Mùa cưới, mùa đi đám cưới thời 4.0 vui bao nhiêu: Để khách không cảm thấy bị 'tra tấn'...

22/01/2024 12:12 GMT+7

Đám cưới ngày xưa có quá nhiều thủ tục rườm rà, nghe kể lại thôi đã không dám… cưới vợ. Còn ngày nay, nhiều đám cưới được tổ chức cầu kỳ, dài lê thê không khác gì "tra tấn" khách mời.

Thế thì phải cải tiến, thay đổi như thế nào mới gọi là đám cưới văn minh, gọn nhẹ nhưng vẫn trang trọng, vẫn lưu giữ được những lễ nghi truyền thống tốt đẹp.

Đám cưới xưa: Đủ 6 lễ

Cụ Phạm Sáu (94 tuổi) ở thôn Phú Lễ, xã Bình Trung, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) nhắc đến chuyện cưới xin ngày xưa ở vùng nông thôn quê mình với bao cảm xúc. Theo cụ, hồi đó, để cưới được vợ phải làm "lục lễ": Từ lễ dạm ngõ có người mai mối, đến lễ đi nói vợ (hỏi vợ), đám hỏi, thăm dâu… đến khi đám cưới. Trừ lễ dạm ngõ thì tất cả các lễ khác đều có bàn trầu (gồm 16 lá trầu, cau, trà, nhưng không có vôi), chai rượu đế.

"Hồi đó, khi tổ chức đám cưới, họ hàng hai bên hay thắc mắc đủ thứ, thậm chí cãi nhau chí chóe, rất phiền hà. Ngày xưa chủ yếu đi bộ, ở gần thì ít mệt mỏi, còn từ huyện này sang huyện khác hàng chục cây số, phải đi từ lúc gà gáy, khi xong việc về đến nhà đã về nửa đêm", cụ Sáu kể.

Mùa cưới, mùa đi đám cưới thời 4.0 vui bao nhiêu: Để khách không cảm thấy bị 'tra tấn'...- Ảnh 1.

Lễ đính hôn của một đôi bạn trẻ được tổ chức gọn nhẹ, trang trọng

LƯƠNG VĂN TÌNH

Còn tại Bình Định, trước đây người dân cũng tổ chức cưới hỏi theo phong tục từ xưa truyền lại, bao gồm 6 lễ trong một đám cưới. Đó là: Lễ thăm nhà, lễ nói, lễ hỏi, lễ đại nạp, lễ cưới, lễ rước dâu, lễ hồi dâu.

Do quá nhiều lễ nghi, nên một lần tổ chức đám cưới phải có sự chuẩn bị từ rất nhiều năm, thật sự trở thành nỗi ám ảnh của những gia đình không có điều kiện.

Đám cưới ở nông thôn: 3 ngày mới xong

Đó là đám cưới xưa. Còn đám cưới nay, mặc dù đã có nhiều cải tiến, rút gọn nhưng một số nơi vẫn còn rất… nhiêu khê, nhất là ở một số vùng nông thôn.

Đã có kinh nghiệm hơn 10 năm đi chụp ảnh đám cưới, anh Lương Văn Tình (35 tuổi, ở xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) cho biết, anh đã chụp hàng trăm lễ cưới từ nông thôn cho đến thành phố.

Riêng về mảng quay phim, chụp hình cho lễ hỏi, lễ cưới có rất nhiều khác biệt. Khoảng 10 năm trước người dân chỉ cần một thợ quay phim, một thợ chụp hình là đủ. Những năm trở lại đây, bắt nhịp xu thế hiện đại, theo phong cách phương Tây nên có rất nhiều bạn trẻ muốn làm lễ hỏi, cưới của mình như một sự kiện hoành tráng: Một đám cưới cần phải có 2 - 3 thợ quay phim và khoảng 2 thợ chụp hình để ghi lại khoảnh khắc trong ngày cưới. Để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, thợ quay phim, chụp hình phải đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại mới bắt kịp xu thế.

Theo anh Tình, ở nông thôn hiện nay, việc tổ chức lễ cưới không khác gì thành phố, nhưng về phần tiệc đãi khách thì ở vùng quê tổ chức thời gian lâu hơn, hát hò tưng bừng hơn. Ấy là vào chiều trước hôm đám cưới một ngày, chương trình ca nhạc đã "tra tấn" hàng xóm đến khuya, với hàng chục bàn ăn nhậu. Ngày hôm sau, mới mở mắt ra đã nghe ca nhạc ầm ĩ và kéo dài đến tận khuya. Có nhiều đám cưới tổ chức đến 3 ngày mới kết thúc và luôn kéo theo phần ca nhạc "ám ảnh" cả xóm làng.

