Những ngày này, cô giáo Đặng Thị Phượng (Trường THCS TP.Thủ Đức, TP.HCM) nhận được những lời phàn này từ phụ huynh vì khó mua điện thoại và máy vi tính để con học trực tuyến. Các phụ huynh hầu như tìm kiếm nhiều nơi vẫn chưa mua được dù ngày khai giảng đã diễn ra. Thậm chí ngay cả cô còn lo lắng khi máy vi tính của mình đã cũ, có nguy cơ hỏng hóc và không biết mang sửa ở đâu. Nếu như vậy, việc dạy cho học sinh có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào.
“Đọc tài liệu trên máy vi tính nhiều làm tôi bị đau mắt, nên tôi có liên hệ mua thêm máy in để in tài liệu nhưng 3 tháng nay tôi không mua được và người bán không giao hàng được vì thành phố thực hiện giãn cách xã hội”, cô Phượng chia sẻ.
Còn anh Trần Trung Sơn có 4 người con cùng học trực tuyến tại nhà. May mắn là nhà anh có đủ thiết bị điện thoại, máy vi tính để cho từng đứa con trong nhà học trực tuyến. Tuy vậy, điều kiện khó khăn nhất khi cho con học trực tuyến mùa này là thiết bị hư hỏng bất chợt.
Có lúc máy vi tính trục trặc, anh Sơn gọi điện đến các nơi tìm sửa máy nhưng bất thành. “Cuối cùng tôi và vợ phải tự mày mò sửa máy cho con. May mắn là cũng sửa được để con học tiếp”, anh Sơn nói.
|
Trong vai phụ huynh đang cần mua máy vi tính cho con học trực tuyến, phóng viên Báo Thanh Niên đã tìm đến nhiều cửa hàng ở trung tâm TP.HCM. Thực tế cho thấy hầu hết các cửa hàng bán máy vi tính, điện thoại đã đóng cửa từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16. Một số cửa hàng bán máy vi tính lớn như P.V, TGDĐ, F., cũng đóng cửa không bán trực tiếp từ lâu. Tại nơi bán và sửa máy vi tính lâu đời trên đường Tôn Thất Tùng, Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) cũng đóng cửa im lìm.
Một cửa hàng máy vi tính lớn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) cũng đã đóng kín cửa nhưng vẫn để số điện thoại bán máy vi tính nhanh và hỗ trợ kỹ thuật. Phóng viên thử gọi đến nhưng cũng không thể nào liên lạc được với bộ phận bán hàng và đường dây nóng thì liên tục báo tự động rằng: “Tất cả tổng đài viên đều bận”.
Còn các cửa hàng thường xuyên bán máy vi tính trên nền tảng số với những lời rao thì hầu như không thiếu máy vi tính. Cụ thể, khi gõ từ khóa mua máy vi tính trên một trang thương mại điện tử S. thì lập tức cho ra hàng trăm kết quả với đủ giá tiền. Trung bình từ 1 - 5 triệu đồng cho một máy vi tính để bàn loại cũ. Còn laptop cũng có giá từ 5 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng đối với hàng mới. Tuy nhiên khi đặt hàng trên trang này thường không để rõ chất lượng, thời gian và ngày giờ sẽ được nhận hàng.
Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm thông tin tại một số trang bán máy vi tính khác cũng nhận được những lời từ chối vì không còn laptop để bán cho khách. Trên trang “Siêu thị máy tính…”, khi phóng viên trình bày muốn mua máy vi tính cho con học trực tuyến, người này cho rằng do dịch nên laptop đã không còn hàng. “Chỉ còn loại máy vi tính để bàn, tuy vậy việc giao hàng sẽ mất từ 6 - 7 ngày bởi vì phải qua đơn vị trung gian chờ “gom đơn hàng” mới đi giao một lần”, chủ cửa hàng này cho biết.
Trong khi đó, một website bán máy vi tính có tên TG. vẫn hoạt động và nhận cuộc gọi từ số đường dây nóng. Khi phóng viên hỏi mua máy vi tính để học trực tuyến thì nhân viên thông báo không thể giao hàng vì thành phố thực hiện giãn cách. Nhân viên này cũng cho biết hiện có rất nhiều người ở TP.HCM gọi đến để mua máy vì đã vào năm học mới nhưng chỉ biết hướng dẫn khách cách đặt hàng và chờ đến hết giãn cách. “Phải đợt thông báo từ chính quyền chúng tôi mới có thể giao hàng được. Tức là đợi đến hết ngày 15.9, đội ngũ giao hàng mới có thể liên hệ với khách hàng”, nhân viên trực tổng đài của website bán máy vi tính cho hay.
Bình luận (0)