Mua bán bào thai có phải mua bán người?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/08/2024 10:57 GMT+7

Một số ý kiến đề nghị bổ sung mua bán bào thai vào khái niệm hành vi mua bán người tại luật Phòng, chống mua bán người, song mua bán bào thai có phải mua bán người hay không vẫn còn ý kiến khác nhau.

Sáng 13.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp chuyên đề cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp 7 vào tháng 5, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.

Mua bán bào thai có phải mua bán người?- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo các nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật

GIA HÂN

Một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau là các quy định về hành vi mua bán bào thai tại dự thảo luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hành vi mua bán bào thai vào khái niệm mua bán người của dự thảo luật để làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, bào thai chưa được xác định là con người nên việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp. Dù vậy, cơ quan thẩm tra thừa nhận, thực tế đang diễn ra tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra và việc thỏa thuận mua bán này là tiền đề của hành vi mua bán người.

Do đó, để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, dự thảo luật bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm là "mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai".

Nêu ý kiến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ có trường hợp nào mua bán bào thai mà không phải mua bán người không. Bởi nếu có trường hợp này thì không nằm trong diện điều chỉnh của luật Phòng, chống mua bán người.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thì tán thành bổ sung quy định cấm hành vi mua bán bào thai và thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai. Theo ông, về mặt sinh học, bào thai đến một giai đoạn nhất định có thể coi là con người, có khác là môi trường tồn tại là trong bụng mẹ. Tuy nhiên, ông Cường đề nghị thay vì cấm mua bán bào thai thì nên quy định là cấm "hành vi mua bán người thành thai" để xác định đây là hành vi mua bán người đã thành thai.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, quy định như dự thảo sau khi tiếp thu chỉnh lý là "quá rõ", không cần phải làm phức tạp thêm. Ông Phương phân tích, thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai nghĩa là vì mục đích mua bán người.

"Còn như đồng chí Tổng thư ký nói thì người đang là bào thai. Đã là người thì hơn bào thai một tí rồi. Tôi cho rằng cần nghiên cứu quy định sao cho cụ thể, rõ, dễ hiểu, chứ không cần giải thích nhiều, rồi giải thích xong thì không hiểu gì nữa", ông Phương nói.

Mua bán bào thai có phải mua bán người?- Ảnh 2.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến tại phiên họp

GIA HÂN

Không thể quy định bào thai là người

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vấn đề bào thai khi nào được gọi là người cũng là vấn đề được tranh cãi trên thế giới. Về quan điểm cá nhân, bà Thúy Anh tán thành với tiếp thu, chỉnh lý như dự thảo. Theo bà, cần cấm hành vi mua bán bào thai, song không thể quy định bào thai là người. "Bởi nếu như vậy thì việc nạo, phá thai sẽ được coi là giết người", bà Thúy Anh nói, cách xử lý như báo cáo của Ủy ban Tư pháp là phù hợp.

Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Quang Dũng lại cho rằng, nếu xác định mua bán bào thai là mua bán người sẽ rất khó cho cơ quan chức năng. Trong khi đó, khái niệm bào thai có phải là người không thì cũng đang tranh cãi.

"Tôi đồng ý thỏa thuận mua bán người từ khi là bào thai thuộc phạm vi mua bán người nhưng đưa cả mua bán bào thai vào thì rất khó để thực hiện. Mở rộng ra tất cả thì rất khó trong thực hiện", ông Dũng nêu quan điểm.

Dự thảo luật quy định, mua bán người là hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, hoặc mục đích vô nhân đạo khác bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.

Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, hoặc mục đích vô nhân đạo khác cũng được coi là mua bán người ngay cả khi không sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.

Hành vi mua bán người cũng là một trong số 12 hành vi bị cấm được quy định tại dự thảo luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.