Chi tiết về vụ gian lận đầy táo tợn liên quan đến MiG-31 vốn diễn ra vào cuối thập niên 2000 nhưng chỉ mới được công bố vào cuối tuần trước, sau khi giới chức hành pháp cuối cùng tóm được thủ phạm chính, theo Hãng tin RT hôm 5.7.
Cảnh sát Nga đã bắt Andrey Silyakov, từng làm việc cho một chi nhánh của Cục dự trữ liên bang quốc gia (Rosrezerv) ở Nizhny Novgorod, tại ngôi nhà ở ngoại ô thành phố bên bờ sông Volga vào cuối tháng 5.
Cách đây gần một thập niên, Silyakov đã bị tuyên án 11 năm tù giam dù vắng mặt và bị truy nã quốc tế. Sau thời gian dài đào tẩu ở nước ngoài, người đàn ông này đã quay về Nga vì nhớ nhà hoặc cho rằng vụ án của mình đã chìm vào quên lãng, theo báo chí trong nước.
Tuy nhiên, rõ ràng không dễ quên những trường hợp sai phạm có liên quan đến dòng tiêm kích đánh chặn siêu thanh MiG-31, được đưa vào sử dụng từ thập niên 1980.
Vào năm 2007, Rosrezerv quyết định đấu giá một số bộ phận còn thừa trong kho.
Trong danh sách đấu giá còn có một số mục ghi là “Bộ lắp ráp 306-002”, “Bộ lắp ráp 306-003”…nhằm tránh thu hút sự chú ý, theo báo Komsomolskaya Pravda dẫn lời một công tố viên tham gia vụ xử.
Lúc đó, Silyakov là người duy nhất biết được “bộ lắp ráp” không phải là sắt vụn, mà nguyên chiếc máy bay MiG-31 đang nằm trong kho của hãng chế tạo máy bay Sokol.
Tổng cộng 4 chiếc tiêm kích này, chỉ thiếu động cơ, đã được bán cho một nhà thầu địa phương là bạn của Silyakov với giá 153 rúp/chiếc (gần 50.000 đồng theo thời giá hiện nay).
Sau nhiều đợt chuyển giao quyền sở hữu trên giấy tờ, 4 chiếc MiG-31 được bán lại cho Sokol, nhưng lần này với giá hàng triệu rúp.
Trong toàn bộ quá trình, số tiêm kích trên vẫn nằm nguyên trong kho của Sokol và chẳng hề dịch chuyển.
Các nhà điều tra tin rằng chính quyền Nga đã tổn thất 1 tỉ rúp (hơn 323 tỉ đồng) vì vụ này.
Bình luận (0)