Mùa lễ hội, dịp để dạy con biết yêu thương và chia sẻ

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
25/12/2019 07:44 GMT+7

'Đêm Giáng sinh, tôi hỏi con gái muốn ba mẹ chở đi đâu chơi, con bảo: con muốn đi mua quà tặng em bé ngồi bán vé số ở ngã tư. Vợ chồng tôi lặng đi. Một niềm vui bé nhỏ len lỏi trong tim chúng tôi'.

Đó là lời kể của chị Nguyễn Thu Hòa, y tá tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, có con gái đang học lớp 4 Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM mới đây. Câu trả lời của con gái đã khiến vợ chồng chị bất ngờ.

Học từ cha mẹ

Chị Hòa kể tiếp: Hằng ngày tôi chở con đi học qua ngã tư gần nhà. Chúng tôi vẫn thường thấy cảnh một bé gái tầm 8 - 9 tuổi bế em nhỏ, trên tay cầm xấp vé số mời chào người qua lại. Nhiều hôm tôi dừng lại mua và nói với con: “Mẹ biết là mẹ không trúng đâu, nhưng mẹ vẫn mua ủng hộ bạn ấy, để bạn ấy có cơm ăn hằng ngày. Nhiều lần tôi không lấy tiền thối. Tôi không nghĩ rằng hình ảnh đó lại khiến con mình bận tâm đến như vậy, cho đến lúc con nói muốn tặng quà Noel cho bé gái. Con bảo: Mẹ vẫn thường mua quà cho bệnh nhân, mua vé số cho các cụ già và em nhỏ đó thôi. Con cũng muốn làm giống mẹ”.
Điều đó khiến chị Hòa xúc động nhận ra những gì mình dạy con về lòng yêu thương và chia sẻ hằng ngày, những việc mà mình làm lại được các con chú ý và ghi nhớ trong đầu. “Đôi lúc tôi vẫn nghĩ là trẻ em thì vô tư, hồn nhiên và hay quên nhưng thực ra không phải. Các con đều hiểu và nhận thức được những gì mà cha mẹ thể hiện trong cuộc sống. Tôi thực sự hạnh phúc vì con mình có lòng thương người như vậy. Và chúng tôi đã cùng nhau đi mua một món quà nhỏ để tặng cô bé bán vé số ở ngã tư”.
Chia sẻ về điều này, chị Trần Thục Quyên (kinh doanh tại TP.HCM) cho biết cha mẹ muốn con học được điều tốt đẹp thì mình phải làm những điều tốt đẹp đó trước. Chị luôn dạy con những bài học thông qua những tình huống thường nhật. Như việc chị thường xuyên đi làm từ thiện ở các vùng quê nghèo và không ít lần để các con cùng trải nghiệm niềm vui của người mang đến niềm vui cho người khác. Chị Quyên còn nhận một bé gái bị bại não ở Tây nguyên về nuôi. Cả 3 cô con gái chị Quyên đều đón nhận và yêu thương bé như em ruột của mình. “Điều tôi mong muốn nhất là khi con cái lớn lên, các con sẽ là những người sống vui vẻ, nhân ái và tử tế với mọi người”, chị Quyên chia sẻ.

Những bài học từ trường lớp

Cô Trần Thùy Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/1, Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết: “Lòng yêu thương và chia sẻ rất cần trong cuộc sống. Đó là một phẩm chất tốt đẹp mà chúng ta cần hướng đến cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Tại chương trình lớp 4 có nội dung chủ điểm “thương người như thể thương thân”, các bé được học trong vòng 3 - 4 tuần về chủ đề này thông qua các bài tập đọc, luyện từ, câu và bài tập làm văn. Những nhân vật như Dế Mèn trong tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký (tác giả Tô Hoài), cậu bé trong tác phẩm Người ăn xin, câu chuyện Sự tích hồ Ba Bể... đều có tấm lòng yêu thương, quan tâm giúp đỡ người khác. Làm điều tốt đẹp thì sẽ được nhận lại sự yêu thương và tốt đẹp. Thông qua những bài học đó, giáo viên hướng các con nhận biết lòng nhân hậu là gì, những hành động, lời nói, cử chỉ yêu thương, chia sẻ sẽ được thể hiện như thế nào”.
Theo cô Trần Thùy Linh, từ những ví dụ gần gũi nhất, giản đơn nhất, giáo viên sẽ cho học sinh liên hệ ra thực tế. Chẳng hạn như đi trong sân trường thấy bạn bị vấp té thì giúp bạn đứng dậy, trong lớp học nếu bạn quên bút thì cho bạn mượn bút... “Các bé cũng được làm bài tập làm văn về lòng nhân hậu để trải nghiệm sự quan sát, cảm nhận hằng ngày của mình.
Tôi rất muốn lòng nhân hậu, sự yêu thương chia sẻ được lan tỏa, thấm sâu vào tâm hồn của học sinh thông qua những điều như thế”, cô Linh bày tỏ.
Tiến sĩ xã hội học - thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện tại TP.HCM, cho rằng muốn trẻ có được phẩm chất yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh, thì có 3 điều quan trọng mà người lớn nên thực hiện. “Trước tiên, ba mẹ phải có lòng yêu thương trẻ và yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh, như một tấm gương để con nhìn vào. Điều đó phải được thể hiện bằng hành động, lời nói hằng ngày. Có thể đơn giản chỉ là giúp một người hàng xóm khi họ gặp khó khăn, chia sẻ một món ăn ngon cho hàng xóm. Hay người cha biết quan tâm, lắng nghe, an ủi mỗi khi người mẹ gặp rắc rối trong công việc, hoặc cha mẹ quan tâm lắng nghe con cái…”.
Điều tiếp theo mà tiến sĩ Thúy mong muốn cha mẹ làm, đó là luôn khích lệ, động viên, tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm, thể hiện sự yêu thương, chia sẻ của mình. “Chẳng hạn ra đường, nếu thấy một cụ già bán vé số, hãy đưa tiền để con tự đến mua vé số hoặc để con tự mang đồ, tiền biếu cho bà cụ. Có món đồ chơi thú vị, hãy khuyến khích con rủ bạn cùng chơi hoặc cho bạn mượn. Hoặc nếu đi làm từ thiện, có thể cho con đi cùng để con cảm nhận được sự khó khăn của người khác và trực tiếp giúp đỡ họ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.