Trong quan niệm cưới xin của người Việt, trong lễ ăn hỏi, nhà trai thường chuẩn bị sính lễ để trao cho nhà gái, trong đó có cả tiền thách cưới. Nhiều nhà cô dâu với lễ nghi và sự kiện trọng đại cả đời của con gái có khi "thách cưới" với số tiền hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn không ít nhà chỉ nhận với số tiền thách cưới tượng trưng. Đa số tiền thách cưới sẽ được cha mẹ tặng lại cho vợ chồng để làm ăn.
Bên cạnh đó, việc cô dâu, chú rể đeo nhiều vàng trong ngày cưới hay tiền mừng cưới cũng là chủ đề được nhiều người quan tâm khi chia sẻ lên mạng xã hội.
Thách cưới bao nhiêu là hợp lý?
Anh Ngô Văn Quang (31 tuổi, ở H.Vũ Thư, Thái Bình) cho biết, ở mỗi địa phương sẽ có mức tiền thách cưới khác nhau. Ở chỗ anh, tiền thách cưới dao động vào khoảng từ 5 – 15 triệu đồng và được bỏ vào trong một phong bì nhỏ. Tuy nhiên, giống như nhiều nhà khác, ở đám cưới anh số tiền đó cũng được nhà gái cho lại hai con xây dựng gia đình.
"Gia đình tôi đã bỏ số tiền 5 triệu đồng để mang sang nhà gái trong hôm ăn hỏi. Con gái được gia đình nuôi nấng và giờ đi lấy chồng, nhà trai cũng nên có chút thay lời cảm ơn bố mẹ cô dâu" anh Quang chia sẻ.
Chị Đỗ Thị Hồng Nhung (25 tuổi, ở H.Đại Từ, Thái Nguyên) chia sẻ, tiền thách cưới ở miền bắc còn được hiểu là lễ đen. Lễ đen được hiểu là món quà nhà trai bày tỏ sự biết ơn đối với công sức sinh thành, nuôi dưỡng cô dâu của nhà gái và thể hiện tấm lòng muốn đón con dâu về nhà chồng. Lễ đen trong ăn hỏi miền Bắc thường là số lẻ (5, 7 hoặc 9 triệu đồng) do ở đây quan niệm số lẻ tượng trưng cho người sống. Trái lại, lễ đen trong ăn hỏi miền Nam thường là số chẵn (6, 8 hoặc 10 triệu đồng) do quan niệm lộc, phát trong hôn nhân.
Theo quan điểm ngày xưa, con gái càng có giá lễ đen càng to tiền. Vợ chồng chị tổ chức đám cưới cách đây gần một năm. Phần lễ xem đó là chút thành ý của nhà trai để nhà gái lo liệu, chuẩn bị cho đám cưới.
"Nếu gia đình nhà trai có điều kiện thì tiền thách cưới không phải là vấn đề nhưng với những nhà không có nhiều sẽ trở thành điều cần suy nghĩ. Nếu đưa ít quá nhà gái cũng lăn tăn, sợ chuyện gả con gái một cách dễ dàng. Hai gia đình cùng bàn bạc tiền thách cưới nhưng cơ bản theo phong tục ở nhà chồng, bố mẹ tôi vui vẻ, hoan hỉ với điều này", chị Hồng bày tỏ.
Chị Nguyễn Thanh Trà (34 tuổi, nhân vật đề nghị đổi tên, quê Bạc Liêu) cho hay, tục lệ từ xưa là nhà trai phải giúp cho nhà gái làm đám cưới, cho cô dâu quần áo, vàng bạc. Tùy mỗi nhà sẽ đưa ra yêu cầu về tiền thách cưới hay do nhà trai chủ động.
"Ở chỗ tôi có nhà đòi tiền thách cưới có nhà không. Tuy nhiên, nhà trai cưới vợ cho con cũng muốn nở mày nở mặt nên nhà giàu thì cho nhiều còn nhà không có điều kiện thì cho ít. Dù nhà gái không yêu cầu nhưng nhà trai cũng chuẩn bị sính lễ theo phong tục", chị Trà nói.
