Giám đốc Saigon Morin hiện nay là một người còn khá trẻ và lịch lãm, anh Trần Văn Lâm (quê Tây Ninh) được Saigon Tourist “biệt phái” ra Huế đã 3 năm, nói rằng mùa chớm hạ ở đây, trong khu vườn ở khuôn viên khách sạn vẫn râm mát. “Sóc vẫn chạy nhảy, chuyền cành và xuống lượm thức ăn, rất thân thiện với du khách. Chúng gần gũi và trở nên quen thuộc lắm”, anh Trần Văn Lâm cho biết. Quả thật, đó đây trên những tàng cây bàng, cây si đã được trồng 122 năm qua mà ban giám đốc cho treo biển đề gắn ở dưới gốc, chúng tôi thấy những chú sóc cứ vô tư chạy nhảy, chim chóc hót líu lo.
Hình ảnh khách sạn Morin những năm đầu thế kỷ 20 |
T.T.B chụp lại từ cuộc Triển lãm 121 năm khách sạn Saigon Morin |
Buổi sáng, gió tự đâu miệt cửa Thuận thổi về, lồng cuộn ngoài dòng Hương thơ mộng lùa vào, nối trục dọc cầu Trường Tiền theo đường Hùng Vương thoảng qua vi vút. Bên kia đường, ngôi trường Đại học sư phạm Huế với hai tòa nhà có thiết kế chữ Y rất độc đáo của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, tọa lạc ở đây từ năm 1957, nơi tôi từng theo học giữa những năm thập niên 1980, khiến tôi miên man nhớ về bao kỷ niệm, xen lẫn vào trong đó là bóng dáng thời gian của những công trình thuở xa xưa của Huế, khi xem hình ảnh của triển lãm 121 năm khách sạn Saigon Morin, được treo dọc theo hành lang lúc đi dạo loanh quanh buổi sáng, để ra dưới bóng cây của cà phê sân vườn.
Hồi ấy, địa chỉ 22 phố Trương Định, cũng là trụ sở Tổng hội sinh viên Huế, là nơi đám sinh viên Huế thường ghé, đàm đạo những câu chuyện về văn chương, học thuật ngoài giờ lên giảng đường. Huế thời bao cấp, túng thiếu và lam lũ. Chúng tôi ngồi ở ngôi quán có địa chỉ lịch sử của phong trào sinh viên miền Trung, thường í ới gọi nhau nôm na là “cà phê tổng hội bây ơi” mỗi khi có chút tiền rủng rỉnh trong túi. Quán nằm ở mặt sau của Saigon Morin bây giờ, vì thế chốc chốc lại nhìn vào bức tường trắng và kiến trúc thanh nhã của khách sạn, ao ước một lần được đặt chân vào. Biết là cổ xưa, biết rằng bước vào đó là nghe và thấy in hình bóng dáng những dấu chân một thuở từ đầu thế kỷ 20, song cũng chỉ là ao ước mà thôi!
Ông H. Bogaert, người chủ đầu tiên của khách sạn Morin, năm 1906 chuyển nhượng cho anh em nhà Morin |
T.T.B chụp lại từ cuộc Triển lãm 121 năm khách sạn Saigon Morin |
Hình 5 anh em nhà Morin (ảnh trên) và dưới là chân dung 4 anh em, thứ tự từ trên xuống: Wiadimir Morin, Emi le Morin và 2 người con gái út |
T.T.B chụp lại từ cuộc Triển lãm 121 năm khách sạn Saigon Morin |
Tầng gác trên cùng của khách sạn Saigon Morin |
T.T.B |
Khi nhìn vào bức ảnh Saigon Morin được xây dựng trong năm đầu tiên của thế kỷ 20, ấy là 1901, ai hay rằng bóng những chiếc xe ngựa, xe tay đưa đón khách giữa khu vực tiền sảnh khách sạn thuở ấy được chụp lại và lưu giữ đến bây giờ, đó là hình ảnh của một khách sạn hiện diện ngay giữa một xứ thơ mộng vào hàng bậc nhất phương Đông. Và lướt qua ánh mắt tôi là những nhân vật đã khai sinh hoặc điều hành khách sạn hơn 100 trước. Lúc ấy, bỗng có cảm thức thời gian như bay bổng, một thoáng treo hồn tôi lơ lửng giữa những mái vòm của những dãy phòng khách sạn.
