Mùa mưa tại Nam bộ, Tây nguyên bao giờ bắt đầu?

Đình Huy
Đình Huy
14/04/2024 10:32 GMT+7

Theo dự báo của chuyên gia khí tượng, mùa mưa tại khu vực Tây nguyên và Nam bộ có khả năng đến muộn hơn so với trung bình các năm.

La Nina ảnh hưởng thời tiết như thế nào?

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện tượng El Nino suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính trong khoảng thời gian từ tháng 4 - tháng 6 với xác suất 80 - 85%. Từ tháng 7 - tháng 9, dự báo ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 - 65%.

Mùa mưa tại Nam bộ, Tây nguyên bao giờ bắt đầu?

Mùa mưa tại Nam bộ, Tây nguyên bao giờ bắt đầu?

CAO AN BIÊN

Khả năng La Nina tiếp tục duy trì trong các tháng cuối năm 2024 khiến nhiệt độ trung bình tại các khu vực có xu hướng xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN). Lượng mưa các khu vực phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN, riêng khu vực Trung bộ, trong các tháng chính của mùa mưa (từ tháng 9 - tháng 11) có xu hướng cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ.

Các đợt lũ vừa, lớn trên các sông ở khu vực Trung bộ, Tây nguyên có khả năng xuất hiện vào nửa cuối mùa lũ năm 2024. Nắng nóng tiếp tục có khả năng xuất hiện nhiều đợt hơn và gay gắt hơn so với TBNN.

Hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có khả năng sẽ tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão. Mưa lớn có khả năng xuất hiện nhiều trong các tháng cuối năm tại khu vực Trung bộ. Trong 6 tháng cuối năm (tháng 7 - tháng 12) lượng mưa trên toàn quốc có xu hướng ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN, đặc biệt ở Trung bộ và các tỉnh phía nam.

Công nhân làm đường dưới nắng nóng kỷ lục: ‘Làm 30 phút là đứng thở’

Mùa mưa tại Nam bộ, Tây nguyên đến muộn

Ông Hoàng Văn Đại, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định, các tháng nửa đầu năm 2024 thiếu hụt mưa và nguồn nước nên tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt hơn bình thường ở Tây nguyên và Nam bộ.

Ông Đại dự báo, mùa mưa tại khu vực Tây nguyên và Nam bộ có khả năng đến muộn hơn so với trung bình các năm. Mùa mưa có khả năng xuất hiện tại Tây nguyên vào đầu hoặc giữa tháng 5, tại khu vực Nam bộ khoảng cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Theo ông Đại, tháng 4, tổng lượng mưa tại khu vực Tây nguyên thấp hơn từ 30 - 60 mm so với TBNN. Tháng 5, tổng lượng mưa thiếu hụt so với TBNN khoảng từ 15% - 30%. Tháng 6 - tháng 10, tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Từ tháng 4 - tháng 6, mực nước trên các sông chính dao động theo điều tiết của hồ chứa thủy điện, riêng mực nước sông Krông Ana biến đổi chậm. Tổng lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 15% - 25% so với TBNN nên nguy cơ cao xảy ra hạn hán tại các tỉnh ở khu vực Tây nguyên.

Tại lưu vực sông Mê Kông, từ tháng 4 - tháng 5, tổng lượng dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thấp hơn TBNN từ 15% - 20%.

Từ tháng 6 - tháng 10 là thời kỳ mùa lũ trên sông Mê Kông và sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm 2024, ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức báo động (BĐ) 1 và trên BĐ1, thấp hơn TBNN từ 0,3 - 0,5 m.

Ông Đại nhận định, xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục ở mức cao hơn TBNN, cao hơn năm 2023. Từ nay đến hết mùa hạn mặn năm 2024, khả năng xuất hiện từ 2 đợt xâm nhập mặn ở ĐBSCL, các đợt xâm nhập mặn tăng cao tập trung trong các thời kỳ từ 22 - 28.4, từ 7 - 11.5.

Cụ thể, chiều sâu xâm nhập mặn trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 70 - 95 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại từ 50 - 62 km; sông Hàm Luông từ 60 - 68 km; sông Cổ Chiên từ 45 - 55 km; sông Hậu từ 40 - 55 km; sông Cái Lớn từ 45 - 55 km.

"Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn", ông Đại nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.