>> Cầu sập, hàng ngàn hộ dân bị cô lập
>> Bão số 6 có thể đổ bộ vào miền Trung
>> Diễn tập thực binh ứng phó sóng thần
Số hộ gia đình phải di dời lên núi dựng lều sống tránh lũ cũng đã trở về, bà con đang tập trung dọn dẹp vệ sinh. Điều lo ngại nhất là nước sạch thì UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng huyện cấp thuốc lọc nước cũng như chất khử trùng cho xã Tân Hóa. Do chủ động phòng tránh, tích trữ lương thực từ trước; đặc biệt là người dân đã làm gần 300 nhà bè nên đã giảm đáng kể mức độ thiệt hại về người và của. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích lúa, ngô chưa thu hoạch thuộc các xã Tân Hóa, Minh Hóa, Trung Hóa bị hư hại. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Thượng Hóa đã thông, hiện chỉ còn các nhà dân vùng thấp trũng ở thôn Phú Nhiêu ngập trong nước.
|
Đáng lưu ý, nhiều đoạn đường vào 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa) vẫn chìm sâu trong nước và không có phương tiện nào qua được. Đồn biên phòng 585 đã dự trữ gạo và cấp phát cho người dân, không để xảy ra đói. “Ước tính thiệt hại do lũ hơn 10 tỉ đồng. Điều lo lắng nhất là nếu bão số 6 đổ bộ vào hay bị ảnh hưởng thì sẽ gây thiệt hại lớn bởi lượng nước lũ ứ đọng nhiều, khi có mưa nước sẽ dâng lên rất nhanh”, ông Đinh Quý Nhân nói.
Tổng hợp từ Ban chỉ huy PCLB&TKCN Quảng Bình cho biết mưa lũ đã làm 2 người chết, 5 người bị thương, 14 trường học và gần 3.000 nhà dân bị ngập, hư hại 750 ha lúa và hoa màu. Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đang tập trung chỉ đạo các địa phương ứng phó với bão số 6.
Tại Gia Lai, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết mưa trên diện rộng với lượng mưa 100 - 200 mm trong nhiều ngày qua đã gây ngập úng nhiều nơi. Theo thống kê sơ bộ, trên 500 ha lúa nước và hoa màu bị bồi lấp, ngập úng.
Tại ĐBSCL, khoảng 1 giờ sáng 2.10, đê bao bờ kênh Bắc Viện, ấp Chiến Thắng và ấp Thi Sơn, xã Tân Thanh A, H.Tân Hồng (Đồng Tháp) bị lũ đánh vỡ hơn 4m. Hàng trăm nông dân và các lực lượng đã cấp tốc ứng cứu nhưng bất lực. Hơn 400 ha lúa vụ ba sắp thu hoạch cùng nhiều diện tích nuôi cá bên trong ngập chìm trong nước. Ngày 2.10, chính quyền địa phương xác định hầu như không còn cứu vãn được đê.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Đồng Tháp, tính từ ngày 28.9, đợt lũ lần này làm 5.963 căn nhà bị ngập nước; 1.060 ha lúa thu đông mất trắng; 929 ha hoa màu bị thiệt hại; 3.176 ha cây ăn trái bị ngập và 564 ha thủy sản bị thiệt hại.
Cùng ngày, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu, Cao Lãnh, Mỹ Thuận và Mỹ Tho ở vùng ĐBSCL đều trên mức báo động 3 từ 0,03 - 0,36m. Mực nước trên sông Hậu tại Long Xuyên và Cần Thơ đều trên báo động 3, lần lượt cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1978 là 0,11m và đỉnh lũ lịch sử năm 2006 là 0,02m. Mực nước trên kênh Ông Chưởng tại Chợ Mới lên mức 3,48m, cao hơn báo động 3 tới 0,48m và cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1961 là 0,03m.
Trong 1 - 2 ngày tới, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên tiếp tục dao động ở mức đỉnh sau đó xuống dần.
Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư cho biết lũ đặc biệt lớn tại ĐBSCL đã cướp đi sinh mạng của 10 người.
Tắc đường chuyển gạo lên vùng cao Quảng Nam Gạo dự trữ do Chính phủ phân phối cho miền núi Quảng Nam vẫn bị “chặn” lại tại ngầm sông Tranh (nối liền 2 xã Trà Mai và Trà Cang của huyện Nam Trà My) đã hơn 10 ngày qua, do nước lũ dâng cao. Trong đợt này, huyện miền núi cao Nam Trà My được tiếp nhận 230 tấn gạo, phân phối về các xã vùng cao (để chủ động ứng cứu nhân dân khi xảy ra bão lũ) và các trường bán trú (dự trữ cấp cho học sinh vào mùa mưa). Riêng 4 xã có kho thóc dự trữ gồm Trà Cang, Trà Nam, Trà Don, Trà Vân được phân bổ 40 tấn gạo/xã. Tuy nhiên, hiện mới tiếp ứng cho một số xã như Trà Vân, Trà Nam, Trà Don, Trà Leng. Ngầm sông Tranh bị nước lũ cuốn trôi từ 20.9 do ảnh hưởng đợt áp thấp nhiệt đới, sau đó là mưa lớn liên tiếp. H.X.Huỳnh |
T.Quang Nam - T.Hiếu - T.Dũng
Bình luận (0)