Lên sân khấu hát… Đồi thông hai mộ

Trong phần giao lưu ca hát, không chỉ hát to, ầm ĩ, kéo dài, một số người lên sân khấu còn hát nhiều bài hát không biết chúc phúc hay chia ly. Mới đây khi dự đám cưới ở một xã miền biển của H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), chúng tôi đã nghe các bài hát Niệm khúc cuối, Ai cho tôi tình yêu, thậm chí là… Đồi thông hai mộ khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán. Một số khách đã bày tỏ thái độ bực bội vì nội dung bài hát không phù hợp với đám cưới.

Có đám cưới ở TP.Quảng Ngãi, nhà hàng chật ních, khán phòng ầm ào, chỉ nghe tiếng MC nói cả tràng rồi đến hát hò liên tục, khách dự tiệc cưới ngồi sát nhau nhưng không thể nào nói chuyện được. Nhiều người lâu ngày gặp lại, muốn hàn huyên phải ra ngoài hành lang.

Đó là chưa kể nhiều đám cưới, chủ yếu ở các thành phố, bắt khách dự ngồi chờ quá lâu rồi mới đến phần nghi lễ, sau đó mới bắt đầu ăn uống. Thường thì các đám cưới mời lúc 17 giờ nhưng đến 19 giờ mới bắt đầu vô tiệc.

Nên rút gọn các nghi thức đám cưới

Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, có những truyền thống "trầu cau" theo phong tục còn tốt đẹp thì nên gìn giữ. Ông bà ta ngày xưa rất khéo léo trong những lễ nghi, nhất là ngày đi đám hỏi. Còn bây giờ, ông Khánh cho rằng, những lễ nghi rườm rà như "lục lễ" nên giảm bớt, tránh phiền hà. Cũng như trong chương trình đám cưới, nên gọn nhẹ, tránh ồn ào quá mức và không bắt khách dự cưới phải ngồi chờ quá lâu.

Từ năm 2018 cho đến nay, thực hiện nếp sống văn minh thì người Bình Định đã rút gọn các nghi lễ từ 6 xuống còn 2 hoặc 3 lễ trong một đám cưới. Nhiều nghi lễ đã được nhập và gộp lại thành một để giản đơn hóa. Từ đó, phong tục cưới hỏi của người Bình Định ngày nay đã có nhiều thay đổi so với xưa kia. Những sự thay đổi này phù hợp với sự tiến bộ trong đời sống và phong tục tập quán của họ.

Theo TS. Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định, hiện nay phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh Bình Định đều nhập các lễ lại với nhau. Nếu trước đây là 6 lễ thì nay rút gọn lại thành 2. Lễ thứ nhất là dạm hỏi xin ngày cưới, lễ thứ hai là tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận nhỏ ở nông thôn thực hiện đủ 6 lễ, rất tốn kém thời gian.

"Việc rút gọn các nghi lễ cũng giúp cho các cặp đôi tiết kiệm công sức, thời gian và cả tiền bạc khi tổ chức đám cưới", ông Hòa cho biết thêm.

Mùa cưới, mùa đi đám cưới thời 4.0 vui bao nhiêu: Để khách không cảm thấy bị 'tra tấn'...- Ảnh 2.

Khu vực làm lễ cưới được trang trí đẹp mắt

LƯƠNG VĂN TÌNH

Người trẻ nghĩ gì về đám cưới?

Qua khảo sát, hiện nay, người trẻ đang có 2 luồng suy nghĩ trái chiều nhau về việc tổ chức đám cưới hoành tráng hay phải tiết kiệm.

Một số người trẻ cho rằng, đám cưới là dịp trọng đại, chỉ có một lần trong đời nên dẫu có ra sao cũng phải tổ chức thật hoành tráng. Khi tổ chức đám cưới thì khách sạn tổ chức tiệc cưới, trang trí nhà cửa, nhẫn cưới… phải thật đắt tiền. Chị Phan Thị Minh Ngọc (23 tuổi, ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) chia sẻ: "Đối với em, cưới xin là chuyện cả đời chỉ có một lần nên em sẽ làm thật hoành tráng. Vì đó sẽ là kỷ niệm mà sau này em sẽ nhớ hoài".

