Một trong 20 nền thương mại lớn nhất

Chí Hiếu
Chí Hiếu
06/01/2022 08:34 GMT+7

Trong một năm nền kinh tế toàn cầu chao đảo vì đại dịch, thì bức tranh kinh tế VN vẫn nổi lên nhiều gam màu sáng.

Ấn tượng với xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài

Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào hôm qua (5.1), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điểm lại “10 điểm sáng” trong năm qua, trong đó có nhiều hoạt động về kinh tế.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được dẫn chứng cho hiệu quả của việc địa phương được phân quyền nhiều hơn

Đình Tuyển

Nổi bật trong số này là thành tích thu hút đầu tư và xuất nhập khẩu, đặt biệt là trong bối cảnh nhiều chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đến logicstic bị đứt gãy khắp toàn cầu thì càng thấy được ý nghĩa lớn lao của nó.

Cụ thể, Thủ tướng cho hay xuất khẩu là điểm sáng khi thặng dư thương mại ở mức khá, góp phần phục hồi kinh tế. “Đặc biệt là kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 668 tỉ USD lên mức kỷ lục, tăng tới 22,6% so với năm trước đó và con số này đã đưa VN vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết thêm trong đó xuất khẩu ước đạt 336,3 tỉ USD, tăng 19% so với năm trước để duy trì thành tích xuất siêu với 4 tỉ USD.

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cũng giữ đà tăng ấn tượng. Theo đó, vốn FDI đăng ký năm qua ước đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm trước đã cho thấy việc nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư VN. Chia sẻ về điều này, Thủ tướng kể rất xúc động rằng, những ngày giữa tháng 8, tháng 9.2021, Chính phủ thật sự chịu nhiều áp lực khi dồn dập nhận được các kiến nghị hằng ngày của các nhà đầu tư từ khắp các châu lục, khu vực. “Qua 10 cuộc đối thoại liên tục của Thủ tướng, họ nhận thấy sự cầu thị, lắng nghe của VN để đáp ứng các yêu cầu của họ trong điều kiện rất khó khăn. Chúng ta đã rất thẳng thắn, minh bạch, không né tránh, đồng thời cũng thể hiện chính kiến, bản lĩnh trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Tình hình đã cải thiện rất tốt sau khi chúng ta thay đổi chiến lược phòng, chống dịch và đẩy nhanh tiến trình vắc xin”, Thủ tướng nói.

Ngoài ra, một số lĩnh vực khác cũng có được kết quả ấn tượng là công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực và việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Và các nội dung này tiếp tục sẽ là những ưu tiên chính sách của Chính phủ trong năm 2022.

Địa phương muốn được tăng quyền

Phát biểu tại hội nghị, hầu như tất cả lãnh đạo địa phương đều kiến nghị Chính phủ tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhất là trong sử dụng ngân sách, làm chủ đầu tư các dự án giao thông, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết tính đến năm 2019, sau 10 năm khởi công, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ thực hiện được 10% công việc, mặt bằng cũng chưa bàn giao xong cho nhà đầu tư.

Thế nhưng, kể từ khi bàn giao về địa phương làm chủ đầu tư thì chỉ 7 tháng sau đó đã bàn giao xong toàn bộ hơn 490 ha và dự kiến sẽ thông xe trước Tết Nguyên đán để tháng 3.2022 sẽ khánh thành toàn bộ, tức chỉ khoảng 3 năm là xong 90% phần việc còn lại. Qua đó, ông Vĩnh muốn chứng minh rằng các địa phương có thể làm và làm tốt nhiều việc nếu được giao nhiều quyền hơn.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết với việc giao quyền cho địa phương này trong thực hiện 2 dự án cao tốc theo hình thức công tư hợp tác (PPP) là Tân Phú - Bảo Lộc và Liên Khương - Bảo Lộc, tỉnh đã đẩy nhanh các khâu chuẩn bị và tới đây có thể khởi công lần lượt 2 dự án. Vị này mong muốn được phân cấp thêm trong các dự án khác kết nối Tây nguyên với các tỉnh Nam Trung bộ hoặc các lĩnh vực như chuyển đổi đất lúa, đất rừng phòng hộ với quy mô phù hợp để tạo sự chủ động cho địa phương.

Đáng chú ý, trong phần kiến nghị với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mong muốn Chính phủ cho phép TP nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn theo hướng bổ sung thêm vào ngân sách địa phương các gói hỗ trợ phù hợp với khó khăn của các doanh nghiệp trên địa bàn. Ông Mãi cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nhất là trong các lĩnh vực phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp phép các khu đô thị, khu công nghiệp, tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi xây dựng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, việc trao thêm quyền, phân cấp chính là giúp giải phóng thêm một nguồn lực quan trọng, để các địa phương có thêm cơ sở, điều kiện hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch, qua đó góp phần cùng Chính phủ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của năm nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.