Bộ An ninh nội địa Mỹ phát hiện virus dưới dạng những giọt bắn phát triển mạnh trong điều kiện khô ráo, ở trong không khí lẫn bám trên bề mặt, nhưng sẽ mờ dần dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp.
“Virus chết nhanh khi có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp”, Bill Bryan, một quan chức cấp cao của Bộ An ninh nội địa Mỹ, cho biết.
Mặc dù ánh sáng mặt trời không phải là thuốc chữa Covid-19 nhưng lại có những lợi ích khác cho tâm trí và cơ thể trong giai đoạn nhiều nơi trên thế giới vẫn còn áp dụng cách ly xã hội để phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2. Tờ Daily Mail ngày 28.4 dẫn lời một chuyên gia y tế Úc thông tin rằng, ra ngoài nắng 10 phút mỗi ngày có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc Covid-19.
Tiến sĩ Rachel Neale, nhà nghiên cứu ung thư da thuộc ĐH Queensland (Úc), cho biết một lượng vitamin D thấp mà da tạo ra khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ làm tổn thương virus. Ngoài ra, những người thiếu vitamin D có nhiều khả năng bị bệnh lâu hơn.
Tuy vậy, theo ông Bill Bryan, “mùa hè” có thể là vũ khí bổ sung cho cuộc chiến chống Covid-19, nhưng không phải là tất cả; sẽ là vô trách nhiệm với bản thân và cộng đồng nếu cho rằng virus tự động bị tiêu diệt hoàn toàn trong thời tiết nóng nực.
Các chuyên gia y tế nhận định, virus lây lan kém trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm cao, nhưng cơ thể mỗi người chỉ có thể kháng được virus khi có hệ miễn dịch khỏe mạnh và nghiêm túc áp dụng các biện pháp y tế, phòng chống hỗ trợ.
Mặt khác, khi thời tiết mùa hè với độ ẩm cao, các khối cầu hơi ẩm (bao bọc virus ngoài môi trường) có xu hướng ít bay hơi, trở nên nặng hơn và bị trọng lực kéo xuống mặt đất, khiến con người có nguy cơ tiếp xúc với virus cao hơn.
Vì thế, các chuyên gia lên tiếng cảnh báo người dân nhất định không nên chủ quan trong mùa hè mà thiếu các biện pháp bảo vệ, phòng chống. Các bác sĩ cho rằng còn quá sớm để mọi người tháo khẩu trang và tắm nắng trên bãi biển.
“Phơi mình dưới ánh nắng mặt trời hoặc nhiệt độ cao không ngăn ngừa virus SARS-CoV-2. Bạn có thể mắc Covid-19 bất kể thời tiết nắng hay nóng như thế nào. Các quốc gia có thời tiết nóng vẫn ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm Covid-19”, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo trên trang web của mình.
Thực tế cho thấy tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 vẫn cao ở những vùng có nhiệt độ cao như Úc, các nước Đông Nam Á và một số bang của Mỹ.
Bình luận (0)