Mùa lễ hội, sực nhớ cụ cử Phan Kế Bính

22/02/2016 21:56 GMT+7

Dường như cả xã hội nước ta, từ dân đến quan, trong Nam ngoài Bắc, các phương tiện báo chí truyền thông… đang sôi sùng sục trong mùa lễ hội.

Dường như cả xã hội nước ta, từ dân đến quan, trong Nam ngoài Bắc, các phương tiện báo chí truyền thông… đang sôi sùng sục trong mùa lễ hội.

Dù lực lượng công an bố trí nhiều vòng bảo vệ vẫn không ngăn được dòng người tràn vào cướp ấn tại lễ khai ấn Đền Trần Nam Định đêm 21.2 - Ảnh: Văn ĐôngDù lực lượng công an bố trí nhiều vòng bảo vệ vẫn không ngăn được dòng người tràn vào cướp ấn tại lễ khai ấn Đền Trần Nam Định đêm 21.2 - Ảnh: Văn Đông
1. Như đã thành lệ, chả biết tự đời nào, cứ đón xuân ăn tết xong là bước tiếp vào cuộc chạy marathon mệt nghỉ với lễ hội. Tháng giêng là tháng ăn chơi, người ta quan niệm vậy nên ra sức chơi bời, nào có nghĩ rằng mỗi thời, mỗi nơi cần phải khác đi. Coi cái sự ăn chơi, đàn đúm, tung tẩy thành cả phong trào, thiết nghĩ lấy làm lo lắm.
Theo một thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) được công bố hồi đầu năm ngoái, cả nước ta mỗi năm có gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ, bao gồm lễ hội cấp quốc gia và lễ hội nơi làng xã, huyện tỉnh. Hình thức cũng khá đa dạng: lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử, lễ hội sinh hoạt, thậm chí cả lễ hội vừa được du nhập từ nước ngoài. Có người nhẩm tính, một năm 365 ngày, vậy bình quân mỗi ngày cõng 22 lễ hội. Quả thật, con số đáng nể, một kỷ lục dạng Guinness mà khó quốc gia nào phá được.
Nhìn vào thực tế, hầu như ai cũng thấy phần lớn lễ hội tập trung, diễn ra dồn dập vào tháng giêng. Cũng có thể do thời xa xưa, điều kiện thời tiết, canh nông khoảng thời gian này phù hợp (ngơi việc đồng áng chẳng hạn) nên phát sinh nhiều lễ hội, cũng có thể nhân tiện đang đà ăn chơi mùa xuân nên làm tới luôn. Cả nước lễ hội, từng vùng lễ hội, hàng tỉnh hàng huyện lễ hội, mỗi thôn làng tưng bừng mở hội, người người nô nức trảy hội. Không tính bằng ngày mà kéo dài cả tháng, thậm chí vài tháng. Một tờ báo vừa đưa tin tỉnh Quảng Ninh đã lần đầu tiên chính thức khai hội xuân Ngọa Vân ở thị xã Đông Triều, sẽ kéo dài suốt 3 tháng và được tổ chức hằng năm. Cũng nên lưu ý rằng Quảng Ninh đã nổi tiếng với lễ hội Yên Tử nơi cách đó không xa, cũng chỉ mở trước lễ hội mới này vài ngày, cùng liên quan đến thiền phái Trúc Lâm và Phật hoàng - Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông.
Một nước tự hào về lịch sử 4.000 năm, văn hóa nông thôn còn đậm đặc, tôn giáo tín ngưỡng phong phú, phong tục được nảy sinh bồi đắp không ngừng, và cả niềm kiêu hãnh tự hào đầy sắc thái địa phương kiểu “con gà hơn nhau tiếng gáy”… thì nhiều lễ hội là đương nhiên. Vấn đề không ở chỗ là nhiều hay ít, mà là cái nào nên, cái nào không nên; tổ chức, quản lý thế nào; duy trì, phát triển hoặc hạn chế ra sao để phù hợp với sự đổi thay của thời đại, của cuộc sống, của tâm lý con người.
