Mưa giảm, nắng nóng trở lại

Chí Nhân
Chí Nhân
06/08/2024 06:21 GMT+7

Hôm qua 5.8, sương mù bất ngờ xuất hiện ở miền Tây, Nam bộ mưa nhưng không khí ngột ngạt... Những hình thái gây mưa đang suy yếu, thời tiết nắng nóng phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước.

Nam bộ nắng nóng vì hạn bà chằn

Ngày 5.8, nhiều người ở TP.HCM cảm thấy bất ngờ vì nắng nóng chói chang giữa mùa mưa. Chị Nguyễn Ngọc An, ngụ Q.Bình Thạnh, kể: Mấy hôm trước thấy mưa lớn gây ngập nhiều nơi, nhưng sáng nay có việc phải di chuyển đến TP.Thủ Đức thì lại hứng phải một ngày nắng nóng. Lúc chị Ngọc An xuất phát dù mới gần 9 giờ sáng, trời trong làm cho ánh nắng thêm chói chang. Đến trưa khi chị xong việc trở về thì nắng gay gắt không khác gì đợt cao điểm nắng nóng hồi đầu năm. "Những ngày qua, cứ lúc nào có mưa thì không khí dịu mát; còn lại thì cơ bản vẫn khá nóng, đặc biệt là mấy ngày gần đây trời có vẻ nóng hơn bình thường, không khí rất khác mùa mưa trước đây", chị Ngọc An chia sẻ.

Mưa giảm, nắng nóng trở lại- Ảnh 1.

Người dân TP.HCM và nhiều nơi trên cả nước đang trải qua những ngày nắng nóng

NHẬT THỊNH

Dù giữa mùa mưa nhưng nhiều người cảm thấy nóng vì những ngày qua nhiệt độ khá cao. Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong ngày 3 - 4.8, nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh miền Đông phổ biến 31,3 - 35 độ C. Riêng tại TP.HCM, nhiệt độ cao nhất ngày là 32 độ C, còn các tỉnh miền Tây nhiệt độ cao nhất từ 30,1 - 34,2 độ C. Thời tiết phổ biến ngày nắng gián đoạn, chiều có mưa rào và giông rải rác.

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, giải thích: Những ngày gần đây vẫn có mưa lớn cục bộ, nhưng về cơ bản trên toàn khu vực thì lượng mưa giảm và diện cũng thu hẹp. Nguyên nhân là do những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 xảy ra "hạn bà chằn" cường độ nhẹ. "Hạn bà chằn" là thuật ngữ dân gian chỉ hiện tượng nắng nóng xuất hiện giữa mùa mưa. Ngoài hiện tượng này thì cường độ gió mùa tây nam yếu khiến mưa xuất hiện ít hơn. Tuy nhiên do đang trong mùa mưa, độ ẩm trong không khí cao, khi nắng nóng xuất hiện sẽ dễ hình thành các trận mưa giông, sét, gió giật mạnh và mưa lớn cục bộ. Người dân cần hết sức đề phòng những rủi ro do thời tiết.

Khoảng ngày 10.8, phía đông bắc của Philippines có khả năng xuất hiện bão. Dù ít có khả năng ảnh hưởng đến nước ta nhưng bão sẽ tạo điều kiện để gió mùa tây nam hoạt động mạnh lên khiến lượng mưa tăng trở lại. Khoảng giữa tháng 8, dải hội tụ nhiệt đới xuất hiện trở lại và có khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới hoặc bão trên Biển Đông, giai đoạn này mưa trở lại mức trung bình nhiều năm. Đến cuối tháng 8, dải hội tụ nhiệt đới lại suy yếu khiến mưa giảm trở lại. Nam bộ sẽ bước vào giai đoạn cao điểm nhất của mùa mưa trong tháng 9 - 10.