Ở khu vực cà phê sân vườn, khi thấy tôi hướng ánh mắt về những vị khách lớn tuổi ngoại quốc, giám đốc Trần Văn Lâm cho biết: “Bây giờ, sau dịch Covid-19, du khách nước ngoài đã đến lai rai. Họ đến Huế và chọn Saigon Morin làm nơi nghỉ ngơi trong những ngày viếng thăm lăng tẩm, đền đài và danh thắng Huế”. Trả lời câu hỏi “còn trước dịch thì sao?”, anh nói: “Giai đoạn trước dịch Covid-19, khoảng 80% khách của Saigon Morin là du khách nước ngoài, đa phần là người châu Âu”.
Ban giám đốc và nhân viên khách sạn Morin năm 1950 |
T.T.B chụp lại từ cuộc Triển lãm 121 năm khách sạn Saigon Morin |
Một góc hành lang hồ bơi khách sạn Saigon Morin, phía sau là dây trầu xanh |
T.T.B |
… Bước lên phòng, mở toang cửa nhìn ra hướng cầu Trường Tiền, dòng Hương êm đềm trôi và người qua kẻ lại dưới những nhịp thép thanh thoát của chiếc cầu, vốn là những vật liệu vô cùng nổi tiếng, đã từng cùng chung xưởng sản xuất của công ty Eiffel (Pháp), để xây dựng nên tháp Eiffel huyền thoại, tôi cứ bâng khuâng. Lại vào thang máy, bước trở xuống dưới hành lang, và ghi thêm vào chiếc điện thoại của mình hình ảnh của mấy anh em nhà Morin. Cạnh đó, tôi cũng không quên nhìn lại hình ảnh với mặt cương nghị có chòm râu bạc dưới cằm của người chủ đầu tiên của khách sạn vào thập niên đầu của thế kỷ 20, ông H. Bogaert. Tâm tưởng cứ hình dung biết bao vị khách là ông tây, bà đầm tự trời Âu xa xôi ngày ấy đã từng đến ở nơi này, trong hành trình dài qua vùng Viễn Đông, với chất chứa nhiều tham vọng mở rộng, xây dựng và khai thác thuộc địa. Họ đã từng ngồi trên những chiếc ghế dưới bóng gốc bàng huyền thoại mà tôi vừa ghi lại mấy bức hình, để đàm đạo và uống tách trà chiều. Trong đó, có lẽ không thiếu đề tài với những người chủ tòa nhà về những chuyện ăn ở tại khách sạn Morin, mỗi khi họ đến với xứ thần kinh mộng mơ du lãm…
Bức phù điêu phía hành lang hồ bơi khách sạn Saigon Morin |
T.T.B |
Hai cây có tuổi đời trên 100 năm ở khuôn viên cà phê sân vườn khách sạn Saigon Morin |
T.T.B |
Phiến đá có hình cây bàng với bức ảnh ghi chú cây này trồng 122 năm trước, được đặt dưới gốc bàng cổ thụ |
T.T.B |
Dốc cầu Trường Tiền bờ Nam sông Hương, nhìn từ lầu 2 khách sạn Saigon Morin |
T.T.B |
Huế mùa hạ 2022
Tọa lạc tại một vị trí tuyệt vời nhất của cố đô Huế, với bốn mặt tiền thuộc các giao lộ Lê Lợi - Hùng Vương, Hoàng Hoa Thám - Trương Định, bên cạnh cầu Trường Tiền và dòng Hương Giang thơ mộng, khách sạn Saigon Morin được công nhận là Top 5 khách sạn cổ nhất Việt Nam, nổi tiếng với phong cách kiến trúc Pháp với 180 phòng lưu trú, những tiện nghi sang trọng và các dịch vụ cao cấp. Đã từng đón nhiều chính khách nổi tiếng, và đặc biệt tháng 4.1936, diễn viên hài nổi tiếng thế giới Charlie Chaplin (vua hề Sác-lô) và vợ đã ở lại tại căn phòng số 111 của khách sạn này, sau khi ông phát hành bộ phim Modern Times (Thời đại tân kỳ) và có cuộc hành trình qua các quốc gia Viễn Đông. Được xây dựng từ năm 1901, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm và tái thiết, khách sạn Saigon Morin không chỉ được biết đến là khách sạn đầu tiên của miền Trung mà còn là biểu tượng lịch sử của du lịch Huế và du lịch Việt Nam.
Bình luận (0)