Mua phải tài sản trộm cắp, bị xử lý hình sự?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
15/03/2023 10:48 GMT+7

Nếu người dân vô ý mua phải tài sản trộm cắp, thì người mua không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, vẫn bị xử lý hình sự trong một số tình huống.

Bạn tôi mua chiếc xe máy của người bán nhờ trộm cắp tài sản mà có, nhưng bạn ấy không biết. Khi bạn tôi sử dụng để lưu thông trên đường, bị cảnh sát giao thông phát hiện chiếc xe này trong vụ án trộm cắp tài sản mà công an đang điều tra.

Tôi muốn hỏi, trường hợp này bạn tôi có vi phạm pháp luật khi sử dụng chiếc xe máy này không? Bạn ấy phải làm sao để bảo vệ bản thân.

Bạn đọc N.T.T (26 tuổi, ngụ TP.HCM) gửi câu hỏi đến Thanh Niên

Mua phải tài sản trộm cắp có bị xử lý? - Ảnh 1.

Vào cuối 2022, Công an TP.HCM bắt giữ Đặng Đình Hải (trái) là nghi phạm cầm đầu đường dây trộm cắp xe máy và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

NGỌC LÊ

Luật sư tư vấn

Giải đáp vấn đề này, luật sư Nguyễn Trọng Hào (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, nếu người nào có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản, nhưng không hề biết tài sản mình mua là do trộm cắp mà có, thì trường hợp này chỉ là một giao dịch dân sự thông thường, giao dịch vô hiệu; hành vi của người mua không phải là hành vi phạm tội, do vậy không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Nguyễn Trọng Hào, việc mua bán tài sản là xe máy được xem là một giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 116 bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, để giao dịch dân sự có hiệu lực thì không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội... 

Như vậy, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội... thì sẽ bị vô hiệu, đồng thời phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

"Nếu không thể hoàn trả bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả theo quy định tại khoản 2, Điều 131 bộ luật Dân sự. Nếu bên bán không trả lại thì người mua có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định pháp luật", luật sư Hào phân tích.

Mua phải tài sản trộm cắp, bị xử lý hình sự? - Ảnh 2.

Công an Bình Dương vừa bắt giữ Mai Trọng Đức (32 tuổi, ngụ Hà Tĩnh) về hành vi trộm xe máy biển số 65F1-418.63

Luật sư Hào nhấn mạnh, nếu người dân phát hiện tài sản mình mua từ người khác là tang vật của một vụ án trộm cắp tài sản, thì người mua không được sử dụng tài sản này mà cần khai báo với cơ quan công an để công an xử lý tài sản đó đúng quy định pháp luật.

Nếu người mua biết xe máy là do trộm cắp mà có nhưng vẫn sử dụng, sẽ bị xử lý về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 323 bộ luật Hình sự.

Theo luật sư Hào, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh mua phải xe do trộm cắp mà có thì trước khi mua tài sản, người dân cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc của tài sản đó, xe có giấy tờ hợp pháp không, có thế chấp hay tranh chấp gì không. 

Ngoài ra, người mua phải thay đổi đăng ký xe, sang tên chủ mới tại cơ quan có thẩm quyền để xác nhận quyền sở hữu hợp pháp của mình cũng như có cơ sở giải quyết nếu phát sinh rủi ro.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.