Nấm là một trong những loại thực phẩm bổ dưỡng, không những chế biến được nhiều món ngon mà còn có tác dụng chống lão hóa, ngăn ngừa một số bệnh, dùng được cả cho người ăn chay hay theo chế độ thực dưỡng.
Những loại nấm thông dụng
Để phân biệt với những loại nấm nhập có nguồn gốc không đảm bảo, hãy chắc chắn chỉ sử dụng những loại nấm đã được trồng ở VN. Hiện tại, nấm có nhiều loại khá phong phú và hầu như có quanh năm.
Loại nấm phổ biến nhất là nấm (tai) mèo, còn được gọi là mộc nhĩ. Đây là loại nấm có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa đồng thời dễ chế biến món ăn.
Một loại nấm khác khá thông dụng trong chế biến thực phẩm là nấm hương. Nấm hương có nhiều loại khác nhau như loại tai lớn, mũ dày là nấm đông cô hoặc mỏng hơn, nhỏ và thơm được gọi là nấm hương. Nấm có thể ăn tươi hoặc làm thực phẩm khô. Do hàm lượng chất đạm cao nên đây là loại nấm được ưu ái trong các món chay.
Thời gian gần đây, ở các chợ thường xuất hiện loại nấm mỡ. Nấm mỡ giàu đạm, nguyên tố vi lượng và nhiều loại a xít amin quý. Ngoài ra, nấm mỡ còn có tác dụng làm giảm đường máu, hạ nồng độ cholesterol trong huyết thanh và cải thiện chức năng tuyến tụy. Do đó, nấm mỡ là một trong những thực phẩm lý tưởng dành cho những người bị bệnh tim mạch, ung thư và bệnh lý tuyến tụy. Chưa kể loại nấm này có hương vị thơm ngon nên người ta dễ phối hợp với nhiều loại thực phẩm khác để tạo ra nhiều món ngon miệng.
Món nấm thông dụng, phổ biến và dễ trồng với năng suất cao có lẽ phải kể đến là nấm rơm. Đây là họ nấm sinh trưởng và phát triển trong rơm rạ, rất giàu dinh dưỡng. Cứ 100 gr nấm rơm khô chứa tới 21 - 37 gr đạm (đặc biệt thành phần đạm chứa hàm lượng cao) lại đầy đủ các a xít amin cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được nên là nguồn nguyên liệu được sử dụng để chế biến thành thực phẩm chức năng, làm món ăn bài thuốc trong việc hỗ trợ trị liệu nhiều bệnh như các chứng rối loạn chuyển hóa, nội tiết như béo phì, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp…
Hấp dẫn nhất phải kể đến là nấm mối, có vị ngon, dai được ví như thịt gà đồng. Đây là một trong những loại nấm quý hiếm, chỉ mọc vào mùa mưa theo cách tự nhiên, rộ lên từ tháng 6 - 8 mỗi năm trên những ụ mối. Do thời điểm này thời tiết lúc nóng lúc ẩm, thỉnh thoảng có mưa khiến đất mềm tơi, mới có khả năng tiết ra những chất đặc biệt tạo men nấm bọc quanh tổ mối. Nấm mối có hàm lượng dinh dưỡng tự nhiên giúp tăng đề kháng và chống lão hóa.
Ngoài ra còn rất nhiều loại nấm tươi được nuôi trồng và phát triển mạnh ở VN những năm gần đây như nấm bào ngư, nấm đùi gà… Mỗi loại nấm đều có một vài ưu điểm khác nhau mà nếu sử dụng một cách hợp lý sẽ là cách cung cấp nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho cơ thể.
Món ngon từ nấm
Nấm là loại thực phẩm bổ dưỡng, có thể thay thế cho nhiều loại đạm động vật nên là một trong những thành phần không thể thiếu của món chay. Tùy vào cách chế biến mà có thể tạo ra nhiều món ngon với vị đặc biệt hấp dẫn, không thua kém món mặn. Từ xào, hấp, chiên hay lẩu… nấm đều là một “trợ thủ” đắc lực của những bữa tiệc chay. Chẳng hạn trong món lẩu chay, ngoài những loại rau củ cho ngọt nước, nấm là thứ không thể thay thế.
TNTS giới thiệu một trong những loại lẩu chay theo công thức từ nhà hàng Chay Ba Lá (Q.1, TP.HCM), dễ chế biến, ngon miệng và đặc biệt là có thể phối hợp tất cả các loại nấm bạn quen thuộc, bày bán ở khắp các siêu thị hoặc chợ: Lẩu chanh dây.
Thành phần:
- Chanh dây: 4 trái
- Đậu hũ non: 1/2 cây
- Các loại nấm: 15 gr/loại
- Sườn lạnh chay: 50 gr
- Chân nấm đông cô: 50 gr (mua tại các cửa hàng bán thực phẩm chay)
- Đậu hũ rau củ
- Rau muống hoặc rau nhút.
Cách làm
Nấu nước sôi với mướp, củ sắn, su hào cho ngọt. Nạo chanh dây cho vào nồi, sôi vài dạo vớt bỏ hột. Nêm muối, đường, nước mắm chay cho vừa miệng. Cuối cùng, cho sườn, chân nấm và đậu hũ non vào. Nhúng nấm và rau ăn kèm.
Món này dùng nóng với bún hoặc mì sợi.
Bình luận (0)