Một vụ có 2 vụ trưởng: ĐBQH đề nghị xem xét trách nhiệm Bộ trưởng KH-ĐT

22/01/2018 14:15 GMT+7

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, cần kiểm điểm trách nhiệm Bộ trưởng Bộ KH-ĐT trước Quốc hội vì đã không báo cáo đoàn giám sát về việc Vụ Kinh tế đối ngoại có 2 vụ trưởng .

Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách bộ máy hành chính giai đoạn 2011 - 2016, vừa trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên xoay quanh chuyện bố trí cán bộ bất hợp lý xảy ra gần đây.
Việc Vụ Kinh tế đối ngoại của Bộ KH-ĐT có 2 vụ trưởng đã gây xôn xao từ năm 2017, đúng giai đoạn Quốc hội có đoàn giám sát tối cao về cải cách bộ máy. Tại sao báo cáo giám sát lại không đề cập đến tình trạng này, thưa ông?
Đoàn giám sát của Quốc hội có làm việc với một số Bộ, nhưng không có Bộ KH-ĐT. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ gửi đoàn giám sát phải tổng hợp được tất cả cơ quan của Chính phủ, cả hệ thống nữa, nhưng không thấy nêu trường hợp này.
Báo cáo của Chính phủ gửi đoàn giám sát có đề cập đến bất cứ trường hợp nào 1 vụ có 2 vụ trưởng như trên không, thưa ông?
Không có.
Tình trạng này tồn tại nhiều năm, theo ông nguyên nhân do đâu? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những việc thế này, hay các bộ chỉ cần viện lý do “liên quan đến con người nên rất khó” mà để mặc?
Đây có thể là hệ quả của việc sắp xếp lại đầu mối nhưng không sắp xếp lại cán bộ quản lý. Đương nhiên, sau sáp nhập sẽ dư ra cấp trưởng, khi nhập Bộ trước đây đã từng có tình trạng ấy, mà thường là người ta xếp 1 vị xuống làm cấp phó, chứ không có chuyện “lưỡng đầu chế” như thế. Không có luật nào cho phép để song song như vậy.
Đáng lẽ là người đứng đầu một Bộ lớn, có chức năng quan trọng trong công tác tham mưu cho Chính phủ, thì hơn ai hết, Bộ trưởng Bộ này phải am tường luật pháp, nhất là về thể chế tổ chức - cán bộ. Cho nên, trường hợp này phải xác định trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ trưởng, Chính phủ nên kiểm điểm, làm rõ lý do vì sao.
Thêm vào đó, nếu tình trạng này đã diễn ra từ lâu, lại không báo cáo đoàn giám sát của Quốc hội thì đề nghị Chính phủ phải kiểm điểm Bộ trưởng Bộ KH-ĐT trước Quốc hội.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Bộ Nội vụ cho biết việc giải quyết tình trạng này đã được Thủ tướng giao cho lãnh đạo các bộ. Vậy vai trò tham mưu, kiểm tra của Bộ Nội vụ ở đâu?
Theo chức năng, Bộ Nội vụ một mặt tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng về xây dựng thể chế đối với cán bộ và bộ máy, mặt khác, Chính phủ cũng trao cho Bộ Nội vụ những thẩm quyền nhất định, chẳng hạn thanh tra công vụ. Việc này phải được tiến hành thường xuyên để giúp Chính phủ kiểm tra lại việc sắp xếp bộ máy, bổ nhiệm cán bộ.
Sai sót trong việc này là Bộ Nội vụ chưa kiểm tra một cách thường xuyên, phản ánh trách nhiệm của Bộ Nội vụ chưa đến nơi đến chốn. Thấy làm sai anh phải can thiệp ngay, hoặc báo cáo Thủ tướng để xử lý nếu vượt thẩm quyền.
Giảm đầu mối bằng một phép cộng cơ học
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây, nhưng ngay trong năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện thừa 57.175 biên chế, đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra việc tinh giản biên chế chủ yếu do về hưu. Vậy, tinh gọn bộ máy có ý nghĩa gì nếu không giảm được biên chế?
Chúng ta đang giảm đầu mối bằng một phép cộng cơ học, chưa đúng bản chất của tinh giản. Đúng ra, khi nhập 2 hay nhiều đầu mối, thì phải dẫn đến hệ quả là sắp xếp lại đội ngũ. Sau sáp nhập, đây rõ ràng là một đơn vị mới hoàn toàn với chức năng mới, nhiệm vụ mới và vị trí của người đứng đầu và cấp phó cũng là vị trí mới, đáng ra anh phải tổ chức thi tuyển, xem trong số những cán bộ quản lý của các đơn vị ấy, ai xứng đáng là người đứng đầu. Thi tuyển một cách minh bạch thì tất cả sẽ phải thừa nhận người nào hơn người đó làm cấp trưởng.
Tương tự như vậy với các vị trí công tác khác. Nhập đầu mối nhưng số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ công chức không thay đổi thì nhập làm gì? Đây chỉ là phép giảm trừ đầu mối, không đúng bản chất là tinh giản. Tinh giản nghĩa là anh phải chắt lọc, chưng cất nó để sang một chất mới và từ đó giảm thải đi những cán bộ không còn đảm đương được vị trí công tác của mình nữa.
Là thành viên của đoàn giám sát về cải cách bộ máy, ông thấy nút thắt chính của việc sắp xếp là gì? Nhiều người cho rằng, nếu tiếp tục làm như hiện nay, thì 20 năm nữa, chúng ta vẫn tiếp tục ra rả “bài ca” tinh giản, mà đâu vẫn hoàn đó?
Thực chất của việc tinh giản bộ máy, như tôi nói ở trên, là phải chưng cất lại những gì hiện có để sàng lọc, lựa chọn ra bộ máy hiệu quả hơn. Ví von như vậy để nói rằng, muốn sắp xếp bộ máy phải rà soát lại chức năng nhiệm vụ để xem chỗ nào chồng lấn, tranh chấp, mâu thuẫn, từ đó mới xác định được khối lượng công việc, từ đó mới ra bao nhiêu biên chế.
Tinh giản bộ máy phải gắn với sắp xếp lại cán bộ, không chỉ ở chỗ đưa người này sang thay thế người kia một cách thuần túy, mà phải trên cơ sở chưng cất lại chất lượng cán bộ qua đánh giá thực chứng, chứ không phải đánh giá cảm tính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.