Ốc gạo Cồn Tre là sản vật nổi tiếng của xứ cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, H.Cai Lậy, Tiền Giang) và là món ngon không thể thiếu trong thực đơn của người dân miệt sông nước này vào dịp Tết Đoan Ngọ.
Ốc gạo đang được bán tại chợ Mỹ Tho với giá 35.000 đồng/kg - Ảnh: Phương Hà
|
Đặc sản sông Tiền
Cồn Tre hay còn gọi là cồn Đại Diện, thuộc ấp Tân Thái. Ngày xưa, đây là nơi ốc gạo sinh sôi nhiều nhất trên đất cù lao Tân Phong.
Ốc gạo khi còn nhỏ có vỏ màu vàng gợn xanh, khi lớn thì vỏ màu xanh với độ lớn trung bình bằng đầu ngón tay cái. Khoảng cuối tháng 4 - 5 âm lịch, ốc đang mang trứng chuẩn bị sinh sản nên béo ú, giòn rụm. Trước thời điểm này thì ốc ốm còn sau thời điểm này thì ốc mang con, ăn không ngon.
Ông Kiều Mạnh Quân, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong, kể từ khoảng thập niên 1960 trở về trước, con ốc gạo trên cù lao này nhiều vô kể. Ốc gạo được khai thác bán đi Sài Gòn và các vùng lân cận. Lúc bấy giờ, ốc gạo là nguồn sinh kế cho người dân nghèo địa phương. Khi đó, để khai thác ốc có chừng mực, chính quyền thường bán quyền khai thác cho các chủ rọ trên từng khúc sông. Dân trong vùng đến bắt ốc ở rọ của người nào thì phải bán cho chủ rọ đó, sau đó chủ rọ bán lại cho thương lái mang đi nơi khác tiêu thụ.
Vào mùa ốc gạo hằng năm, phụ nữ và trẻ em trầm mình mò ốc gạo ở gần mé bờ được gọi là “điêng điểng”, tên một loài chim. Còn đàn ông đi đãi ốc ở ngoài khơi xa bờ thì gọi là “còng cọc”. Khi đãi ốc, “còng cọc” đeo vào cổ một cái túi đãi bằng lưới nhặt mắt, dùng một cây sào bằng tầm vông, cắm sâu xuống nước, rồi lấy hơi mà lần tay theo cây sào. Đến lúc tiếp đất thì dùng hai tay cào lẫn ốc gạo và đất vào túi đãi rồi vịn sào ngoi lên mặt nước, sau đó nhào bóp túi đãi cho đất trôi đi chỉ còn lại ốc. Gặp lúc trúng bệ ốc thì mỗi ngày một “còng cọc” có thể đãi được 5 - 7 giạ ốc là chuyện thường.
Món ngon từ ốc gạo
Những người sành ăn cho hay ốc gạo ở Cồn Tre sống ở vùng cát sa nên con lớn, ruột đầy. Trong ruột của loại ốc này thường có nhiều con nhỏ như hạt gạo, nhất là mùa sinh sản ốc càng béo, ngọt. Ốc gạo ngon hơn những loại ốc khác ở chỗ không có nhớt, thịt trắng đục, có vị ngọt, béo, giòn và hương thơm đặc trưng.
Ốc gạo thường được chế biến thành những món ăn từ đơn giản đến cầu kỳ, nhưng món nào cũng ngon. Ngày thường thì đem ốc ra luộc rồi chấm nước mắm sả, nước mắm tỏi ớt. Người cầu kỳ hơn thì đem ốc xào mỡ hành hay xào dừa. Ốc gạo còn được lể ruột đem xào sả ớt hoặc làm nhân bánh xèo, nấu lẩu mắm, làm gỏi với bắp chuối... Trong những món ngon từ ốc gạo thì món ốc cuộn bánh tráng được xem là cầu kỳ và độc đáo nhất.
Theo ông Quân, bản thân con ốc gạo đã ngon nên khi chế biến món ăn thì món nào cũng hấp dẫn. Nhưng dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5.5 âm lịch), dân xứ cù lao thường ăn ốc gạo một cách cầu kỳ. Trước khi ăn một ngày, ốc được bắt lên bờ và đem đổ dưới nền nhà đất, sau đó nạo dừa rám phủ lên mặt cho ốc ăn một đêm, hôm sau thì đem ốc ra rửa sạch rồi luộc. Thịt ốc đem cuộn bánh tráng với chút dừa rám nạo nhuyễn, thêm giá, rau thơm và chấm với nước mắm tỏi ớt pha chua ngọt.
Đặc tính của ốc gạo là vào mùa sinh sản thì vào bờ, đào hang; còn ốc con sau khi sinh ra khoảng một tháng tuổi thì lại di chuyển ra giữa sông. Khi nước chảy thì ốc gạo vùi mình vào đất, khi nước đứng thì ngoi đầu bò ra kiếm các phiêu sinh vật để ăn. Tuy nhiên, những năm gần đây do nạn khai thác vô tội vạ, bất kể thời gian sinh sản nên loại đặc sản độc đáo này ngày một ít dần. Đặc biệt là tình trạng khai thác cát sông đã làm thay đổi môi trường sống của ốc, khiến ốc không thể sinh sản.
Bình luận (0)