Mùa chụp ảnh kỷ yếu: Thợ chụp ảnh như được trở lại thời học sinh

31/05/2023 18:00 GMT+7

Cứ đến dịp hè, tổng kết cuối năm học những học sinh cuối cấp luôn muốn lưu giữ lại khoảnh khắc cuối cùng trong màu áo trắng của mình. Do đó, đây cũng là mùa dành cho những thợ chụp ảnh trẻ làm nghề chụp ảnh kỷ yếu.

Nhiều kỷ niệm khi chụp ảnh kỷ yếu

Lê Đức Trương Kỳ, một thợ chụp ảnh có nhiều năm trong nghề (làm việc tại TP.HCM) kể rằng mỗi năm đến dịp hè anh đều có nhận từ 1 đến 2 lần chụp ảnh kỷ yếu cho học sinh. Các học sinh thuê thợ chụp vì muốn lưu giữ những khoảnh khắc cuối cùng của đời học sinh hoặc những lớp cuối cấp.

Đa phần những thợ chụp ảnh hiện tại chụp với nhiều chủ đề, vì mỗi mùa thợ chụp sẽ có đối tượng khách khác nhau. Cho nên, tùy đối tượng cũng như theo yêu cầu của khách chứ thợ ảnh không phải chăm chăm chụp ảnh kỷ yếu. "Ví dụ như mùa gần tết tỷ lệ chụp ảnh cưới cao, đến mùa hè chụp ảnh kỷ yếu, kỷ niệm họp lớp hoặc mùa khác chụp ảnh về các sự kiện", Kỳ chia sẻ.

Mùa chụp ảnh kỷ yếu: Thợ chụp ảnh như được trở lại thời học sinh - Ảnh 1.

Thời nay nhiều bạn trẻ bắt nhịp xu hướng thích chụp ảnh kỷ yếu những năm cuối cấp

Nhật Quang

Ngày nay, Kỳ nhận thấy học sinh càng sáng tạo, suy nghĩ ra nhiều ý tưởng mới để cho bộ ảnh của mình trở nên sống động và độc đáo hơn. Thỉnh thoảng sẽ có vài trend (xu hướng) hoặc một số lớp đầu tư hơn cho bộ ảnh bằng những trang phục, bối cảnh. Nhưng về cơ bản thì kỷ yếu là bộ ảnh cả lớp kỷ niệm cùng nhau tại trường lớp, nên sẽ ưu tiên các hoạt động cho lớp như: vui chơi hoặc quậy phá một chút.

Kỳ nhớ lại năm ngoái anh chụp các học sinh tập trung tại lớp. Cả nhóm cùng lấy dấu vân tay và ảnh thẻ làm cuốn sổ kỷ niệm với cô chủ nhiệm. Còn mùa chụp năm nay thì lớp chuẩn bị "đại chiến" bóng nước để chơi với nhau một cách vui vẻ.

"Tới bây giờ là bộ ảnh nhớ nhất tôi chụp vào năm ngoái cho 12A7 Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM). Bộ ảnh đặc biệt vì tinh thần lớp rất gắn kết, các em biết lúc nào cần năng lượng, nghịch ngợm pha trò, biết lúc nào nên nghiêm chỉnh lắng đọng tận hưởng cảm xúc hiếm hoi còn lại cùng nhau đi chụp. Tôi thấy vậy cũng bồi hồi xúc động theo. Với cả cách các học sinh đón nhận hình ảnh sau đó nhắn tin cho tôi để chia sẻ về họp lớp, nhớ lớp, ôn kỷ niệm, cũng rất đặc biệt", Kỳ nhớ lại kỷ niệm lần chụp ảnh kỷ yếu.

Mùa chụp ảnh kỷ yếu: Thợ chụp ảnh như được trở lại thời học sinh - Ảnh 2.

Lộc, thợ chụp ảnh như được trở lại thời học sinh sôi nổi của mình khi đi chụp ảnh kỷ yếu

NVCC

Cũng đang trong mùa chạy "show" chụp kỷ yếu, thợ chụp ảnh Nguyễn Phước Lộc (ngụ P.6, TP.Mỹ Tho) cho biết mỗi năm nhận trên dưới chục lần chụp cho học sinh. Đa phần là các học sinh cuối cấp ở các huyện trong tỉnh Tiền Giang. Lộc cho biết mỗi nơi, mỗi lớp, thời điểm học sinh đều có một xu hướng mới để chụp ảnh. "Có lúc học sinh phá cách, lấy quần áo của cha mẹ hoặc kiểu đùa giỡn đi chơi, đi chợ, đi ngoài đồng ruộng", Lộc cho biết thêm.

