Tôi ghẹo chị:
- Hèn gì nhà Sáu năm nào cũng có lịch Kim Hoàng ngoài chợ tặng, giỏi thiệt nha!
Sáu nói đó là Sáu chỉ nuôi dưới trăm con vịt còn mấy nhà đủ vợ đủ chồng mà đào vuông nuôi tôm thì còn dữ, một năm 4, 5 cây là có chắc trong tay.
Cuộc sống của người dân miệt thứ đầy dung dị, giản đơn |
công hân |
Tôi đi cùng chị ra mé sông hái rau về trưa làm cái lẩu mắm, lần này tôi quyết học cho thuộc tên các loài rau:
Rau đọt choại cọng quăn tít trượt lên trên mặt nước ăn nhai giòn rụm, rau diệu xanh mướt, rau dừa non tơ kẹp với miếng bún rồi chấm với nước mắm cá lóc đã lượt sạch xương nấu keo lại thì nó ngon không tả nổi.
Sáng ra giở lợp (giống như cái lờ) thì cá sặc và cá bống dừa bắn tanh tách đem về rửa nước muối đậm rồi để ráo chiên xù thì không gì ngon bằng!
Ngày càng tân tiến hơn, người ta dùng lú (lưới gập) đặt theo chiều nước, tôm tép, cá đồng đủ loại cứ thế chui vào tha hồ mà giũ rồi gấp lại mang về không phải dùng lưới mành giăng như ngày trước, lưới rách mất công vá.
Sáng nay chị Hai bên nhà làm một tô ba khía bưng sang, chị Sáu không cho ăn liền mà kêu tôi đâm hai trái ớt, nửa củ tỏi, hai muỗng đường cho nát, chị rửa sơ ba khía bằng nước ấm rồi tách càng ra để ráo xong chị trộn hết cái cối vừa đâm vô rồi e hèm:
- Khoan ăn nha, để xế ăn với cục cơm nguội mới số dách!
Chị Sáu người gốc Hoa xưa nên chị nói chuyện nghe vui tai lắm. Chị nói ngày mai sẽ cho tôi ăn trái bần với mắm sống cá rô như lời đã hứa:
- Cưng ăn đi rồi biết vị chát của bần quyện với hương con mắm làm tâm tư như lạc vào cõi mê!
Tôi cười:
- Làm gì mà nói quá!
Chị cười giòn tan: “Để rồi xem!”
Chị kể hồi đó có anh tư Hồ người bên U Minh Thượng mua bán trên nhánh sông này, mỗi lần vơi hàng trên xuồng anh đều ghé nhà chị xin miếng nước, sau thời gian bén ngõ anh mạnh dạn đem biếu cha chị gói trà đọt ướp sen còn thì tặng chị tấm lụa hoa, sau nữa thì anh xin ăn nhờ một vài bữa cơm và ngủ đậu ngoài hiên... Người miền Tây tánh tình phóng khoáng nên không hề e ngại khi tiếp người không thân thiết. Anh hiền lắm chỉ nhìn chị trìu mến mà không nói nửa lời cho đến khi tự dưng bẵng một thời gian không thấy anh tới thì lòng chị đã bắt đầu vương vấn...
Người miền Tây tình cảm ướt át, đàn ông mà đã yêu thì mần hết việc của đàn bà, chị không được cái phước ấy vì tư Hồ đã đi chiến trường Tây Nam và biệt tích rồi!
Chị ở vậy vì chạnh lòng với mối tình đầu đơn sơ, mình ên sống trong căn nhà cũ của cha để lại, lấy sông nước cỏ cây mà vui...
Năm chị 35 tuổi xuân còn xanh thắm có anh lái chiếc vỏ lãi dọc ngang đề một bảng hiệu bằng ba chữ viết nguệch ngoạc trên một nhánh cây: thổi đất thuê. Không biết đi qua đi lại thấy nhà chị trũng xuống hay sao mà tự dưng anh ghé vào, trước cũng “xin miếng nước” rồi hỏi năm câu ba sợi bâng quơ về đời tư của chị...
Tuần sau anh bảo: “Để tui thổi cho cô vài tấn đất, nếu cô cảm thấy vui lòng”.
Thổi đất là từ nghe rất lạ nếu chúng ta không tận mắt chứng kiến. Sẽ có một cái mô-tơ công suất lớn hút đất từ sông lên và tuôn vào nơi mà người thuê yêu cầu một lượng đất cần thiết, nhìn đất tuôn ra từ cửa miệng cái ống bằng sắt giống như lúa tuôn ra từ cái họng máy gặt. Tôi hết thắc mắc vì vừa rồi đã đứng nhìn say sưa chủ thổi họ làm.
