Mùa bánh trăng

18/09/2013 05:34 GMT+7

Có ăn bánh hay không, điều ấy chẳng còn quan trọng. Chỉ mong được vài ngày chìm đắm trong không gian quen thuộc ấy, được bao bọc bởi thứ cảm giác trong trẻo bình yên.

Những ngày đầu tháng tám âm lịch đã thấy hối hả trung thu. Ở thành phố bận rộn bao nhiêu mặc kệ, phải ráng thu xếp một hai ngày về quê, vào lò xem cách nướng bánh gia truyền.

>> Lung linh phố lồng đèn mùa Trung thu
>> Lan man chuyện... bánh trung thu

Lò bánh nghe đâu có từ hồi cha mẹ chúng tôi chập chững biết đi, do những người di cư lập nên và cần mẫn làm ăn truyền đời, mùa nào bánh nấy. Chẳng biết chính xác họ làm bánh trung thu từ thời điểm nào, chỉ tính từ lúc chúng tôi bắt đầu biết phân biệt mùi thơm thì ba mươi năm có lẻ. Mùi thơm ấy xuất hiện trong những buổi chiều lộng gió. Khoảng giữa tháng bảy đến độ mùng mười tháng tám, lò nướng bánh trung thu luôn nóng rực tầm một hai giờ chiều cho tới nửa đêm. Buổi sáng là lúc chuẩn bị nguyên liệu cho cánh thợ lành nghề bắt bột, nhồi nhân.

Mùa bánh trăng 1
Từng cái bánh tỏa ra mùi thơm dịu dàng quyến rũ, tựa như những tiếng thầm thì từ quá khứ,
của ngày tháng hồn nhiên
 

Nếu có ai đó hỏi rằng nướng bánh có gì mà xem, suốt mấy chục năm đều đều công việc như vậy và bánh trung thu đâu đâu cũng thấy. Cái này thì không giải thích cụ thể được, ta chỉ có thể cảm nhận khi cùng nhau mỗi buổi chiều đứng quanh lò bánh, chun mũi hít hà, cùng “ôn cố tri tân”.

Hồi thơ bé ấy, nhà nghèo thì nghèo nhưng mùa trung thu không thiếu bánh. Người lớn rất thích cho bánh trẻ con, nên dù đắt rẻ thế nào, mỗi đứa qua khỏi ngày rằm cũng còn hai ba cái để dành. Nói ra thật ngại, vì mình lúc nhỏ chỉ biết ăn và vui chứ thậm chí còn chưa biết ngon dở, trong khi nhiều trẻ con bây giờ, độ chừng mười tuổi thôi, chúng đã quan tâm và muốn học cách tự tay nướng bánh tại nhà.

“Nướng bánh trung thu lại còn mùa thu thì thật lãng mạn”, một thợ bánh nói đùa khi nhanh tay kéo vỉ sắt ra khỏi lò than hừng hực lửa. Trên chiếc vỉ rộng xếp lớp bánh vừa chín tới, thơm sực nức. “Người ta nói một vốn bốn lời là nói oan, nhưng hai ba lời thì chắc được”, chủ lò là một phụ nữ trung niên vui vẻ chia sẻ. Chị ghé tai nói thật nhỏ cho thêm phần bí mật: “Mỗi năm chỉ được một lần”.

Vừa thoăn thoắt xếp bánh nóng mới ra lò lên các kệ chất cao, đợi nguội hẳn mới đóng gói giao cho khách hàng, chị chủ lò vừa ngoái đầu hỏi tôi, ở thành phố chắc bánh không ngon bằng quê mình đâu nhỉ? Tôi trả lời, ngon dở tùy khẩu vị mỗi người, trong vị ngon lại bao gồm nhiều thứ, chỉ một người không thể đại diện mà diễn tả cho công bằng được. Riêng về phần những đứa con xa xứ như chúng tôi, thì những lò bánh gia truyền như thế này là nhứt hạng. Từng cái bánh tỏa ra mùi thơm dịu dàng quyến rũ, tựa như những tiếng thầm thì từ quá khứ, của ngày tháng hồn nhiên. Có ăn bánh hay không, điều ấy chẳng còn quan trọng. Chỉ mong được vài ngày chìm đắm trong không gian quen thuộc ấy, được bao bọc bởi thứ cảm giác trong trẻo bình yên.

Hạnh phúc tháng tám là gì? Nhà quê không ngủ sớm. Trăng treo trên đỉnh đầu. Trải chiếc chiếu rộng ra sân, già trẻ quây quần với lồng đèn ông sao, với bánh trung thu cạnh ấm trà bông cúc...

Đăng Khôi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.