Theo Lộc, tính cách "nhất quỷ nhì ma" của học trò luôn là điều gì đó khó trong việc phục vụ chụp ảnh. Do đó, chụp ảnh kỷ yếu khác nhiều so với ảnh cưới, sự kiện. Thợ chụp phải am hiểu tâm lý, nắm bắt các hoạt động cũng như xu hướng mới của giới trẻ. Lắm lúc người thợ lại trở thành một "giáo viên" đúng nghĩa với các em. "Phải điều động, gom các thành viên lại, đảm bảo trật tự, có lúc tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, vì tuổi Lộc còn khá nhỏ và cũng hiểu được phần nào tâm lý nên cho mình trở về thời thanh xuân để dễ hòa nhập cùng học sinh.

Đã chụp ảnh kỷ yếu nhiều năm nhưng với Lộc có một kỷ niệm không thể nào quên khi chụp ảnh về một học sinh đặc biệt. "Bạn đó bị một căn bệnh hiểm nghèo mà không dám cho cả lớp biết. Khi tâm sự làm tôi cũng hiểu hơn, cả lớp cũng chạnh lòng khi biết tin. Khi chụp, tôi ghi nhận những khoảnh khắc của học sinh đó nhiều hơn. Cuối cùng về nhà em đó rất trân trọng những khoảnh khắc, bức ảnh đó", Lộc kể lại.

Chụp học sinh khó mà dễ

Theo Kỳ ảnh kỷ yếu là tập thể, các cá nhân kết nối với nhau thành tập thể nhưng "chín người thì mười ý" nên lắm lúc xảy ra nhiều chuyện ngoài ý muốn. Nếu là người mới vào nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm chụp kỷ yếu thì khi làm việc với học sinh phải thật rõ ràng về dịch vụ và sản phẩm mình cung cấp trước khi chốt. Điều này tránh trường hợp các lớp so sánh "biết vậy chụp ảnh kia tốt hơn".

Đây là buổi đi chụp chung các học sinh sẽ đóng tiền tham gia như nhau nên quyền lợi như nhau. Tuổi học sinh việc so sánh và ganh tị nhau ít nhiều cũng có nên thợ chụp hạn chế xảy ra bằng việc chụp ảnh công bằng, bạn nào cũng chỉn chu có tâm như nhau chứ không phải bộ ảnh trả về toàn hình trai xinh gái đẹp trong lớp, còn những học sinh rụt rè thì được vài tấm cho có. Như vậy sẽ làm lớp mất đoàn kết, người thợ cũng dễ "dính phốt" không mong muốn.

Mùa chụp ảnh kỷ yếu: Thợ chụp ảnh như được trở lại thời học sinh - Ảnh 3.

Học sinh ra khu vực Bưu điện Thành phố (Q.1, TP.HCM) chụp ảnh

Dạ Thảo

Mùa chụp ảnh kỷ yếu: Thợ chụp ảnh như được trở lại thời học sinh - Ảnh 4.

Những bức ảnh ghi lại sự hồn nhiên, tuổi trẻ của thời học sinh

Khuất Nhiên

Còn Lộc chia sẻ, khó trong chụp kỷ yếu cho học sinh là các hoạt động xảy ra liên tục, khó bắt được nhịp cảm xúc và khoảnh khắc của từng cá nhân nên phải cần chụp nhanh, chính xác và đẹp. Đôi lúc thợ chụp phải chỉnh các tư thế, tạo dáng giúp học sinh. Ngoài ra, khó kiểm soát tập thể để chỉnh chu khung hình bởi tấm hình nào cũng rất đông các gương mặt. Chụp cá nhân cũng khó vì mỗi bạn mỗi gương mặt, chỉ có vài phút để thợ chụp tiếp cận. Người chụp cần sử dụng kỹ năng mềm thì là khả năng tương tác, giúp cho cả lớp vui vẻ cùng nhau để học sinh không bị phân tán thành nhóm buổi chụp sẽ mất vui.

Dễ vì nó không áp lực quá về mức độ quan trọng và nghiêm trọng như ảnh cưới hay sự kiện. Bản thân cũng có khoảng thời gian đi học nên hiểu rõ về học sinh. Kỹ thuật chuyên môn được đảm bảo thì có khi đi chụp như đi chơi, đi sinh hoạt lớp, vui vẻ.

"Học sinh thời nay rất chủ động trong việc xây dựng hình ảnh cho nhau, chỉn chu và khá thông minh trong các quyết định. Để tổ chức được một buổi chụp kỷ yếu không dễ, đôi khi lớp đã lên kế hoạch cả nửa năm, nên các bạn và tôi khá là quý những cuộc hẹn chụp ảnh này", Lộc cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.