Bang giao triều Nguyễn: đối lập Đông - Tây

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/08/2024 06:00 GMT+7

Cùng lúc nhà Nguyễn vừa cởi mở trong ngoại giao với phương Đông vừa khép kín với phương Tây.

Trong triển lãm Bang giao triều Nguyễn: giữa làn gió Đông - Tây (Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 tổ chức từ ngày 22.8), có thể thấy hai xu hướng của ngoại giao nước Việt trong hơn 50 năm đầu độc lập, tự chủ dưới chủ dưới triều Nguyễn (1802 - 1858), trước khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta.

Đóng cửa Tây

Một đoạn báo cáo của Crawfurd được công bố trong triển lãm về tình trạng vương quốc An Nam có đánh giá, "nơi đây lại sở hữu những lợi thế thương mại tuyệt vời, nhờ cả vị trí trung tâm của nó và nhờ cả những dòng sông mà tàu thuyền có thể di chuyển và vô số các cảng tuyệt hảo".

Bang giao triều Nguyễn: đối lập Đông - Tây- Ảnh 1.

Phái bộ Pháp - Tây Ban Nha

Ảnh: TƯ LIỆU

Một văn bản châu bản cho thấy có tàu Pháp tới Cần Giờ và xin ra cửa Hàn buôn bán. Cũng từ tư liệu châu bản, thông tin cho thấy "một chiếc thuyền Hồng Mao (Anh) đến neo đậu ở Trà Sơn. Thuyền ấy chở vũ khí và hàng hóa, tiến vào tình nguyện đến buôn bán tại tỉnh hạt"… Tất cả cho thấy người phương Tây đã nhìn ra vị trí địa lý lợi thế của nước ta.

Mặc dù vậy, triều Nguyễn khá "đóng" với các mối quan hệ từ phương Tây. Văn bản công bố tại triển lãm có đoạn: "Phàm thuyền buôn Tây Dương đến buôn bán, chỉ được đến cửa biển Đà Nẵng mà thôi", hoặc "Tất phải canh phòng cẩn mật để giữ vững biên cương".

Tuy nhiên, theo Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, triều Nguyễn từng gửi phái bộ đi xem xét tình hình phương Tây, mua đồ thiết yếu, súng đạn của phương Tây, học hỏi về khoa học kỹ nghệ... Một số nhà Nho, như Nguyễn Trường Tộ, còn dâng điều trần đề nghị "giao hảo" với phương Tây.

Mở cửa Đông

Theo Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, các vua triều Nguyễn ưu tiên phát triển mối quan hệ với các nước phương Đông như Cao Miên, Vạn Tượng, Xiêm La, Nam Chưởng, Thủy Xá, Hỏa Xá…, đặc biệt với nước láng giềng Trung Quốc.

Bang giao triều Nguyễn: đối lập Đông - Tây- Ảnh 2.

Họa đồ hành trình đi sứ Trung Hoa thời Minh Mạng (1825)

ẢNH: TƯ LIỆU

Một mặt, triều Nguyễn nhận triều cống từ các nước. Tư liệu trong triển lãm có đoạn: "Vâng xét năm nay nước Cao Miên đến kỳ cống. Vua nước ấy đã chọn ủy sứ thần đem lễ phẩm đến tạ theo nghi thức và biểu văn đến kinh đô triều cống". Triều Nguyễn cũng hỗ trợ kinh tế lương thực cho nước khác khi họ thất bát. Một hoạt động khác hỗ trợ các nước là phái quân bảo hộ.

Trưng bày cũng có một số tài liệu lớn đề cập bang giao với Trung Quốc. Trong số này có văn bản kể về triều cống xin phong và đổi quốc hiệu.

Trung tâm cũng công bố các tư liệu về việc đến năm 1838, không cần thông qua nhà Thanh, vua Minh Mệnh đã quyết định đổi tên nước từ Việt Nam thành Đại Nam với ý nghĩa một nước phương Nam lớn mạnh. Từ đây, quốc hiệu được gọi là nước Đại Nam, hết thảy mọi xưng hô, văn bản, ngay cả các văn bản ngoại giao cũng đều phải theo đó tuân hành, "quyết không được nói lại hai chữ Đại Việt". Điều này được đánh giá là "ly tâm" để thay đổi vị thế đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.