Mưa bão tiếp tục kéo dài tại nhiều nơi

Chí Nhân
Chí Nhân
29/07/2024 06:20 GMT+7

Tình hình thời tiết mưa bão tiếp tục xảy ra tại các địa phương và được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp.

Mưa rất to gây nhiều thiệt hại

Hơn 10 ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau đó mạnh lên thành bão đã gây mưa to diện rộng ở nhiều địa phương trên cả nước. Tính đến sáng qua 28.7, mưa to đến rất to vẫn xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 27.7 - 8 giờ ngày 28.7 nhiều nơi trên 100 mm như: Phúc Yên (Vĩnh Phúc) 133,2 mm, Phương Lâm (Hòa Bình) 157,6 mm, Quan Hoa (Hà Nội) 166,6 mm, Phúc Thuận (Thái Nguyên) 175,4 mm… Cùng với hiện tượng mưa lớn kéo dài trên diện rộng thì đi kèm là nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cũng xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía bắc.

Mưa bão tiếp tục kéo dài tại nhiều nơi- Ảnh 1.

Rãnh thấp xích đạo có khả năng mạnh trở lại vào đầu tháng 8, gây mưa lớn ở các tỉnh phía bắc

CTV

Báo cáo của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai cho biết: Những ngày qua, mưa lớn diện rộng tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và Điện Biên đã khiến 7 người chết, 9 người mất tích, 3 người bị thương. Bên cạnh đó, khoảng 739 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trên 25.330 ha lúa cùng 2.686 ha hoa màu bị ngập úng, ảnh hưởng; 44 ha thủy sản mất trắng; 44 con gia súc, 7.734 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Miền Bắc sẽ hứng đợt mưa lớn hơn 200 mm

Khu vực Tây nguyên đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng - mặt hàng nông sản "tỉ đô". Nhưng thời gian qua, mưa liên tục đã ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch cũng như chất lượng trái khiến nhiều nông dân lo lắng thu nhập giảm. Theo các chuyên gia, mưa to kéo dài cũng là nguyên nhân dẫn tới các trận động đất kích thích tại Kon Tum hôm qua.

Trong vài ngày tới, thời tiết trên cả nước sẽ tốt dần lên, nắng ấm xuất hiện. Nguyên nhân là rãnh thấp có trục đi qua khu vực Bắc bộ đang suy yếu nên mưa sẽ giảm dần. Đối với Nam bộ, gió mùa tây nam có cường độ yếu dần nên mưa cũng sẽ ít hơn. Nam bộ trở lại với kiểu thời tiết đặc trưng của mùa mưa là sáng nắng chiều tối mưa, nắng ấm xuất hiện chứ không còn mây âm u suốt cả ngày như vừa qua. Riêng khu vực miền Trung có nắng nóng cục bộ.

Biển Đông sắp có bão lớn

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cho biết: Hiện tại đang trong giai đoạn cao điểm mùa mưa bão nên thời tiết còn diễn biến phức tạp. Dù thời tiết đang tốt dần lên khi cơn bão số 2 đi qua, nắng ấm trở lại ở nhiều địa phương nhưng xu hướng này chỉ kéo dài trong vài ngày tới. Theo các mô hình dự báo và ảnh mây vệ tinh thì phía đông Philippines đang có một xoáy mây khá lớn. Vùng áp thấp này có thể hình thành bão vào đầu tháng 8 tới, thậm chí có khả năng là một cơn bão mạnh. Có thể đường đi của bão sẽ gần giống với siêu bão Gaemi - gây thiệt hại nặng cho hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ như: Philippines, Đài Loan, Trung Quốc đại lục. Khi đó, cơn bão này sẽ làm cho rãnh thấp có trục đi ngang các tỉnh miền Bắc mạnh trở lại, gây mưa to diện rộng, thậm chí có nơi mưa rất to kèm theo các hiện tượng như lũ quét, sạt lở đất. Cơn bão cũng sẽ tạo "lực hút" gió mùa tây nam hoạt động mạnh lên, gây mưa to diện rộng cho khu vực phía nam.

"Cần lưu ý sau những ngày nắng ấm thì mưa to trở lại thường đi kèm với các hiện tượng giông lốc rất nguy hiểm. Bão cũng làm cho nhiều vùng trên Biển Đông có sóng to, gió lớn và biển động mạnh nên các tàu thuyền di chuyển trên biển đặc biệt chú ý", bà Lan khuyến cáo.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin từ nay đến 20.8, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện từ 1 - 2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới và có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Trong giai đoạn này, ngoại trừ khu vực Trung và Nam Trung bộ thì các khu vực khác sẽ có nhiều ngày mưa giông, trong đó có khả năng xuất hiện một số đợt mưa vừa, thậm chí mưa to diện rộng kéo dài từ 2 - 4 ngày. Khu vực Bắc bộ, Tây nguyên và Nam bộ có tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 20%, riêng khu vực Trung bộ tổng lượng mưa thấp hơn nhiều năm từ 20 - 40%. Tuy nhiên, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C. 

Mưa lũ, biển động

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các tỉnh miền núi như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nên độ ẩm trong đất ở một số khu vực đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái bão hòa. Vì vậy, có nguy cơ dễ xảy ra lũ quét, sạt lở, sụt lún đất ảnh hưởng tính mạng và tài sản người dân, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ và tác động xấu đến môi trường.

Ở khu vực phía bắc vịnh Bắc bộ, vùng biển phía đông của khu vực bắc và giữa Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa rào và giông rải rác. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8, sóng biển cao từ 2 - 3 m; biển động. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động ở các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động.

Mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh

Tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về qua trạm Kratie (Campuchia) từ ngày 1.6 - 25.7 đạt 53,79 tỉ m3. So với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ nhỏ hơn khoảng 6,86 tỉ m3 nhưng lớn hơn năm 2023 khoảng 14,94 tỉ m3. Mực nước Biển Hồ trong tuần qua có xu thế tăng, đến ngày 25.7 mực nước đạt 2,07 m; so với TBNN thấp hơn 1,66 m và thấp hơn năm 2023 là 0,04 m.

Tuần qua do ảnh hưởng của bão số 2 trên Biển Đông nên vùng hạ Lào và Campuchia có mưa lớn diện rộng, cùng với đó là ảnh hưởng của thủy triều khiến mực nước lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh. Mực nước tại Tân Châu trên sông Tiền ngày 24.7 đạt 2,34 m; so với TBNN cùng kỳ cao hơn 0,33 m và cao hơn năm 2023 là 0,68 m. Mực nước cao nhất tại Châu Đốc trên sông Hậu vào ngày 24.7 đạt 2,31 m; so với TBNN cùng kỳ cao hơn 0,55 m và cao hơn năm 2023 là 0,56 m.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.