Chuyện đưa tiền thách cưới cũng được nhà trai thực hiện theo từng cách khác nhau. Trước ngày cưới, nhà trai sẽ tặng nhà gái con heo to để làm cỗ hoặc đưa tiền từ 10 – 30 triệu đồng. Có những nhà hai bên tự thương lượng với nhau để phù hợp với yêu cầu của nhà cô dâu và điều kiện kinh tế của nhà chú rể.
"Nếu nhà trai có điều kiện sẽ tự mang sang nhà gái. Chị họ của tôi khi lấy chồng được mẹ chồng bưng sang một mâm đầy vàng khoảng 12 cây. Theo phong tục ở đó nhà trai phải cho cô dâu bông tai, dây chuyền, nhẫn, lắc đủ bộ, quần áo (hiểu ngầm ít nhất 10 bộ), tiền giúp nhà gái làm đám cưới ít nhất 10 triệu đồng kèm mâm quả mang sang. Ba mẹ cũng mong con gái có chút vốn khi đi lấy chồng", chị Trà cho biết.
Chị Ngô Thị Hồng Tuyên (ở Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay, nhà trai và nhà gái sẽ ngầm thống nhất với nhau trước về số tiền đặt vào mâm quả, hiếm hoi lắm mới có chuyện nhà gái đề nghị số tiền sính lễ cụ thể.
"Đa phần nhà trai sẽ gửi tiền sính lễ theo số chẵn, thường chia hết cho số 6 hoặc số 8. Ngược lại, nhà gái cũng cho con gái mình một số tiền tương đương gọi là của hồi môn. Hai nhà thường ngầm đồng ý với nhau cả tiền sính lễ lẫn tiền hồi môn để đôi bạn trẻ khởi nghiệp", chị Tuyên giải thích.
Trong lễ dạm ngõ, nhà gái khéo léo hỏi dự định số tiền nhà trai mang sang để chuẩn bị của hồi môn cho tương xứng. Họ sợ chênh lệch quá nhiều so với nhà trai sau này con gái sẽ khó thoải mái. Ngược lại, nhà gái cũng không dám cho của hồi môn quá nhiều mang tính áp đảo, sợ con rể mất mặt với hai họ.
Nhà nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Ánh Hồng cho biết, thách cưới là một trong những phong tục đẹp, mang ý nghĩa tích cực. Thời xưa điều kiện kinh tế khó khăn, khi các con dựng vợ, gả chồng, cha mẹ thường tặng của hồi môn để các con có vốn làm ăn. Trong đó có việc nhà gái thách cưới, nhà trai thực hiện trong hôm đưa sính lễ sang ăn hỏi.
TS Hồng nói rằng, việc thách cưới cũng có ý nghĩa đề cao người con gái, như một nghi thức "luật bất thành văn" với nhiều gia đình. Việc thách cưới vẫn còn tồn tại đến ngày nay nhưng với ý nghĩa nối tiếp truyền thống. Nhiều địa phương giữ tục thách cưới cho có hình thức vì sau đó số tiền cũng được trao lại cho hai con. Vì vậy, tiền thách cưới có ý nghĩa mang lại sự may mắn, phúc lộc cho cô dâu, chú rể.
"Bên cạnh những gia đình giữ tục thách cưới với ý nghĩa tích cực một số nơi còn có sự lạm dụng, biến ý nghĩa của tục lệ này dần mất đi. Nhà gái thách cưới quá cao với mục đích thu hồi vốn nuôi con là những ví dụ cho điều đó. Để "gạn đục khơi trong", chúng ta nên giữ lại phong tục nhưng không tạo ra những áp lực, tổn hại đến hạnh phúc của hai con trong ngày quan trọng nhất của cuộc đời", vị TS bày tỏ.