Trái ngược với suy nghĩ của chị Minh Ngọc, anh Đoàn Minh Quang (28 tuổi, cũng ở TP.Quy Nhơn) đưa ra quan điểm: "Để tổ chức một đám cưới trọn vẹn, thì phải tốn rất nhiều tiền. Đối với thu nhập của tôi hiện tại, muốn lấy vợ chắc phải vay thêm khoảng 100 - 200 triệu đồng mới có thể tổ chức hoành tráng. Điều này chắc sẽ gây ra không ít áp lực cho tôi sau khi kết hôn. Nên sắp tới tôi chỉ làm đám cưới đơn giản, tiết kiệm để có tiền lo những chuyện khác sau khi kết hôn".

Mặc dù có những ý kiến trái chiều nhau về việc nên tổ chức đám cưới thật hoành tráng hay tiết kiệm, nhưng phần lớn người trẻ đều cho rằng nên tinh giảm các thủ tục xa xưa, không cần thiết. Vì như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều công sức, tiền bạc khi tổ chức đám cưới.

Còn về chương trình đám cưới, nhiều người đồng ý với quan điểm nên tổ chức gọn nhẹ nhưng trang trọng, để tiết kiệm thời gian, công sức không chỉ của gia chủ mà còn của khách mời. "Đám cưới của các con tôi cũng có hát hò, nhưng thời gian hơn 30 phút ban đầu chỉ mở nhạc nhẹ để thực khách trò chuyện", nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh (Quảng Ngãi) cho biết.

Áp lực cõng củi cưới chồng

Tại Kon Tum, phong tục cõng củi cưới chồng đã có từ lâu trong đời sống của người dân tộc Giẻ - Triêng. Không chỉ là sính lễ về nhà chồng, củi hứa hôn còn là thước đo sự giỏi giang, khéo léo và tình yêu dành cho chồng của người con gái. Tuy nhiên thời gian gần đây, việc kiếm củi hứa hôn đã trở thành áp lực đối với mỗi cô gái trẻ.

Chị Y Giang (20 tuổi, xã Đăk Dục, H.Ngọc Hồi, Kon Tum) cho biết để lấy chồng, chị và gia đình phải vào rừng chặt những cây củi bằng nhau, rồi chẻ củi thật đều, bó lại, cõng về nhà. Những bó củi này sẽ là lễ vật chị mang tặng nhà chồng vào ngày cưới. Trước hôm cưới 2 ngày, chị nhờ anh em, bạn bè đưa sang nhà chồng. Việc chuẩn bị một khối lượng củi lớn trong thời gian ngắn khiến các cô gái và gia đình tốn nhiều công sức, tiền bạc.

Số củi theo quy ước truyền thống là 20 bó nhưng sau này, quy ước về số lượng củi đã bị phá bỏ, nhiều nhà trai thách cưới nhà gái từ vài chục lên đến vài trăm bó củi, đã gây ra tác động xấu về nhiều mặt. Trong đó, sự cố gắng đạt được số lượng củi lớn làm mất nhiều thời gian, lo nghĩ, tính toán, sức khỏe không những của riêng cô gái và cả người thân, mà còn gây tác động xấu đến diện tích rừng và phí phạm tài nguyên.

Mùa cưới, mùa đi đám cưới thời 4.0 vui bao nhiêu: Để khách không cảm thấy bị 'tra tấn'...- Ảnh 3.

Người con gái phải cõng đủ số củi trước khi cưới chồng

ĐỨC NHẬT

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, phong tục củi hứa hôn là một phong tục tốt đẹp, giàu tính văn hóa, thể hiện phẩm chất chịu thương chịu khó của phụ nữ nên sở đã tham mưu đề nghị UBND tỉnh không xóa bỏ tập quán này mà thay vào đó là tuyên truyền, vận động người dân hạn chế số lượng bó củi, tận dụng cây gỗ do gia đình trồng như cây bời lời, bạch đàn… cũng như hạn chế việc giết mổ vật nuôi nhằm ổn định kinh tế gia đình. "Chỉ cần vài bó củi đẹp mang tính giữ phong, thủ lễ là được", ông Bình nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.