali kéo, ý là chê dơ, chùi ẩu. Mẹ công khai nhắc chị “để mắt coi nhà cửa” kèm theo cái nhìn nhiều ngụ ý dành cho chị osin. Lúc đó, chị làm sao có thể ngờ rằng, khi sắp xếp lại đồ đạc, không tìm thấy cây đèn pin loại xịn nào đó, mẹ đã thẳng thừng buông từng chữ:
- Một là osin của nhà mày lấy, hai là dì mày, không ai vào đây mà mất được.
Chị thảng thốt lòng khi được nghe kể lại. Món vật dụng ấy hẳn đã thất lạc đâu đó, rồi chắc sẽ xuất hiện trở lại thôi. Nhưng câu nói vô tình của mẹ đã thốt ra rồi. Thương chị osin khốn khổ, tay không đi về đều do con gái con rể của mẹ chở, nếu có lấy món gì đó, thì biết cất vào đâu. Dì bỏ hai ba buổi chợ, loay hoay phụ mẹ không công, để cuối cùng nhận lại một nghi ngờ... Hay bởi dì nghèo quá, cả đời lam lũ kiếm ăn ngoài đường ngoài phố, nên dễ nảy lòng tham hơn những người khác?
Bữa ăn đầu tiên có cá có thịt trong căn nhà mới trắng muốt thơm mùi nước sơn. Ai nấy thinh lặng ăn. Chị ngậm miếng cơm nhạt thếch trong miệng, tự hỏi tại sao không có tiếng cười, không có lời đùa vui, không có những mừng vui hạnh phúc thông thường khi người ta dọn về nhà mới thế này. Người đàn bà lớn nhất trong nhà, người vừa xây nhà vừa xây tổ ấm, lẽ nào vì những vất vả cơ cực triền miên mà trở nên khắc nghiệt cay đắng đến vậy?
Việc cũng tạm xong rồi. Chồng chị đang khoan bắt giúp mẹ những cái tắc kê sau cùng. Chị lặng lẽ gọi con và chị osin đi về. Ngang qua phòng khách, bếp than nhà mới vẫn còn đỏ lửa. Hẳn là mẹ theo phong tục, thổi lò với mong muốn giữ êm ấm nồng đượm cho mái gia đình.
Chị vẫn nhớ, lúc quay xe ra, vẫn còn tần ngần ngoái lại, nhìn bóng ngôi nhà một trệt ba lầu và sân thượng cao lừng lững, buồn bã thấy cuộc sống sao mà khốn khổ đến khó hiểu, theo một kiểu nào đấy mà chính chị cũng không lý giải nổi.
***
Em gái xin mẹ dọn ra ngoài chỉ sau hơn nửa năm ở chung trong căn nhà mới. Từ lúc em báo với mẹ cái ý định ấy cho tới lúc em chính thức rời khỏi, chị không đếm hết những lần em gọi cho mình, chỉ để khóc hu hu như một đứa trẻ. Mẹ không còn muốn nói chuyện với em nữa, chị ơi. Mẹ ra vô lạnh tanh, chẳng cười chẳng ừ hử gì cả. Mẹ bảo, đi được thì đi luôn đi. Em phân vân lắm, càng lúc càng không rõ, mình quyết định như vậy là đúng hay sai hả chị?
Chị cũng không biết, mình khuyên em như thế là nên hay không. Rằng em hãy sống cuộc đời của mình. Rồi mẹ sẽ hiểu. Em nay đã gần ba mươi tuổi rồi, đừng miễn cưỡng tiếp tục những bữa cơm im lìm nặng nề nữa. Mẹ có cái khó của mẹ. Làm sao bắt một người đàn bà không có bạn bè, chẳng biết đi xe, đạp xe máy, không biết bơi, chưa từng đi máy bay và chắc cả đời cũng chỉ biết duy nhất một người đàn ông đầy gia trưởng là chồng mình phải thấu hiểu mọi sự như chúng ta, những đứa con gái bị mẹ nhồi vào đầu từ tấm bé rằng, dù có chết đói cũng phải học để thay đổi số phận của mình, hở em? Đừng để những vụn vặt hằng ngày làm mất đi yêu thương máu mủ. Đừng tự biến mình thành bà cô già khó chịu cay nghiệt nữa, em ơi!