Miền Bắc, miền Trung sắp nắng nóng gay gắt

Đang trải qua mưa bão kéo dài nhưng theo cơ quan khí tượng, ở phía bắc, rãnh thấp có trục ngang qua khu vực Bắc bộ và phía nam Trung Quốc đang suy yếu và dịch chuyển nhẹ về phía bắc. Chính vì vậy, trong những ngày tới phía bắc mưa giảm; trong khi đó áp thấp nóng phía tây lấn sang làm cho khu vực này xuất hiện nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, các tỉnh miền Bắc và miền Trung đang bước vào đợt nắng nóng kéo dài đến ngày 10.8, với nhiệt độ cao nhất khoảng 37 độ C. Nhiệt độ thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2 - 4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.

Theo bà Xuân Lan, rãnh thấp ở phía bắc sau đó phát triển trở lại tiếp tục gây mưa cho các tỉnh phía bắc nước ta. Mùa mưa ở miền Bắc còn tiếp tục kéo dài đến hết tháng 9, và đến đầu tháng 10 khi các đợt không khí lạnh từ phía bắc tràn về thì mùa mưa kết thúc. Trong khi đó, miền Trung sẽ còn đón từ 2 - 3 đợt nắng nóng trong tháng 8. Do tác động của La Nina nên cường độ nắng nóng sẽ không cao, mỗi đợt chỉ kéo dài từ 2 - 4 ngày. Từ tháng 9, Trung bộ sẽ bước vào mùa mưa; giai đoạn này cũng là cao điểm của mùa bão ở VN. Những cơn bão thường ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung và gây mưa lớn cho cả Nam bộ.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết từ nay đến tháng 10 có khả năng xuất hiện khoảng 6 - 8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; trong đó có khoảng 2 - 4 cơn đổ bộ vào đất liền nước ta (trung bình nhiều năm khoảng 3 cơn). Cần đề phòng khả năng bão hình thành ngay trên khu vực Biển Đông. Trên phạm vi cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C.

Bất ngờ xuất hiện sương mù ở miền Tây

Trong ngày 5.8, ở một số tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Bến Tre xuất hiện sương mù dày đặc vào sáng sớm. Sương mù kéo dài đến khoảng 8 giờ sáng, khi nắng lên mới tan. Các chuyên gia cho biết, đây là hiện tượng sương mù bức xạ do độ ẩm trong không khí cao cộng với chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao gây nên. Hiện tượng sương mù bức xạ chỉ là cục bộ và khá bình thường và có thể xuất hiện trong một vài ngày. Khi nắng lên, nhiệt độ tăng thì sương sẽ tan.

Trái đất đang ấm lên 13 tháng liên tiếp

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, đã 13 tháng liên tiếp ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ trung bình hằng tháng cao hơn so với trung bình những năm trước. Các đợt nắng nóng dữ dội lan rộng đã tấn công khắp các quốc gia ở nhiều châu lục. Hàng chục địa điểm khác đã chứng kiến nhiệt độ ban ngày cao nhất trên 40 độ C và nhiệt độ ban đêm thấp nhất ở mức nguy hiểm. Hàng chục nơi trên thế giới ghi nhận mức nhiệt độ lên tới 50 độ C.

Bà Celeste Saulo, Tổng thư ký WMO, cho biết trái đất của chúng ta đang phải hứng chịu "cơn sốt cao chưa từng có". Ngoài việc nhiệt độ trung bình hằng tháng tăng liên tục 13 tháng so với cùng kỳ năm trước, chúng ta cũng ghi nhận 3 ngày liên tiếp trong tháng 7.2024 nhiệt độ trung bình ngày toàn cầu cao nhất lịch sử. Đặc biệt nhất là ngày 22.7 trở thành ngày ấm nhất lịch sử khi nhiệt độ trung bình toàn cầu hằng ngày đạt mức 17,16 độ C - con số cao kỷ lục được ghi nhận từ năm 1940 đến nay.

Để giải quyết tình trạng nhiệt độ ngày càng trở nên cực đoan, WMO kêu gọi hạn chế nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C bằng cách loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, tăng quy mô đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.