Mua bài báo khoa học: Hệ lụy từ cách đánh giá theo kiểu 'đếm bài'

Quý Hiên
Quý Hiên
25/11/2022 06:05 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng năng lực đánh giá năng lực khoa học của các cấp hội đồng hạn chế nên hầu như chỉ đơn thuần 'đếm bài báo rồi cộng điểm', khiến kết quả dễ dàng bị thao túng.

Việc một số tác giả bị nghi vấn mua bán bài báo khoa học là hiện tượng không mới, trong hơn 2 năm qua Báo Thanh Niên từng đề cập nhiều lần từ nhiều góc độ. Trong đó vụ việc nổi cộm gần đây nhất là nghi vấn hàng loạt tác giả bài báo khoa học là khách hàng của Đinh Trần Ngọc Huy.

Tác hại ghê gớm

Theo TS Dương Tú, ĐH Purdue (Mỹ), do có những trường đổ tiền mua bài báo tạo thành tích ảo để thăng hạng ĐH, hoặc thưởng tiền cho tác giả đăng bài báo quốc tế, hay phạt tiền khi nhà nghiên cứu không đạt chỉ tiêu đăng bài, đã hình thành một thị trường mua bán bài báo trong chính nội bộ trường, hoạt động dưới nhiều hình thức.

Hình thức thứ nhất là người của trường mua bài từ nước ngoài với mức giá thấp rồi nhận mức thưởng cao hơn từ trường để vừa có thành tích nghiên cứu, vừa được hưởng khoản chênh lệch. Hình thức thứ hai là người của trường đứng ra thu gom rồi bán bài cho những đồng nghiệp trong trường để họ đáp ứng được chỉ tiêu đăng bài và không phải nộp phạt. Các hoạt động mua bán bài báo, gian lận học thuật sẽ ngày một biến tướng, trở nên tinh vi, khó phát hiện hơn, âm thầm hủy hoại nền móng khoa học.

TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học giáo dục VN, thì cho biết với yêu cầu hội nhập quốc tế, nhiều nhà khoa học đã đối phó bằng cách thực hiện các việc gian dối như mua bán bài, thuê hoặc “nhờ” người viết hộ. Hiện nay có rất nhiều cơ quan, hệ thống tài trợ cho nghiên cứu (Bộ KH-CN, Bộ GD-ĐT...) luôn đặt yêu cầu sản phẩm là bài đăng tạp chí quốc tế. Nhưng bản thân những người đặt ra nhiệm vụ đó (ngay cả các hội đồng giáo sư (GS) cũng không biết hết các tạp chí, từ đó dễ bỏ qua các việc làm trí trá. Chẳng hạn, gần đây trong lĩnh vực khoa học giáo dục rộ lên hiện tượng đăng bài ở các tạp chí Ấn Độ, với phí dịch vụ đăng bài rất rẻ, chỉ 30 - 40 USD/bài, rẻ hơn phí đăng bài tạp chí trong nước (chẳng hạn với Tạp chí G., phí là 2,5 triệu đồng). Nhu cầu của những người sử dụng dịch vụ này không cao, họ chỉ cần hoàn thành chỉ tiêu hằng năm cơ quan giao (có vài bài đăng trên tạp chí quốc tế).

Hơn 2 năm qua, Báo Thanh Niên từng đề cập nhiều lần từ nhiều góc độ những nghi vấn mua bán bài báo khoa học

chụp màn hình

TS Phương phân tích: “Xét từ góc độ cá nhân, thậm chí cả một đơn vị, thì tác hại của vấn đề này có thể không lớn. Nhưng tác hại của nó tới nền khoa học là rất ghê gớm. Nó sẽ tạo nên nếp nghĩ của một thế hệ nhà khoa học là có thể đạt tới mục đích bằng việc gian dối. Nó làm cho người ta mất động lực làm khoa học thật, vì thấy làm rởm dễ quá mà lại chẳng bị làm sao, thậm chí còn được khen vì công bố được nhiều. Còn những nhà khoa học làm việc nghiêm túc, vài ba năm mới công bố một vài công trình, thì bị đánh giá không bằng những người mỗi năm có hàng loạt bài. Cái nguy hại lớn nhất, đó là những người thuê người viết bài hoặc mua bài, sẽ dễ nhanh chóng leo lên vị trí cao hơn, có chức danh GS, Phó giáo sư (PGS), họ quay sang tạo lập những thế hệ nhà khoa học cũng rởm như họ, cho đến lúc nền khoa học không thể cứu vãn nổi. Đó là điều kinh khủng nhất”.

Cần bỏ ngay hình thức “đếm bài tính thưởng”

Theo TS Đỗ Quốc Tuấn, Trường ĐH Phenikaa, để hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà khoa học là thực chất, thì con người vẫn là yếu tố tiên quyết. Trong đó quan trọng là vai trò của người đứng đầu cơ quan nghiên cứu. Nếu lãnh đạo đề cao chất lượng nghiên cứu, nói không với những nghiên cứu kiểu mua bán, làm thuê, làm hộ, xin ké tên…, thì lúc đấy tự thân các nhà khoa học, giảng viên sẽ phải điều chỉnh cách làm việc.

Còn TS Dương Tú nêu ý kiến: “Những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cần xem xét điều chỉnh cách đánh giá khoa học thô sơ, máy móc dựa trên các chỉ số trắc lượng. Việc đánh giá cần tập trung nhiều hơn vào chất lượng nghiên cứu và năng lực thực sự của các ứng viên thì mới mong tránh bị những cá nhân gian lận sẵn sàng bỏ tiền mua bài báo, mua sách tham khảo/chuyên khảo, chạy thành tích”.

TS Phương thì cho rằng cần phải bỏ ngay hình thức “đếm bài tính thưởng” ở tất cả các hội đồng, từ cơ sở đào tạo/nghiên cứu cho đến Hội đồng GS nhà nước. Việc đánh giá khoa học cần phải dựa vào các chuyên gia, theo đó các hội đồng cần phải tạo cơ chế đánh giá mở để việc đánh giá là quyền và trách nhiệm của những người có cùng chuyên môn, thay vì chỉ là quyền của những người đại diện.

Đếm số bài báo quy điểm số: Đã lỗi thời

Theo TS Ngô Đức Thế (Công ty Evident Europe, Anh), việc đếm số bài báo và quy điểm số một cách kỹ thuật để đánh giá nghiên cứu khoa học là cách thức đã lỗi thời và dễ bị làm méo mó. Tuyên bố DORA ra đời hơn 10 năm trước được đông đảo các nhà nghiên cứu và các cơ quan nghiên cứu ở các nước phát triển (Anh, Mỹ, châu Âu...) ký tên ủng hộ đã nhấn mạnh việc cần đánh giá nghiên cứu bằng chính nội dung và kết quả của nghiên cứu đó thay vì chỉ nhìn vào những chỉ số trắc lượng khoa học thô thiển. Sẽ rất khó tìm thấy được các tuyển dụng hay bổ nhiệm các vị trí nghiên cứu khoa học ở châu Âu, Mỹ... mà quy điểm số ứng viên dựa theo số lượng công trình hay dựa theo các chỉ số trắc lượng khoa học đơn thuần. Thay vào đó, các ứng viên sẽ được sát hạch chi tiết để làm rõ các thành tựu nghiên cứu đã đạt được và khả năng theo đuổi các nghiên cứu có chất lượng trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.