Em gái thuê xe tải dọn nhà vào giữa tuần. Khi ấy, những người làm hành chánh đang tất bật quanh mớ giấy tờ tập tin vi tính ở các văn phòng máy lạnh rù rì. Chị cũng vậy, không thể nghỉ để phụ giúp em được. Cũng tại mẹ bảo, để qua đầu tuần, mọi người đi làm vắng, lối xóm đỡ dị nghị nên em ráng chờ qua hai ngày nghỉ. Lấy quyền gì để dị nghị? Mình sống cho mình hay cho hàng xóm mà phải quan tâm tới thiên hạ xì xầm cái gì? Mà thật ra, em chị đã làm gì sai kia chứ? Nhưng chị không nói những điều ấy với đứa em tội nghiệp của mình. Cũng chẳng bung ra cùng mẹ. Chị lặng lẽ hình dung ra đưa em gái lủi thủi ôm các thùng giấy ra khỏi nhà, tự vật lộn với chúng ở căn phòng trọ mới thuê của mình. Em chị có khi sẽ rúc vào phòng vệ sinh mà rơi nước mắt, chứ quyết không để người ta biết rằng mình khóc. Nhà chị vốn luôn giữ thói quen giấu kín những khổ đau buồn tủi của mình. Có khóc bờ khóc bụi ở đâu thì cứ việc, chứ đừng cho ai thấy rằng mình rơi nước mắt vì yếu đuối.
Cũng gần chừng ấy thời gian, tới lượt đứa em dâu bắt đầu gọi những cuộc điện thoại ngăn ngắn cho người chị chồng khốn khổ, lòng vòng những nội dung vô thưởng vô phạt. Chị ngờ ngợ nhận ra, đó không phải là mục đích chính của cô gái tuổi 8x đời cuối thường bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi tu từ tựa tuyên ngôn, rằng “Vì cái lý gì mà...?”.
Cuối cùng, chị đành khẽ khàng lật bài:
- Gần đây nhà có chuyện gì phải không em?
Như chỉ đợi có thế. Mẹ thật quá đáng! Mẹ suốt đời ở nhà nên chỉ thích nhất là suy diễn. Mẹ không hiểu cho vợ chồng em. Vì cái lý gì mà em phải chịu đựng dằng dặc thế này, hở chị ơi!
Chị ghé nhà vào cuối buổi chiều chập choạng nắng. Đường đông đen những người là người, ngồn ngột rin rít mồ hôi. Bụng không thấy đói sao người như chỉ muốn lả đi sau một ngày rất dài vướng vài khúc mắc vớ vẩn cùng đồng nghiệp. Mấy vạ miệng chẳng đâu vào đâu ở cái thời, hình như phải làm quá lên với nhau ở cái chốn văn phòng thì đời mới bớt nhạt. Đôi ba cái cau mày khó chịu cau có vô lý của sếp. Tại sao việc gì cũng không suôn sẻ hết thế này?
Dây thường xuân héo hắt rũ xuống từ tầng cao nhất. Trời chang chang nắng hổm rày, hay là do chẳng ai buồn tưới nước? Nghe đâu, chỉ vì không thống nhất được việc trồng cây gì trang trí, loại rau nào để ăn mà mẹ và em trai chị cũng bất hòa, hục hặc. Chưa nói gì tới các thứ khác đang khiến chén bát trong chạn khua lên xủng xoẻng. Căn nhà một trệt ba lầu và sân thượng chìm trong thứ bóng tối lờ nhờ của buổi hoàng hôn chưa kịp hết, mà ngày thì đã không còn. Chị ngước lên nhìn cái khoảng sân thượng hút mắt, nhớ có lần mình đứng chôn chân ở cửa cầu thang lên xuống, ậm ừ chẳng biết nên an ủi ba thế nào khi ông già “dở chứng bỏ cơm ra đó ngồi cả buổi, chứ ai thèm làm gì” như lời mẹ phân bua. Khoảng sân ấy, chị từng hình dung cả nhà sẽ có những cuộc sum vầy râm ran, vừa cười nói vừa quạt than nướng thịt, gió thổi mơn man thơm lừng mùi ấm cúng...
Chị hơi giật mình khi tìm thấy mẹ đang ngồi lặng lẽ trong gian bếp của căn nhà một trệt ba lầu và sân thượng của mình. Tần ngần, rồi chị ngồi xuống bên cạnh mẹ, xa xót nắm lấy bàn tay mẹ đầy gân guốc đang buông thõng. Mẹ quay sang ngó chị một cái, như thể định giá xem, chị thì có đáng hay không vậy. Rồi thì lần đầu tiên trong đời, chị nhìn thấy mẹ mình bật khóc. Ngon lành. Chẳng thèm kềm nén giấu giếm. Có lẽ vì chung sống khá lâu với con dâu nên mẹ chị bị nhiễm lối ăn nói của nó thì phải:
- Vì cái lý gì mà cuối cùng mẹ phải khổ sở thế này hả con?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.