Rồi không biết duyên phận thế nào anh thổi đất cũng một đi không trở lại, lần này chị Sáu buồn man mác mỗi khi chiều về nghe tiếng con chim trời nó kêu xa vắng.
Và lần này coi như duyên tận, chị quyết ở vậy mình ên cho lòng nhẹ như con nước.
Sáng nay chị nhờ tôi qua cồn cao hái dưa chuột về mần chua, cứ hai ký dưa thì cho chừng nửa chén muối, một phần tư đường nấu lít nước để nguội rồi nhận dưa vào cái ú sành đợi chừng 7 ngày giở ra, trái dưa vàng ươm thơm lựng là có thể trộn xổi chút xíu mắm ớt tỏi rồi ăn nó giòn rụm, vị chua ngọt đã đời!
Xế tới chị giũ chiếc chiếu thước tư tầm đủ 6 người quay quanh, chị cầm cái hộp vuông vức, nhẹ nhàng nhón bộ bài tứ sắc rồi chia rẹt rẹt... Cô Tư, bà Tám, dì Hai cứ thế mà pháo xe xanh đỏ, tướng tốt thắng thua cũng chừng mươi bạc lẻ.
Chị Hường khỏe re nhấn nhá:
- Hôm nay chơi tới bờ luôn chứ ông tui ổng đi Sài Gòn rồi chẳng cơm nước mần gì!
Chị Sáu dõng dạc: “Chơi chút cho vui chứ việc nước việc nhà vẹn toàn nha mấy chế!?
Tôi không biết đánh bài chỉ ở vòng ngoài cắt gọt mấy trái ổi giống mới chị trồng ngoài bờ ao cho mọi người ăn rồi “xả bàn”, tán dóc!
Chị nói chút ra sông giũ lú nếu có tép đem về đúc bánh xèo đậu xanh cho tôi ăn.
Quà thật như lời đồn, cái bánh xèo đổ trên chiếc chảo gang to chị cho nắm giá, vài cọng củ sắn xắt nhỏ, ít mỡ heo cắt hạt lựu, chị dội nắm tôm vào đảo qua thật nhanh rồi cho vá bột tráng đều, đậy nắp đến khi vàng cạnh là ô-kê.
Trăng miệt thứ vắt ngang ngọn dừa, gió miệt thứ mát dịu thổi vào vách lá, len vào chiếc bàn nhỏ tôi và chị đang cạn chén rượu gạo kể tiếp chuyện phận duyên. Đàn bà, con gái miệt thứ cũng biết chút tửu lượng cho hồng thêm đôi má, giọng ca cũng ngọt ngào hơn như trái chín ngoài vườn...
Tôi ở miệt thứ 10 ngày mà lên 2 ký lô, dạ mặt căng bóng sắp thành gái miền Tây chánh hiệu.
Ngày nữa tôi và chị sẽ đi theo chiếc vỏ lãi của chú tư Điệp vào cuối con kênh, nơi này nước đang xuống tha hồ mà hái rau hẹ đem ra chợ bày bán vào dịp cuối tuần.
Nói thêm về ngôi mộ sau vườn nhà của cha mẹ, chị Sáu rưng rưng:
- Đi ra đi vào tiện chăm sóc chu đáo, đất vườn rộng chôn chỗ xa thương lắm!
Thế nên tôi nhìn thấy đa số người ta chôn người thân trong vườn, mộ phần khang trang như một căn nhà nhỏ, ngày giỗ anh em xúm lại quét dọn rồi ngồi nơi khoảng sân rộng mà đờn ca tài tử, chén chú chén anh.
Miệt thứ như một miền nhớ gói trọn trong ký ức của tôi.
Tôi yêu con người chân thật nơi này - thương những câu chuyện buồn vui của chị Sáu hay sinh hoạt hàng ngày của bà con, từng cành rau vượt nước vươn ngọn, từng món ăn mang đậm vùng miền khi ăn một lần là nhớ mãi.
Xẻo Kè yên bình, dòng chảy con kênh bao đời nuôi sống người dân mộc mạc, chỉ cần tay với cần câu thì có ngay con cá trên bếp than hồng hay thoắt một cái sau vườn sẽ “đầy nhóc” dưa rau xanh mướt.
Tôi sẽ trở lại nơi này một ngày không xa để nhìn Xẻo Kè ngày càng tươi mới, để được chị Sáu cho tôi những trải nghiệm về ẩm thực và biết thêm nhiều hơn nữa cuộc sống của người dân miệt thứ đầy dung dị, giản đơn.
Bình luận (0)