Trèo qua hàng rào để tiếp cận khu vực làm lễ khai ấn tại Đền Trần- Ảnh: Văn Đông
2. Điều ai cũng nhận thấy, trong nhiều năm gần đây, cứ vào mùa lễ hội luôn phát sinh tâm trạng lo lắng trong cộng đồng. Dường như niềm vui lễ hội cứ nhạt dần, thay vào đó là sự lo âu, e ngại, kể cả phẫn nộ về những biến tướng của nó. Xô bồ, dung tục, chen lấn, tranh cướp, đánh nhau sứt đầu mẻ trán, hành vi tàn bạo, buôn thần bán thánh, thương mại hóa phong tục… thôi thì đủ cả. Dần dần, người ta không còn thấy lạ hoặc bắt mình phải nhắm mắt bịt tai trước những cảnh kiểu cướp phết vỡ đầu ở Vĩnh Phúc, xô đẩy giành giật “cướp” ấn đền Trần ở Nam Định hoặc Thái Bình, bị “chặt chém” không thương tiếc ở Yên Tử. Người dân đi hành hương, tham gia lễ hội chỉ cốt tìm kiếm niềm vui, sự nhẹ nhõm, thanh thản, an lành, trút đi những trĩu nặng của quá khứ, nhận lấy niềm tin và hy vọng cho tương lai, ai dè gặp phải quá nhiều tai ách từ lễ hội.
Phải nói rõ rằng, có phần trách nhiệm lớn từ chính quyền, từ bộ máy quản lý nhà nước về những mặt trái của lễ hội. Có những lễ hội đã từng tồn tại đời này qua đời khác mang tầm quốc gia, chẳng hạn lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Hùng, lễ hội Yên Tử, lễ hội Bà Chúa Xứ… thì sự quan tâm đặc biệt của nhà nước về nhiều mặt là đúng rồi. Nhưng có những lễ hội chỉ là phong tục tập quán trong phạm vi nhỏ hẹp, địa phương làng xã, đáp ứng nhu cầu tinh thần, văn hóa của địa phương, của cộng đồng nhỏ lại được người ta nâng vống lên, công nhận tầm này nọ, được chính quyền các cấp khai thác triệt để (không loại trừ vừa lấy tiếng, vừa thu ngân sách), dưới danh nghĩa xã hội hóa để bị lợi dụng, hỏi sao không rơi vào tình trạng loạn lễ hội, méo mó, tầm thường.
Dù có 2.000 cảnh sát, công an được điều canh chừng lễ hội đền Trần Nam Định thì cũng không thể nào dẹp được cái đám đông hỗn loạn chỉ nhăm nhăm xô đẩy giành giật cướp cho được mảnh giấy đóng ấn chữ triện kia. Khi người ta thực dụng, người ta còn u mê coi cái giấy ấn ấy như thứ bùa phép, sự đảm bảo cho may mắn, cả công danh sự nghiệp, thăng tiến… thì người ta bất chấp, công an làm sao cản nổi. Lễ hội đền Trần bỗng chốc trở thành cơ hội nghìn năm có một để có thể lấy được chiếc vé may mắn đổi đời, tội gì không đổi. Bạn tôi kể ngày xưa (nói xưa chứ thực ra vài chục năm trước) sống ngay cạnh đền Trần, chả bao giờ phải chứng kiến cảnh hỗn loạn, dẹp người như dẹp giặc bây giờ. Lễ hội mùa xuân đền Trần Nam Định ngày ấy thanh bình, cao khiết làm sao, một phần bởi không ai quan tâm đến cái ấn ấy.
Chợt giật mình khi biết thêm thông tin rằng có một số người, gồm cả quan chức và nhà khoa học, có lẽ thấy tác dụng đẻ ra tiền của ấn đền Trần (Nam Định và Thái Bình) đã định những năm tới tổ chức “phát” ấn nhà Trần ở Hoàng thành Thăng Long, chiếc ấn mà họ khẳng định chắc nình nịch là hàng thật, khai quật được ở Hoàng thành. Chưa cần nói cụ thể thì ai cũng hiểu. Than ôi, hào khí Đông A bị người ta lợi dụng đến thế kia ư.
Trong cơn cuồng lễ hội, cũng cần phải xét trách nhiệm của báo chí truyền thông. Mặc dù những phương tiện thông tin này đã nêu khá nhiều mặt trái của lễ hội lúc nó diễn ra nhưng chính sự tô vẽ về lễ hội, lôi kéo người dân vào cuộc đã khiến cho tình hình lễ hội thêm nhố nhăng, căng thẳng, nhiều tính chất của lễ hội bị biến thái theo chiều ngày càng xấu hơn.
