Mưa lũ cô lập nhiều địa phương phía bắc

Mưa lớn kéo dài trong suốt đêm 19 và rạng sáng 20.8 gây úng ngập và sạt lở đất ở nhiều nơi, khiến Yên Bái thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

8 người chết, 3 người mất tích
Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tính đến 18 giờ hôm qua (20.8), thống kê chưa đầy đủ từ các tỉnh phía bắc gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc cho thấy mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 trong đêm 19 - 20.8 đã làm 8 người chết, 3 người đang mất tích và 1 người bị thương.
Trên 700 hộ dân TP.Yên Bái phải sơ tán
Cảnh báo lũ ống, lũ quét
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 đã xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ. Trong đó các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa nằm trong diện cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng ở các vùng trũng.
Ông Phạm Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái, cho biết mưa lớn kéo dài trong suốt đêm 19 và rạng sáng 20.8 gây úng ngập và sạt lở đất ở nhiều nơi, khiến địa phương này thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở đất xảy ra tại xã Làng Nhì, H.Trạm Tấu, làm ông Hờ Sông Din (72 tuổi) và vợ là bà Sùng Thị Mỷ (70 tuổi) bị vùi lấp và chết tại chỗ, 1 người khác bị thương.
Toàn tỉnh Yên Bái có trên 2.500 ngôi nhà bị thiệt hại, hư hỏng do mưa lớn, sạt lở đất, trong đó có 14 nhà bị sập đổ, 2 nhà bị cuốn trôi và 61 hộ dân phải sơ tán khỏi vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, úng ngập. Tại TP.Yên Bái, lũ lớn trên sông Hồng dâng cao gây ngập sâu tuyến đường Thanh Niên, nhiều khu vực dân cư tại P.Hồng Hà, chính quyền địa phương phải huy động sơ tán trên 700 hộ dân đến nơi an toàn. Cho đến chiều 20.8, lũ trên sông Hồng tiếp tục dâng cao, vượt mức báo động 3 khoảng 0,83 m, chia cắt và cô lập địa bàn các phường Nguyễn Thái Học, Yên Ninh.
Còn tại các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, nước lũ chia cắt nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã khiến giao thông ách tắc nghiêm trọng; hệ thống điện lưới ở nhiều xã bị phá hủy, gây mất điện trên diện rộng; trên 1.000 ha hoa màu, diện tích ao nuôi thủy sản bị hư hại... Thống kê sơ bộ đến cuối ngày 20.8, ước tính toàn tỉnh Yên Bái đã thiệt hại trên 101 tỉ đồng do mưa lũ.

Nhiều khu vực dân cư chưa thể tiếp cận
Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, cho biết mưa lớn từ thượng nguồn Trung Quốc và trên địa bàn tỉnh khiến lũ sông Hồng dâng cao nhất kể từ đầu năm 2016 đến nay. Trong ngày 20.8, đỉnh lũ cao nhất là 80,9 m, vượt báo động 1 là 0,9 m, cuốn trôi hàng chục héc ta hoa màu, cây ăn quả của người dân trồng trên các bãi bồi ven sông. Ngay tại TP.Lào Cai, hàng trăm hộ dân ở các tổ dân phố số 6 - 13 của P.Bình Minh bị ngập úng.
Mưa lũ tại Lào Cai cũng gây thiệt hại về người. Cháu Châu A Dế (14 tuổi, ở xã Hầu Thào, H.Sa Pa) bị lũ cuốn trôi mất tích, chưa tìm thấy thi thể. Tại H.Văn Bàn, người dân phát hiện 1 thi thể nam giới bị lũ cuốn trôi mắc kẹt trên ngọn cây chưa xác định được danh tính. Đến 15 giờ ngày 20.8, toàn tỉnh Lào Cai có 298 nhà dân bị hư hỏng, trong đó 7 nhà bị lũ cuốn trôi, 9 nhà khác ở các huyện Sa Pa và Bát Xát bị tốc mái hoàn toàn. Còn tại xã Võ Lao và Văn Sơn (H.Văn Bàn), đến tối 20.8 vẫn còn khoảng 60 hộ dân ngập sâu trong nước, bị cô lập chưa thể tiếp cận khi cầu dân sinh vào các xã bị lũ cuốn trôi.
Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến QL4D từ Lào Cai đi Lai Châu bị sạt lở nhiều đoạn, xuất hiện nhiều vết nứt rộng từ 0,2 - 0,3 m. Nước lũ cuốn trôi 8 cầu treo dân sinh ở huyện Bát Xát và Sa Pa. Cho đến chiều 20.8, thống kê sơ bộ Lào Cai đã thiệt hại khoảng 80 tỉ đồng do mưa lũ.
Cơ quan chức năng huy động xuồng máy sơ tán người dân ở TP.Yên Bái ra khỏi vùng ngập sâu Ảnh: Hà Thắng
QL15C bị ách tắc
Sáng 20.8, trên QL15C nối huyện vùng cao Mường Lát với các huyện miền xuôi của tỉnh Thanh Hóa xảy ra 2 điểm sạt lở nghiêm trọng tại Km 47, đoạn qua dốc San (xã Hiền Kiệt, H.Quan Hóa, Thanh Hóa) và Km 54, đoạn qua Cổng Trời (thuộc bản Khằm, xã Trung Lý, H.Mường Lát). Hàng nghìn mét khối đá và bùn đất sạt xuống đường, khiến QL15C bị ách tắc hoàn toàn. Trước đó, trong ngày 19.8, mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến tuyến đường này cũng xảy ra 3 điểm sạt lở lớn ở địa phận H.Mường Lát.
Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Bá Điểm, Phó chủ tịch UBND H.Mường Lát, cho biết Sở GTVT Thanh Hóa đã huy động tối đa phương tiện, máy móc, thiết bị, phối hợp với các lực lượng tại chỗ giải tỏa các điểm ách tắc trên QL15C. Tuy nhiên, do khối lượng đất đá quá lớn, nên nhiều khả năng H.Mường Lát tiếp tục bị cô lập với miền xuôi trong vài ngày tới. Theo ông Điểm, địa phương đã chủ động tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm trong mùa mưa bão nên vẫn đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân, chưa cần sự chi viện của tỉnh.
Tại Nghệ An, lũ từ thượng nguồn các sông, suối ở Lào đổ về đã khiến nước trên sông Nậm Nơn đoạn qua xã Mỹ Lý (thuộc huyện biên giới Kỳ Sơn) dâng cao. Đến chiều 20.8, theo thống kê của UBND xã Mỹ Lý, có 16 nhà dân ngập sâu trong nước và bị cuốn trôi, 4 xe tải chở gỗ đang đỗ tại kho bãi ven sông cũng bị lũ cuốn; 2 bản nằm gần biên giới bị cô lập hoàn toàn. Mưa lớn cũng khiến tuyến đường vào các xã Cà Tạ, Mường Típ, Mường Ải (H.Kỳ Sơn) sạt lở nặng, giao thông bị ách tắc. UBND H.Kỳ Sơn đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân dựng nhà cửa và khắc phục hậu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.