Đó là thông tin trong báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai gửi Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, về đợt mưa lũ trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên từ ngày 30.3 - 2.4.
Mưa lũ dị thường ở các tỉnh miền Trung gây thiệt hại nặng về người và tài sản |
Thanh Niên |
Đợt mưa lớn xảy ra ngay trong thời điểm đầu mùa khô ở miền Trung và Tây nguyên được đánh giá là dị thường, trái quy luật. Đây cũng là đợt mưa kỷ lục theo số liệu thống kê trong 60 năm qua.
Mưa lớn gây ra ngập lụt sâu, có nơi ngập từ 1 - 1.5 m trên diện rộng ở nhiều địa phương, đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực các huyện Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị); các huyện Phú Vang, Hương Điền, Quảng Điền, Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) và một số xã ở các quận, huyện Thanh Khê, Liên Chiểu, Hòa Vang, TP.Đà Nẵng.
Theo thống kê của các địa phương, mưa lũ đã làm 3 người chết (Phú Yên 1 người, Quảng Nam 1 người, Quảng Trị 1 người), 1 người ở Phú Yên đang mất tích.
Mưa lớn kèm theo giông lốc làm chìm 262 tàu, thuyền tại nơi neo đậu; 2.543 lồng bè nuôi tôm hùm hư hỏng; 200 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; trên 88.000 ha lúa và hơn 16.000 hoa màu bị gãy đổ, ngập trong lũ. Cũng theo ước tính từ các địa phương, đợt mưa lũ trái mùa ở miền Trung, Tây nguyên gây thiệt hại 2.300 tỉ đồng.
Cảnh báo thiên tai trên diện rộng, chưa cụ thể
Cũng theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, từ đêm 30.3 đến 2.4, các tỉnh Tây nguyên đã có mưa to đến rất to. Trong đó, các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi mưa từ 200 - 600 mm, từ Bình Định đến Khánh Hòa và Quảng Bình mưa từ 150 - 300 mm.
Đặc biệt, một số trạm ghi nhận có mưa lớn như Khe Tre (Thừa Thiên - Huế) là 835 mm, tại Hải Lâm (Quảng Trị) 472 mm, Hồ Phủ Yên (Quảng Trị) 597 mm, Điện Hồng (Quảng Nam) 495 mm, Hòa Phú Thành (Đà Nẵng) 491 mm, Trà Phú (Quãng Ngãi) làm 370 mm... Diễn biến mưa về phạm vi, thời điểm, lượng mưa tương đối sát với dự báo, tuy nhiên một số nơi có mưa cao hơn mức dự báo, nhất là tại Thừa Thiên - Huế.
Nhấn mạnh đây là đợt mưa lũ bất thường, trái quy luật ở miền Trung, Tây nguyên nhưng theo Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, công tác ứng phó từ T.Ư đến địa phương được triển khai sớm, không bị động, bất ngờ. Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có văn bản chỉ đạo rất sớm (ngày 28.3) và sau đó ngày 30 - 31.3 tiếp tục ban hành 2 văn bản chỉ đạo các tỉnh Trung bộ, Tây nguyên triển khai ứng phó mưa lũ, thiên tai.
Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho rằng công tác ứng phó thiên tai ở một số địa phương vẫn còn tồn tại, hạn chế khi để mất người, thiệt hại lớn về tài sản. Công tác dự báo, cảnh báo chưa đến cấp huyện, xã và chưa cụ thể.
Bên cạnh đó, nguồn lực, trang thiết bị phòng chống thiên tai của các cơ quan ở tuyến huyện, xã còn thiếu và yếu cả về số lượng, chất lượng và chưa đủ năng lực ứng phó khi xảy ra thiên tai bất thường.
Bình luận (0)