Nhận vàng nhiều trong lễ cưới có "áp lực"?
Câu chuyện của hồi môn và sính lễ trong lễ cưới cũng là vấn đề quan trọng trong thời đại 4.0 khi hình ảnh đó lan tỏa rất nhanh trên mạng xã hội. Có lời chúc phúc nhưng cũng có lời bình phẩm, đôi khi lại gây "áp lực" ngược trở lại với cô dâu chú rể.
Với việc cô dâu chú rể đeo quá nhiều vàng trong ngày cưới anh Quang cho rằng điều này không cần thiết. Đó vừa là quà cưới cho cặp đôi khi lập gia đình nhưng đồng thời cũng là gánh nặng về sau khi phải đi mừng lại với những ai tặng quà cưới là vàng. Giá vàng ở từng thời điểm cũng có sự khác nhau nên cũng có những suy nghĩ, "cân đo, đong đếm" khi giá vàng có sự chênh lệch.
"Tôi cho rằng việc đeo nhiều vàng trong ngày cưới đôi khi cũng có điều chưa hay. Điều này sẽ ảnh hưởng tư tưởng của nhiều cô dâu, chú rể khác khi thấy mọi người đeo nhiều vàng cưới và dần dần gây nên áp lực gia đình. Nếu không có, bố mẹ, anh chị em, người thân phải đi vay mượn để mua vàng đeo cho cô dâu, chú rể", anh Quang nói và nhận xét điều quan trọng là hạnh phúc của vợ chồng, không nên để cặp đôi có tư tưởng ỷ lại về của hồi môn, không chịu làm ăn.
Chị Hồng Nhung bày tỏ, việc đeo nhiều vàng trong ngày cưới là tâm lý của nhiều người. "Bản thân sẽ là người biết rõ điều kiện của gia đình mình như thế nào nên cũng không kỳ vọng gì vào của hồi môn. Có vàng đeo trong ngày cưới cũng hạnh phúc nhưng không có cũng nên duyên vợ chồng", chị Nhung trải lòng.
Chuyên gia văn hóa TS Nguyễn Ánh Hồng nói rằng, việc cha mẹ cho của hồi môn là vàng hoặc mọi người mừng vàng cưới mang lại sự hoan hỉ, cầu chúc cho cô dâu, chú rể được hạnh phúc. Tuy nhiên, bản thân có chút băn khoăn khi mạng xã hội xuất hiện những đám cưới cô dâu đeo vàng "khủng". Theo bà, các cặp đôi không nên đeo quá nhiều vàng trong ngày cưới, dùng vật chất làm thước đo cho giá trị hạnh phúc. Hạnh phúc của hôn nhân chính là được sống trong sự yêu thương, bình yên, tình cảm chân thành.
Ngoài chuyện thách cưới, đeo vàng trong ngày cưới, chuyện bỏ phong bì bao nhiêu cũng khiến nhiều người "đau đầu". Theo chị Hồng Nhung, hiện nay tiền mừng cưới thường được dao động trong khoảng 500.000 – 5 triệu đồng. Mức tiền này phụ thuộc vào độ thân thiết với cô dâu, chú rể, địa điểm tổ chức và mức thu nhập của bản thân.
Đồng quan điểm với chị Hồng Nhung, anh Quang sẽ bỏ phong bì dựa theo tiêu chí: người thân trong gia đình, bạn bè thân thiết, đồng nghiệp, bạn bè xã giao, có tham dự trực tiếp hay không và thu nhập của bản thân.
"Nếu bạn bè xã giao hoặc tôi gửi người khác thì sẽ bỏ phong bì từ 300.000 – 500.000 đồng. Với những bạn bè hoặc mối quan hệ thân thiết thì bỏ khoảng 1 triệu – 1,5 triệu đồng. Anh em, người thân trong gia đình tôi sẽ mừng cưới khoảng 1 chỉ vàng", anh Quang chia sẻ.
Bình luận (0)