‘Lạm phát’ sếp nhưng vẫn thiếu người... đi họp

23/10/2017 07:30 GMT+7

Tình trạng bộ máy cồng kềnh, cán bộ quản lý đông diễn ra ở rất nhiều cơ quan T.Ư, lẫn địa phương. Thế nhưng vẫn không ít nơi kêu ca chuyện thiếu sếp để... đi họp !

Đó là thực tế được nêu ra trong báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, vừa được đoàn giám sát của Quốc hội gửi tới các đại biểu nhằm phục vụ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 khai mạc hôm nay (23.10).
Một văn bản phải trình qua 7 nấc
Một trong những nhược điểm lớn nhất của bộ máy hiện nay, theo đoàn giám sát là quá nhiều tầng nấc, cồng kềnh. Báo cáo giám sát đã dẫn ra quy trình đường đi của một văn bản phải qua đến 7 nấc mới lên đến bộ trưởng xử lý, ký duyệt: chuyên viên soạn thảo (1), trình phó trưởng phòng (2), rồi đến trưởng phòng cho ý kiến (3), báo cáo phó vụ trưởng (4). Sau đó, vụ trưởng cho ý kiến (5) mới được trình thứ trưởng duyệt văn bản (6) và cuối cùng là bộ trưởng xử lý, ký văn bản (7). Ở những bộ ngành có cấp tổng cục thì trước khi trình thứ trưởng, còn phải thêm quy trình xin ý kiến của phó tổng cục trưởng, tổng cục trưởng.
Sự cồng kềnh này được minh chứng bằng con số đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng trực thuộc các bộ mà báo cáo nhận định là “rất lớn”. Đáng chú ý, dù Nghị định số 36/2012/NĐ-CP quy định số phòng trong vụ phải được quy định tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, nhưng trên thực tế, vẫn có trường hợp số phòng trong vụ được bổ sung, điều chỉnh bởi văn bản của Thủ tướng Chính phủ hoặc bộ trưởng. Thực tế trong giai đoạn 2011 đến tháng 7.2016, số lượng phòng thuộc vụ tăng nhanh. Thống kê tại 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ cho thấy năm 2011 có 570 phòng thuộc vụ nhưng đến tháng 7.2016, có 692 phòng thuộc vụ, tăng 122 phòng.
Mất cân đối giữa lãnh đạo và chuyên viên
“Do cơ cấu tổ chức có quá nhiều đầu mối, làm cho số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên rất lớn, dẫn đến mất cân đối giữa số người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu”, báo cáo lo ngại.

tin liên quan

Họp liên miên, không còn thời gian làm việc
Họp hành quá nhiều, liên tục khiến lãnh đạo các sở ngành, quận huyện, phường xã không có thời gian giải quyết công việc hay đi thực tế cơ sở đang là 'bệnh nan y' ở TP.HCM.
Theo đó, nếu năm 2011, chỉ tính riêng tại các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì số công chức là 7.524 người nhưng có đến 3.468 người giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên, tức cứ 2,2 công chức thì 1 người làm quản lý. Tỷ lệ này đến tháng 11.2016 còn giật mình hơn khi 1,6 công chức thì có 1 cán bộ quản lý (7.267 công chức nhưng có 4.556 quản lý từ cấp phòng trở lên). Tương tự, số công chức của các tổng cục thuộc bộ và cơ quan ngang bộ là 71.400 thì có 12.227 người giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên. Đến tháng 12.2016, trong khi số công chức giảm còn hơn 69.800 người nhưng số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên lại tăng lên 13.581.
Đoàn giám sát dẫn chứng, tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công thương với khối tổng cục là 3/4 (tức cứ 4 công chức thì có 3 lãnh đạo); tỷ lệ ở khối vụ, đơn vị là 7/8. Hay ở Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB-XH thì cứ 3 công chức ở khối vụ, đơn vị thì có 2 cán bộ quản lý. Con số này ở Văn phòng Chính phủ là 8/9.
Một số địa phương có số lượng phó giám đốc sở hoặc tương đương, số lượng phó phòng cấp huyện vượt quá quy định như TP.Hà Nội có Sở Nội vụ; tỉnh Hà Tĩnh có Văn phòng UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở NN-PTNT; Lai Châu có Sở Công thương...
Tuy nhiên, đoàn giám sát ghi nhận thực tế ở nhiều địa phương, do phương thức làm việc trong các cơ quan hành chính hiện nay chậm được đổi mới, duy trì các cuộc họp, hội nghị quá nhiều, không gắn với nguyên tắc làm việc theo chế độ chuyên viên... nên địa phương nào, cơ quan nào cũng thiếu cấp phó để đi họp.
Sức ép cải cách bộ máy
Trả lời Thanh Niên ngày 22.10, đại biểu Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN, chia sẻ những vấn đề hạn chế của bộ máy như cồng kềnh, lạm phát cán bộ, nhiều tầng nấc mà báo cáo giám sát chỉ ra đã phản ánh rất chính xác và đầy hơi thở cuộc sống. Theo ông Kim, từ những đòi hỏi, bức xúc của cử tri, cộng với việc lần này Quốc hội sẽ giám sát tối cao về cải cách bộ máy, cùng với việc Hội nghị T.Ư 6 mới đây đã thảo luận sâu vấn đề này cho thấy việc cải cách bộ máy đã không còn đường lùi.
“Tất nhiên, trước đây chúng ta cũng đã có những yêu cầu, văn bản về cải cách bộ máy, tinh giản biên chế nhưng sức ép là chưa lớn, chỉ tiêu đưa ra còn chung chung, chưa định lượng cụ thể. Chế tài đi kèm cũng không khắt khe nên việc thực hiện chưa đem lại kết quả. Cho nên, tôi hy vọng khi Quốc hội có nghị quyết về giám sát sẽ có những mục tiêu, yêu cầu cụ thể, được lượng hóa cụ thể. Công tác giám sát cũng sẽ được nghiêm túc hơn, sát sườn và đi vào thực chất hơn”, ông Kim nói.
Khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14
Hôm nay (23.10), kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14 khai mạc với hai nội dung đáng chú ý là Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Dự kiến, kỳ họp này có 26 ngày làm việc chính thức, và bế mạc vào ngày 24.11. Quốc hội sẽ dành khoảng 11 ngày để xem xét thông qua 6 dự án luật như dự luật Quy hoạch, luật Quản lý nợ công sửa đổi... và cho ý kiến với 9 dự luật khác, trong đó có luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, dự án luật Cạnh tranh sửa đổi. Với nội dung chất vấn, Quốc hội dự kiến dành 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn (từ ngày 15 - 17.11); thực hiện công tác nhân sự với hai chức danh Tổng thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng GTVT...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.