Một trường công bố kế hoạch dạy trực tuyến 35% thời lượng môn học

Bích Thanh
Bích Thanh
27/12/2022 20:10 GMT+7

Ngày 27.12, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) công bố kế hoạch chiến lược phát triển trường giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2027.

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM)

PHẠM THANH YÊN

Theo đó, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đưa ra một số định hướng hình thức dạy học trong kế hoạch trọng tâm giai đoạn phát triển từ năm 2022-2027.

Trong đó, sẽ xây dựng tỷ lệ phần trăm nhất định dung lượng các môn dạy trực tiếp và trực tuyến trong năm học 2022-2023. Năm học 2023-2024, nhà trường áp dụng tỷ lệ dạy trực tuyến 20% trên tổng thời lượng chương trình các môn công nghệ, thể dục quốc phòng, nghề, giáo dục công dân, lịch sử, địa lý, nhạc, họa.

Từ năm học 2024-2025 và những năm học tiếp theo, trường áp dụng tỷ lệ dạy trực tuyến 35% trên tổng thời lượng chương trình các môn học.

Ngoài ra, nhà trường đa dạng hóa các hình thức học tập, nội dung giáo dục, chú ý các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh. Sử dụng các hình thức dạy và học ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông như trường học kết nối. Giáo viên tăng cường tổ chức các chuyên đề dạy học, các hoạt động giáo dục nhằm phát huy năng lực, phẩm chất học sinh, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để học sinh học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức kỹ năng bộ môn và hình thành những phẩm chất, năng lực chuẩn bị cho việc học tập, làm việc sau THPT…

Cũng trong chiến lược phát triển của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, có thông tin về quy mô số lớp trong giai đoạn này. Cụ thể, từ năm học 2025-2026, nhà trường có 105 lớp từ lớp 6 đến 12, giảm 2 lớp so với những năm học trước.

Bên cạnh việc đưa ra kế hoạch chiến lược phát triển, ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho hay trường còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và mang tính chất chuyên sâu của trường chuyên. Việc đổi mới nhận thức tư duy, phương pháp giáo dục trong đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ. Một bộ phận giáo viên còn thụ động, chưa theo kịp định hướng, đổi mới chung của nhà trường…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.