Trầm cảm, sống trong sự tự ti, lệch lạc trong tâm lý và nhận thức… là những biểu hiện của người trẻ khi có xung đột, mâu thuẫn với cha mẹ do bị cha mẹ áp đặt về lối sống, học tập, chọn nghề, chọn người yêu…
Trầm cảm vì bị so sánh
Tiến sĩ Phạm Thí Thúy, chuyên gia đào tạo kỹ năng và tham vấn tâm lý thường xuyên tiếp nhận những ca tham vấn mà trong đó, con cái do mâu thuẫn với cha mẹ đã trở nên trầm cảm, thậm chí không còn muốn về nhà, không muốn gọi tiếng “ba”.
“Tôi vừa trò chuyện với một em sinh viên năm 2. Cô bé đã khóc với tôi nửa tiếng đồng hồ. Thời gian gần đây, em mâu thuẫn với bố nên không còn tâm trạng, không thể tiếp thu bài học. Em luôn cảm thấy ức chế, suy sụp tinh thần khi nhắc đến bố, không thể làm tốt được việc gì. Đây là dấu hiệu em đang rơi vào trạng thái trầm cảm. Sau khi chia sẻ, tôi được biết lý do là vì bố em thường xuyên lấy hình ảnh cô chị họ học giỏi ra để gây áp lực, muốn con mình cũng phải giỏi giang như cô chị họ. Cô bé này đã không thể chịu nổi, đến mức buông ra những lời thậm tệ về bố mình, em không muốn gọi người sinh ra mình là 'bố' nữa, em không muốn có một người cha như vậy”, tiến sĩ Thúy kể lại.
Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp con cái ức chế, giận bố mẹ đến mức trầm cảm chỉ vì bị so sánh mình với người khác, mà chị Thúy thường gặp trong quá trình tham vấn tâm lý của mình. Trong khi đó, chị Nguyễn Thúy Nga (ngụ số 53, Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết có lần cô con gái của chị có hành động bột phát làm chị sững sờ. Đó là tình huống khi chị xem trong group chat phụ huynh, thấy một phụ huynh khoe con mình vừa đạt điểm cao nhất trong một kỳ thi trực tuyến của quận. Chị Nga vô tình thốt lên: “Bạn Lan Anh giỏi quá, cái gì cũng tốt, con nên học tập bạn ấy”. “Ai dè con ném sách vở xuống đất và hét lên: mẹ đi mà nhận Lan Anh làm con của mẹ đi!”, chị Nga cho biết.
Tiến sĩ Thúy lý giải: “Việc so sánh người này với một người kia, với thái độ đề cao người khác, coi thường người này, là một điều tối kỵ. Nhất là ở lứa tuổi mới lớn, các em đang trong quá trình khẳng định bản thân, muốn được nhìn nhận, muốn được tôn trọng. Đối với một đứa trẻ, lấy hình ảnh người khác ra ca ngợi và chê con mình kém cỏi, là một sự xúc phạm rất lớn. Càng so sánh như vậy con càng mất tự tin, và cảm thấy căm ghét, sợ hãi bố mẹ, không muốn cố gắng vì luôn cảm thấy không giỏi bằng 'con nhà người ta'”.
Đừng tước đoạt sở thích, ước mơ của con
Phòng tham vấn tâm lý của Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng thường xuyên tư vấn cho các trường hợp bạn trẻ mâu thuẫn với bố mẹ. Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, trưởng khoa, cho biết: “Tôi từng tham vấn cho một bạn trẻ bị trầm cảm nặng do mâu thuẫn với bố mẹ trong việc chọn ngành nghề. Cậu có thiên hướng về khoa học xã hội nhưng bố mẹ lại bắt học về địa chất để tốt nghiệp sẽ làm trong ngành dầu khí giống như bố cậu. Do sợ bố nên cậu phải chấp nhận học một ngành mà mình không yêu thích, không phải sở trường. Vì thế, suốt thời gian đi học cậu luôn cảm thấy chán nản, không hứng thú. Đến khi tốt nghiệp đi làm, cậu ấy không tìm thấy niềm vui trong công việc, nên luôn luôn dằn vặt, và vì không phải sở trường nên cậu tự thấy mình kém cỏi so với người khác. Nếu như cậu không nhanh chóng thoát khỏi công việc này, dù trễ còn hơn không, thì cả đời cậu sẽ oán hận bố mẹ và sống trong vô nghĩa”.
Tiến sĩ Điệp cho rằng những mâu thuẫn do khác biệt giữa bố mẹ và con cái trong cách sống, cách chọn ngành nghề, chọn người yêu… là rất phổ biến ở Việt Nam. Và thông thường, phụ huynh luôn tìm cách áp đặt, dùng quyền làm bố mẹ để “ép” con phải trở thành con người mà mình muốn, sống theo cách mà mình cho là tốt. Điều đó vô hình trung sẽ đẩy con mình ra xa gia đình vì lứa tuổi các con luôn có những suy nghĩ, hành động phản kháng từ bên trong mà đôi khi bố mẹ không thể nắm bắt.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhìn nhận: “Người lớn có một lăng kính khác, quan điểm và nhìn nhận khác so với trẻ. Đôi khi bố mẹ cứ nghĩ mình làm như vậy là tốt cho con, nên không cần thấu hiểu tâm tư của con mà cứ áp đặt theo ý mình. Đều này rất nguy hiểm. Khi con cái cảm thấy mình không được tôn trọng, mình không có tiếng nói trong chính cuộc sống của mình, thì sẽ phản kháng bằng nhiều hình thức. Có trẻ thì âm ỉ trong lòng, tổn thương tâm lý lâu dài, có trẻ thì phản ứng ồn ào, la hét, chửi bới, có trẻ ngấm ngầm oán giận, rồi có bé thì sợ hãi khi trở về nhà…”.
Ông Hồ Thanh Bình (Viện Khoa học giáo dục VN, Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng có thể những mong muốn con cái phải thế này, nên thế kia là ý tưởng tốt đẹp xuất phát từ tình yêu thương, nhưng phải đúng cách. “Phải có sự khéo léo, tinh tế để định hướng con theo nguyện vọng của mình nhưng phải dựa trên những sở thích, ước mơ của con. Áp đặt mà không tôn trọng con và vô tình phá bỏ giấc mơ của con, sở thích của con, khiến con buồn chán thậm chí trầm cảm”, ông Bình nhận định.
Bình luận (0)