Hỗn loạn, bạo lực và chửi bới lẫn nhau là những gì diễn ra hàng năm trong lễ hội cướp phết ở Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) - Ảnh: Kiều Dương
3. Bất giác, tôi nhớ lại những điều cụ cử Phan Kế Bính viết trong cuốn Việt Nam phong tục. Cuốn sách khảo cứu này ra đời năm 1915, đến nay đã 100 năm có lẻ. Với sự thông tuệ, uyên bác, nỗi niềm tha thiết gắn bó với dân tộc, sự hiểu biết sâu sắc về phong tục nước nhà, những điều cụ cử viết cách nay hơn trăm năm vẫn vô cùng thời sự. Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng những lời gan ruột ấy của bậc cao nhân:
“Xét cái tục hội hè của ta, rước sách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời rất chán chê, tiêu pha rất tốn kém, thực là hại của mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình.
Đã đành mở hội, trước là trọng việc sự thần, sau là cầu vui cho dân, nhưng trọng mà rước sách tế bái lắm thì hóa ra khổ. Hội đến hàng tháng thì chịu làm sao cho được?
Vả lại đã gọi là hội thì trừ ra việc đóng góp việc ăn mặc cũng đã tốn kém nhiều rồi, còn thì ngần nào chơi bời, ngần nào cờ bạc, con em thì bỏ công bỏ việc để ở nhà đi hội, vậy thì chẳng những vô ích, mà lại hại thêm cho làng nữa.
Xưa nay chỉ mấy người hào trưởng trong làng là sính mở hội, vì họ có nhiều món lợi riêng, như mở tổ tôm điếm, bài phu điếm, hoặc gá bạc đế lấy hồ v.v... Họ mượn tiếng sự thần mà kỳ thực là cầu tư lợi. Mà khốn nạn cho dân đàn em lại phần nhiều là ngu xuẩn, động nói đến việc sự thần thì không ai dám gàn trở gì nữa, dẫu khổ cực thế nào cũng phải nhắm mắt mà chịu. Nếu ai gàn trở thì sợ thần quật chết tươi. Mà thần chẳng quật thì bọn hào trưởng cũng quật, tội nghiệp!
Trong cuộc hội hè của ta, lại lắm lúc tục rất dã man nực cười: Trước mặt thiên hạ mà cởi trần đóng khố để vào đánh vật, sao mà thô tục làm vậy? Lại có một việc rất nực cười và rất là bêu nhuốc dân phong, như làng nọ thờ dâm thần, cứ đến ngày rã đám thì buổi tối tế một tuần, trong khi đang tế tắt hết đèn nến, đình miếu tối mù, rồi đàn bà đàn ông, bất cứ ai, đùa lẫn nhau một lát, có câu tục ngữ rằng: Bơi Đăm, rước Dá, hội Thầy/Vui thì vui vậy chẳng tầy Dã La. Cái vui ấy thực là cái vui mạt!
Thiết tưởng nơi nào có những tục thô bỉ, cuộc nào tỏ những cách đê tiện thì nên lập tức bỏ đi. Mà trong cuộc hội hè, chưa có thể cải lương được hết, thì cũng nên giảm bớt những sự vô ích, tỉnh bớt những cách phiền phí, chỉ hội trong ba ngày tưởng đã là nhiều.
Dân đàn em cũng nên biết rằng: phàm sự gì đã có lợi hại quan hệ đến mình, thì mình phải suy xét, điều gì nên nghe hãy nghe, điều gì không nên thì đừng, chớ có cúi đầu mà ai bảo xôi ừ xôi, ai bảo thịt ừ thịt thì là hèn hạ quá. Mà dẫu ai có viện thần quyển để đè nén mình thì cũng nên biết rằng: thần chẳng qua cũng ở bụng dân mà ra, lòng dân có thuận thì thần mới thuận. Sách có chữ rằng: "Tiên chí lực ư dân, nhi hậu thần giáng chi phúc", nghĩa là trước hết phải dùng sức mà lo cho dân, rồi thần mới giáng phúc cho, vậy thì thần cũng phải lấy dân làm trọng, huống là dân không thuận thần lại cưỡng được sao?” (trích Việt Nam phong tục, thiên II - Phong tục hương đảng, phần IV - Đại hội)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.