Một trung tâm gồm các ĐH ở 4 châu lục sẽ nghiên cứu dự báo lũ

Hà Ánh
Hà Ánh
16/11/2023 08:30 GMT+7

Trung tâm châu Á nghiên cứu về nước đặt tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ phát triển thêm các hướng nghiên cứu mới, trong đó có dự báo lũ.

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm châu Á nghiên cứu về nước (CARE) vào ngày 15.11. Trung tâm được thành lập từ năm 2013 với tư cách là một trong những phòng thí nghiệm chung của RESCIF (Mạng lưới xuất sắc về khoa học kỹ thuật của cộng đồng nói tiếng Pháp). 

CARE cũng là trung tâm có sự kết hợp 4 châu lục đầu tiên tại Việt Nam, do Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và mạng lưới RESCIF đồng sáng lập. Trong đó, mạng lưới RESCIF gồm 17 trường ĐH đến từ 13 quốc gia của 4 châu lục gồm: châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Phi. 

Hiện nay, CARE là trung tâm nghiên cứu duy nhất ở miền Nam Việt Nam nhằm phát triển các dự án nghiên cứu liên kết và các hoạt động đào tạo giữa các tổ chức nghiên cứu đào tạo của Việt Nam và châu Âu về các vấn đề liên quan đến môi trường trọng điểm trong khu vực. Cụ thể gồm các lĩnh vực quản lý bền vững tài nguyên nước, kiểm tra ô nhiễm nước và nước thải, ô nhiễm không khí, đánh giá dễ tổn thương của chu trình nước và sinh thái môi trường.

Trung tâm kết hợp 4 châu lục đầu tiên tại VN sẽ nghiên cứu dự báo lũ - Ảnh 1.

Hoạt động phân tích mẫu nước tại Trung tâm CARE

N.Q

PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết sau 10 năm hoạt động, trung tâm đã đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Riêng về nghiên cứu khoa học, trung tâm kêu gọi được 25 dự án trong nước và quốc tế, công bố 125 bài báo khoa học ISI, 72 bài báo ngoài ISI. Cùng với đó là khoảng 200 lượt thực tập và trao đổi học thuật của các nhà khoa học, sinh viên nước ngoài. Trong đó, hơn 100 sinh viên đến từ Pháp, Thụy Sĩ và Singapore đã tham gia thực tập tại trung tâm. Ngoài ra, 8 tiến sĩ cũng được đào tạo từ trung tâm.

Trong giai đoạn 2014-2023, kinh phí chi cho các hoạt động chính tại CARE tổng cộng 38,5 tỉ đồng, trong đó tài trợ từ các tổ chức quốc tế tại Việt Nam khoảng 28 tỉ đồng và từ ĐH Quốc gia TP.HCM 10,5 tỉ đồng.

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, chiến lược phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã xác định việc đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ liên ngành giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới; tăng cường hợp tác và chủ động hội nhập để hướng đến hiện thực hóa tầm nhìn trở thành hệ thống ĐH nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở này, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ đồng hành cùng với trung tâm CARE trong hợp tác quốc tế, thu hút thêm sự tham gia của các nhà nghiên cứu và sinh viên tài năng, có thêm nhiều công bố quốc tế.

Thời gian tới, bên cạnh các nghiên cứu giai đoạn 1, Trung tâm châu Á nghiên cứu về nước sẽ phát triển thêm các hướng nghiên cứu mới liên quan đến tiêu chí mới về chất lượng không khí, tương tác giữa chất lượng nước và xã hội, khí tượng thủy văn và dự báo lũ.

Xem nhanh 20h: Tổng quan tình hình mưa lũ miền Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.