'Phạm tội mua bán người mà chỉ xin lỗi là xong, sẽ rất bất công với nạn nhân'

21/06/2024 13:08 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đồng tình việc xây dựng các chính sách tư pháp mang tính nhân đạo với người chưa thành niên, nhưng cho rằng cần có sự cân bằng để tránh thiệt thòi, bất công cho phía bị hại.

Sáng 21.6, tiếp tục chương trình kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Tư pháp người chưa thành niên.

Tại dự thảo luật, cơ quan chủ trì soạn thảo là TAND tối cao, đề xuất nhiều chính sách tư pháp mới, mang tính nhân đạo đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Ví dụ: giảm mức hình phạt cao nhất, bổ sung nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng, áp dụng quy trình tố tụng thân thiện…

'Phạm tội mua bán người mà chỉ xin lỗi là xong, sẽ rất bất công với nạn nhân'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy

GIA HÂN

"Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, nhất là trong tư pháp"

Cho ý kiến tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, tán thành cao với sự cần thiết ban dự án luật nêu trên. Bà Thủy kỳ vọng luật Tư pháp người chưa thành niên vừa đảm bảo sự nghiêm khắc trong việc xử lý vi phạm, nhưng cũng chứa đựng sự nhân văn, "mở ra con đường cho các cháu nhận ra sai lầm, sửa chữa".

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, người chưa thành niên là người chưa trưởng thành về mọi mặt. Thực tế cho thấy một tỷ lệ lớn người chưa thành niên có hoàn cảnh gia đình éo le, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi lệch chuẩn.

Bà Thủy dẫn chứng, Ủy ban Tư pháp mới đây khảo sát tại 3 trường giáo dưỡng. Điều khiến tổ công tác "day dứt nhất" là hoàn cảnh gia đình các cháu. Tại đây, số lượng các cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như bố mẹ ly hôn, bố mẹ phạm tội, mồ côi... chiếm tỷ lệ rất lớn (trường ở Đà Nẵng là 42%, trường ở Đồng Nai 64%).

"Nhiều cháu 16 - 17 tuổi nhưng học cả tuần chưa viết nổi họ tên. Nhiều cháu vào trường hơn 9 tháng nhưng không có người thân đến thăm. Giá như các cháu không mồ côi cha mẹ, có đầy đủ mái ấm gia đình với bố với mẹ sẽ không gặp phải sai lầm", bà Thủy nói.

Từ thực tiễn trên, nữ đại biểu nhận định phải tính toán đầy đủ các đặc điểm của người chưa thành niên; cân nhắc toàn diện nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội, từ đó có chính sách phù hợp.

"Đang có tư tưởng lấy tư pháp của người lớn để xây dựng cho trẻ em, rồi sau đó điều chỉnh một chút, giảm nhẹ một chút. Trong khi trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Đặc biệt là trong khía cạnh tư pháp", bà Thủy phân tích.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bộ luật Hình sự năm 2015 được thông qua với sự ra đời của 3 biện pháp (khiển trách, hòa giải và giáo dục tại cộng đồng) nhằm xử lý chuyển hướng và sớm kết thúc quá trình truy cứu hình sự. Qua 6 năm thi hành, đến nay chỉ có 35 cháu được áp dụng.

"Chia sẻ với chúng tôi, các cán bộ tố tụng cho biết không phải các cháu không đủ điều kiện áp dụng mà bởi vì pháp luật hiện hành, trong một biện pháp chuyển hướng có quá nhiều biện pháp cụ thể, kèm theo quá nhiều điều kiện, dẫn đến các cháu và gia đình xin không áp dụng biện pháp chuyển hướng", bà Thủy cho hay.

'Phạm tội mua bán người mà chỉ xin lỗi là xong, sẽ rất bất công với nạn nhân'- Ảnh 2.
'Phạm tội mua bán người mà chỉ xin lỗi là xong, sẽ rất bất công với nạn nhân'- Ảnh 3.

Các đại biểu Trương Trọng Nghĩa (trái) và Mai Thị Phương Hoa

GIA HÂN

Phải cân bằng lợi ích, tránh bất công với nạn nhân

Cùng ủng hộ sự cần thiết ban hành luật, nhưng đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đề nghị dự thảo cần có sự cân bằng trong xây dựng chính sách. Theo bà, nếu quá chú trọng đến việc bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên phạm tội thì sẽ không công bằng với nạn nhân, nhất là người chưa thành niên.

Dẫn lời một chuyên gia pháp luật hình sự, bà Hoa nói, các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội cần nhân đạo nhưng cũng không được quá dễ dãi, vì nếu dễ dãi sẽ làm hỏng nhân cách của người chưa thành niên.

Nữ đại biểu viện dẫn quy định tại dự thảo về việc cho phép người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng được áp dụng biện pháp chuyển hướng (xin lỗi, đưa vào trường giáo dưỡng…). Trong những tội danh này có tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi.

Bà Hoa đề nghị cần cân nhắc quy định này. Bởi lẽ, bộ luật Hình sự hiện hành không cho phép áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu người phạm tội phạm vào 2 tội danh nêu trên.

Mua bán người là tội phạm được thực hiện với ý thức cố ý, từ hành vi, mục đích đến thủ đoạn. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi tham gia các vụ án liên quan đến 2 tội này, dù chỉ với vai trò đồng phạm hoặc thứ yếu đi nữa, thì cũng đều có mục đích, thủ đoạn nhất định, gây nguy hiểm rất lớn cho xã hội.

"Nếu người chưa thành niên phạm tội được áp dụng xử lý chuyển hướng bằng cách chỉ xin lỗi là xong thì rất bất công với bị hại, không đảm bảo tính giáo dục", bà Hoa nói.

Chưa kể, nếu nương nhẹ cho người chưa thành niên phạm tội các tội danh đã nêu, bà Hoa lo ngại các đối tượng chủ mưu sẽ tăng cường sử dụng người chưa thành niên để thực hiện hành vi phạm tội.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, dự thảo luật đang tập trung vào các chính sách đối với người chưa thành niên phạm tội, còn các biện pháp bảo vệ bị hại là người chưa thành niên thì lại chưa đầy đủ.

Ông Nghĩa đồng ý việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, nhưng khuyến nghị phải cân bằng lợi ích. Xử lý chuyển hướng đồng nghĩa người bị hại mất quyền kháng cáo, viện kiểm sát mất quyền kháng nghị. "Trường hợp không may bỏ lọt tội phạm mà người bị hại không thể kháng cáo, thì rất cần phải cân nhắc", ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.