Mũ áo Đại triều của hoàng tử triều Nguyễn đấu giá tại Pháp có gì đặc biệt?

01/12/2024 06:00 GMT+7

Ngày 15.11 vừa qua, trên sàn đấu giá Emmanuell Layan & Associes, tại TP.Bordeaux (Pháp), trong phiên đấu giá thường kỳ, ở lô 69 có đăng hình ảnh bộ trang phục mà theo chuyên môn nghiệp vụ của chúng tôi, có thể khẳng định đây là mũ áo Đại triều của hoàng tử nhà Nguyễn.

Bộ trang phục được đăng với thông tin sơ sài: "Bộ bao gồm một chiếc áo choàng lụa san hô được trang trí bằng những con rồng trong số hoa văn tốt lành, với tay áo rộng. Một chiếc mũ được trang trí với các họa tiết bằng đồng, một chiếc thắt lưng được trang trí bằng huy chương, và một đôi bốt da màu đen". Bộ trang phục này đã được gõ búa với giá 66.000 EUR, và nếu tính cả thuế, phí, tương đương gần 2,5 tỉ đồng.

Mũ áo Đại triều của hoàng tử triều Nguyễn đấu giá tại Pháp có gì đặc biệt?- Ảnh 1.

Bộ triều phục của Hoàng tử triều Nguyễn được đấu giá

Ảnh: Tư liệu của Vũ Kim Lộc

Bằng chuyên môn nghiệp vụ của một người nghiên cứu cổ phục Việt, qua xem xét trên ảnh, tôi thấy đây là mũ áo Đại triều của Hoàng tử triều Nguyễn của VN (tức đây là bộ triều phục mặc trong lễ Đại triều). Còn các trang sức trên mũ vô cùng tinh xảo và nghệ thuật, mang đặc trưng của nghệ thuật kim hoàn triều Nguyễn, chỉ có bằng vàng mới thực hiện được như vậy, và tôi khẳng định các trang sức đó là bằng vàng chứ không thể là đồng.

Mũ áo Đại triều của hoàng tử triều Nguyễn đấu giá tại Pháp có gì đặc biệt?- Ảnh 2.

Mũ Kim quan ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Ảnh: Tư liệu của Vũ Kim Lộc

Bộ triều phục này gồm có mũ vàng (Kim quan), áo bào tứ linh và hài.

Riêng về mũ: Được kết bằng lông đuôi ngựa theo kiểu kết kép, tức là dùng hai lông đuôi ngựa để kết. Phía trên là một cái tán chụp trên chỏm mũ, được trang trí dày đặc vân mây, ở trên được trang trí một trang sức hình chữ nhật với đồ án lưỡng long chầu hoa cúc; còn hai bên, mỗi bên trang trí một trang sức bờm hổ. Phần vòm mũ phía trước gồm có các trang sức: 1 bác sơn, 2 hoa cúc, 4 giao long, 5 hình mặt trời, 2 kim khóa giản, 2 thùy văn. Tất cả được trang trí như sau: Tại trục trung tâm, phía trên là 1 mặt trời, phía dưới là 2 hoa cúc, dưới nữa là 1 bác sơn. Đối xứng hai bên thì mỗi bên là 2 giao long, 2 mặt trời, 1 kim khóa giản và một số hình mây. Mặt sau, ở giữa là 1 hoa cúc, đối xứng hai bên thì mỗi bên 1 giao long, 1 mặt trời. Mặt hai bên, mỗi bên có 1 dải, đầu mỗi dải đều được bịt trang sức và trang trí hình cuốn thư. Nhìn chung, những trang sức và lối trang trí trên mũ là một đặc trưng trong nghệ thuật về mũ miện của triều Nguyễn.

Mũ áo Đại triều của hoàng tử triều Nguyễn đấu giá tại Pháp có gì đặc biệt?- Ảnh 3.

Chiếc mũ Kim quan trong bộ triều phục của Hoàng tử triều Nguyễn được đấu giá

Ảnh: Tư liệu của Vũ Kim Lộc

Thế nhưng điều thú vị ở đây là qua khảo tả nêu trên và đối chiếu với quy định về mũ áo Đại triều của Hoàng tử được ghi trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của triều Nguyễn cho thấy đây là mũ vàng (Kim quan) của Hoàng tử được phong tước Quận công. Nhưng điều đáng nói là mũ đây được đặc ân rất nhiều mà trước nay chưa có mũ nào bằng, kể cả chiếc mũ Đầu hổ của Thống chế Thoại Ngọc Hầu và chiếc mũ Đại triều của quan Đại thần mà Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine đã mua. Cụ thể: Quy định ghi chỉ có 4 lửa (mặt trời), nhưng mũ này có 7 lửa; trong quy định không có 2 kim khóa giản, mũ đây có 2; quy định không có thùy văn trên chỏm mũ, mũ đây có. Đó là chưa kể vân mây trang trí dày đặc trên cái tán. (Năm 2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine đã đánh bật nhiều đối thủ để mua bằng được chiếc mũ Đại triều của quan Đại thần và chiếc áo nhật bình triều Nguyễn với giá ba mươi mấy tỉ đồng, sau đó hiến tặng tỉnh Thừa Thiên-Huế).

Mũ áo Đại triều của hoàng tử triều Nguyễn đấu giá tại Pháp có gì đặc biệt?- Ảnh 4.

Mũ Kim quan ở Bảo tàng Quân đội Pháp

Ảnh: Tư liệu của Vũ Kim Lộc

Còn so sánh với các mũ Kim quan hiện tồn tại, được biết có hai mũ, một ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia và một ở Bảo tàng Quân đội Pháp tại thủ đô Paris. Đối với chiếc mũ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì cùng với tước Quận công nhưng mũ đây nhiều hơn 1 bác sơn, 5 lửa, 2 kim khóa giản, 1 thùy văn và nhiều văn mây. Với mũ ở Bảo tàng Quân đội Pháp thì hơn 1 bác sơn, 7 lửa, 2 kim khóa giản, 2 thùy văn và nhiều văn mây.

Về niên đại, qua đối chiếu với 2 mũ nêu trên cho thấy về nghệ thuật kim hoàn trong tạo hình như giao long, hoa cúc, mặt trời, thì mũ này nghệ thuật hơn, tinh xảo hơn. Đặc biệt là giao long vẫn thể hiện với chân trước đang vuốt râu, thân mình mảnh mai, không mập mạp như thời vua Khải Định và Bảo Đại, và đây là một bảo lưu ở thời vua Minh Mạng. Còn hoa cúc với những nhánh lá mềm mại uyển chuyển cũng là sự bảo lưu của nghệ thuật đầu thời Nguyễn. Với các yếu tố trên, tôi cho rằng mũ đây có niên đại vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Nếu so với giá cả ở nhiều phiên đấu khác về cổ vật của VN trên thế giới, nhất là Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine mua chiếc mũ Đại triều và áo nhật bình ở Tây Ban Nha vừa qua, thì nhà đấu giá này đã bị "hố" khi đã định giá quá thấp bộ triều phục này. Rất tiếc không được biết người đã thắng trong đấu giá là người Việt hay nước ngoài, nhưng chẳng khác gì… trúng số độc đắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.