‘Mua chức, mua quyền xong lại phải đi vơ vét…’

29/03/2016 14:23 GMT+7

Theo Đại biểu Đỗ Văn Đương, đó là quy luật mà nếu cứ nói mãi, nói không đi đôi với làm, không đưa ra quyết sách để “điều trị” dứt điểm thì tham nhũng sẽ hủy hoại cả một chế độ.

Theo Đại biểu Đỗ Văn Đương, đó là quy luật mà nếu cứ nói mãi, nói không đi đôi với làm, không đưa ra quyết sách để “điều trị” dứt điểm thì tham nhũng sẽ hủy hoại cả một chế độ.

Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị "trị" dứt điểm tham nhũng - Ảnh: Ngọc Thắng Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị "trị" dứt điểm tham nhũng - Ảnh: Ngọc Thắng

Phát biểu tại phiên thảo luận về Dự thảo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chính phủ, Viện trưởng Viện KSND tối cao và TAND tối cao sáng 29.3, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, dư luận suốt thời gian qua cứ râm ran tình trạng chạy chức, chạy quyền; cử tri bức xúc, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện; các cấp, các ngành cứ nói mãi, nhưng nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo.

“Nạn chạy chức quyền tạo ra bất công rất lớn, trong khi cuộc đời này còn nhiều cô tấm trong sáng lắm.  Đã có câu ví nước trong không có cá, người trong sạch thì không ai chơi, lại còn bị cho là quan hệ kém”, ông Đương ví von, và cho rằng nguyên nhân nằm ở việc đánh giá đạo đức cán bộ còn quá chung chung.

Phải tấn công tham nhũng như tấn công tội phạm

Ông Đương đề nghị, bây giờ đánh giá đạo đức và năng lực cán bộ công chức phải nhìn ngay vào "sản phẩm" công vụ xem cán bộ đó có tận tụy hay không. Vấn đề không phải là “đút chân vào gầm bàn” hay “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” mà cán bộ đó có sản phẩm gì, chất lượng ra sao. “Đánh giá thì phải nhìn vào sản phẩm, chứ đừng nhìn vào độ tuổi và đừng cào bằng…, như vậy lãng phí lắm! Đừng dùng cán bộ công vụ tốt xong rồi lại bỏ rơi họ, giống như bắn hết chim rồi vứt cung tên đi, lại đưa một đám khác vào”, ông Đương đề nghị.

Vẫn theo ông Đương, các báo cáo cần tập trung đánh giá về đạo đức của công chức xem có cần kiệm, chí công vô tư hay không; thẩm phán đã dụng công thu pháp hay chưa; các kiểm sát viên có công minh chính trực, khách quan thận trọng, liêm chính hay chưa. Thậm chí, với cả đại biểu Quốc hội, cũng cần đánh giá xem có gần dân, thương dân và dám nói, đưa ra quyết sách để bảo vệ quyền lợi của người dân hay không.

“Đạo đức mới là yếu tố hàng đầu, nó từ trong mỗi con người rồi. Phải đánh giá để xem việc chạy chức chạy quyền không chỉ là bất công mà còn đẻ ra tham nhũng. Vì họ mua bán xong lại phải đi vơ vét mới đủ chi phí bù ra. Ta cứ nói đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhưng nhạy cảm thì vẫn phải làm chứ, vì nguy hiểm đến sự tồn vong của chế độ”, ông Đương tiếp tục theo đuổi kiến nghị của mình.

Để giải quyết tình trạng này, theo ông Đương, Bộ Chính trị cần vào cuộc, đưa ra quyết sách để tấn công tham nhũng như tấn công tội phạm. “Đây thực sự là tội phạm, tôi thấy tiếc khi bộ luật Hình sự không đưa tội chạy chức chạy quyền vào, dù tôi đã đề nghị mấy lần rồi. Chúng ta cần tập trung giải quyết vấn đề này, chứ cử tri phản ánh các ông nói nhiều quá mà chẳng xoay chuyển được tình hình, tốt nhất thôi đừng nói nữa”, ông Đương bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.