Mùa hoa tết Canh Tý: Cúc kim cương, con bướm xuân... từ nhà vườn miền Tây

29/11/2019 09:12 GMT+7

Chỉ còn hơn 1 tháng rưỡi nữa là đến Tết Canh Tý 2020, nhà vườn miền Tây đang chạy nước rút, hứa hẹn tung ra các loại hoa mới. Đây cũng là thời điểm nghề sửa kiểng vào mùa.

Mai, kiểng tạo hình phong phú cho Tết Canh Tý

Những ngày này, các làng mai ở miền Tây đang chạy nước rút để chuẩn bị hoa bán tết. Ông Lê Văn Ky, Giám đốc HTX mai vàng Phú Hưng (xã Đông Phú, H.Châu Thành, Hậu Giang), cho biết nhà vườn tại đây đang tất bật rửa mai, tạo tán, chỉnh sửa dáng, xử lý cho cây ra hoa đúng dịp tết. Dự kiến, mùa hoa tết này HTX sẽ cho lên chậu hơn 15.000 cây mai vàng loại 8 - 12 cánh. Giá mỗi cây dao động từ 800.000 - 2.000.000 đồng, so với năm trước chỉ cao hơn khoảng 20.000 đồng/cây.
“HTX đang nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách từ nhiều tỉnh, thành với số lượng lớn, hứa hẹn vụ mai tết năm nay rất phấn khởi”, ông Ky nói.

Tại các làng mai lớn ở miền Tây, nhà vườn đang chăm sóc cho cây ra hoa đúng dịp tết Canh Tý

ẢNH: DUY TÂN

Làng mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước, H.Long Hồ, Vĩnh Long) được xem là “thủ phủ” mai ở miền Tây. Ông Lê Văn Tý, Trưởng ban đại diện làng mai vàng Phước Định, cho biết tại đây đã chuẩn bị hơn 5.000 gốc mai. Tuy nhiên, thời tiết năm nay mưa nhiều và kéo dài nên đã có hơn 20% cây nở hoa sớm. Để giải quyết tình trạng này, nhà vườn khắc phục bằng cách cắt bỏ những hoa nở sớm, tỉa cành, đắp gốc để mai ra nụ lại đúng dịp tết.
Về kiểng tạo hình, nghệ nhân Lê Văn Vị (ngụ xã Hưng Khánh Trung B, H.Chợ Lách, Bến Tre), cho biết: “Hàng chục năm nay, tết nào tôi cũng làm kiểng con giáp. Năm Canh Tý này tôi tạo hình kiểng chuột bằng cây si với chiều cao hơn 1m, giá bán từ 2 - 5 triệu đồng/chậu”.

Một nghệ nhân H.Chợ Lách đang tạo hình kiểng chuột từ cây tắc để đưa ra thị trường

ẢNH: DUY TÂN

Ngoài kiểng tạo hình, sản phẩm tắc trái tạo hình cũng được nhiều nhà vườn ở H.Chợ Lách chuẩn bị, giá bán khoảng 4 - 8 triệu đồng/cặp.
Ông Lê Văn Trí (43 tuổi, ngụ xã Hưng Khánh Trung B, H.Chợ Lách) cho biết ngoài kiểng tắc tạo hình, ông còn chuẩn bị tung ra thị trường hàng trăm cây kiểng tắc cổ thụ có tuổi đời trên 20 năm, thân cây cao 2 - 3 m, bề hoành 30 - 50 cm, cây đang giai đoạn cho trái trĩu cành đợi tết. Giá tắc cổ thụ dao động từ 1 - 2,5 triệu đồng/chậu, riêng những chậu tắc có thế độc, lạ thì giá cao hơn.
Còn ông Huỳnh Văn Dũng (50 tuổi, ngụ H.Chợ Lách) dự kiến cung ứng khoảng 1.000 cây táo lùn với giá 3 - 4 triệu đồng/cây. Theo ông Dũng, không chỉ cho trái ngon, táo lùn còn có thể tạo dáng bonsai và được ví là cây tài lộc nên nhiều người sẵn sàng “chi mạnh tay” để sở hữu vào dịp tết.

Nông dân Chợ Lách (Bến Tre) chuẩn bị phân rơm để vô chậu hoa 

ẢNH: DUY TÂN

Tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), tết này các nhà vườn sẽ trình làng hàng trăm giống hoa mới như: hoa hồng ngoại, hồng ri, hoa hồng xanh, cúc tia, cúc đồng tiền mini siêu lùn... Ông Trần Văn Tiếp, Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu tím (TP.Sa Đéc) dự tính cung ứng hơn 100.000 chậu hoa.

Tết này, nông dân làng hoa Sa Đéc sẽ tung ra nhiều hoa giống hoa mới lạ cho mùa hoa Tết Canh Tý

ẢNH: DUY TÂN

“Do năm nay vật tư nông nghiệp lên giá, thời tiết bất thường nên giá hoa sẽ cao hơn năm trước khoảng 10%. Ngoài những giống hoa truyền thống, tôi còn đưa ra thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý những loại hoa mới như: con bướm xuân, violet, cúc kim cương... hứa hẹn thu hút khách”, ông Tiếp chia sẻ.

Nghề sửa kiểng vào mùa

Vào mùa hoa tết, nhiều cơ sở kinh doanh cây kiểng và các chủ vườn thường có nhu cầu tạo các dáng cây “độc, lạ” để níu chân khách hàng nên nghề sửa kiểng ở miền Tây được dịp “hái ra tiền”.
Ông Phạm Hồng Lựu (76 tuổi, ngụ P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), một trong những lão làng trong nghề “làm đẹp” cây kiểng, cho biết giới mê kiểng ở miền Tây sẵn sàng mời thợ sửa kiểng đến tận nhà chăm sóc để có kiểng đẹp chơi tết, đặc biệt là những cây thuộc hàng hiếm. Chi phí cho thợ rất hậu hĩnh, ít nhất từ 300.000 - 500.000 đồng/người/ngày, riêng thợ có “thương hiệu” thì 1 triệu đồng/người/ngày.
“Khi dựng được hình của cây kiểng thì có thể phân bổ được tàn, nhánh của cây sau này. Đi tàn phải cứng, thanh, mềm, dẻo. Người chơi kiểng phải biết được đặc tính, đặc thù của từng loại cây, tìm hiểu kỹ xem tính năng sinh trưởng như thế nào để bứng cây, hạ tàn, do mỗi cây đều có đặc tính riêng”, ông Lựu cho biết.
Theo ông Lựu, cây mai gồm có một số dáng cơ bản như: dáng trực, siêu phong, nghiêng… và để uốn mai phải dựa trên thế có sẵn của cây mai để đi tàn, chi theo đó. Muốn uốn cây, tỉa cành ngoài năng khiếu, am hiểu dáng thế và phải phân định trên cây phần nào âm, phần nào dương để uốn để cây cho có “hồn”, ông nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.