Từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch hằng năm, ngư dân xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi lại vươn khơi đánh bắt cá cơm ở ngư trường vùng biển Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ngư dân ra khơi vào buổi chiều, đến tối bắt đầu đánh bắt cá. Khi cá cơm đầy khoang, ngư dân chạy tàu vào cảng để bán cá cho thương lái. Tại đây, cá cơm được mua về để phơi khô, làm mắm và bán tươi cho người dân chế biến món ăn hằng ngày.
'Đội nắng' phơi hàng chục tấn cá cơm
Những ngày này, khi đi qua các con đường tại thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, mùi cá cơm hấp bay thoang thoảng theo gió, khiến người đi đường không khỏi tò mò. Đến các cơ sở chế biến cá cơm khô, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục phụ nữ tất bật làm các công đoạn như rửa cá, hấp cá, phơi cá, kiểm tra cá và đóng thùng.
Bà Đặng Thị Hoanh (72 tuổi, trú thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ) cho biết, bà làm thuê cho một cơ sở chế biến cá cơm khô trên địa bàn đã hơn 15 năm. Khi vào mùa cá cơm, công nhân ở đây làm từ 6 giờ sáng đến 8 giờ đêm mới xong việc. Mỗi người một công đoạn, chia nhau làm để công việc được nhanh hơn.
"Chúng tôi ở đây, cứ canh trời nắng là đem cá ra phơi, khi cá vừa khô là đem vào mát để đóng thùng. Mỗi ngày thu nhập dao động từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng một người, tùy vào năng suất của từng người", bà Hoanh nói.
Ông Võ Văn Thủy (48 tuổi, trú thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ) 'đội nắng' kéo hàng chục vỉ cá cơm mới vừa hấp xong đem đi phơi, cho hay nghề phơi cá cơm có rất nhiều công đoạn. Ban đầu ra cảng mua cá về lựa những con cá còn tươi, còn nguyên vẹn.
Sau đó, rửa sạch rồi trải đều lên vỉ, xếp lại thành chồng khoảng 20 cái, dùng máy kéo lên cho vào lò hấp liên tục từ 3 đến 5 phút với nhiệt độ khoảng 60 độ C. Tiếp đó, đưa vỉ ra khỏi lò hấp rồi đem ra sân bê tông phơi dưới ánh nắng mặt trời cho khô, xong đem vào đóng thùng bán cho thương lái.
"Riêng cơ sở tôi đang làm có gần 20 người, đa số là phụ nữ. Vào những ngày này, cơ sở tôi hấp khoảng 6 tấn cá cơm trong 1 ngày. Nhiều khi làm quên ăn trưa, đến 2 - 3 giờ chiều mới ăn", ông Thủy chia sẻ.
Vươn ra thị trường nước ngoài
Cá cơm khô ngày càng được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, nhiều cơ sở sản xuất cá đỏ lửa từ sáng sớm đến tối mịt để chạy đua có hàng bán cho thương lái trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Liêu (63 tuổi, trú thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ), chủ một cơ sở chế biến cá cơm khô cho biết, nghề làm cá cơm khô này có từ rất lâu đời. Riêng bà Liêu đã có thâm niên hơn 40 năm làm nghề này, nên ở đây ai cũng biết đến cơ sở của bà. Mỗi ngày cơ sở của bà Liêu hấp khoảng 5 tấn cá cơm tươi để phơi khô. Trung bình 3 tấn cá tươi làm xong phơi khô còn lại 1 tấn, thương lái thu mua cá khô khoảng 50.000 đồng/kg.
"Sau khi ra thành phẩm, thương lái sẽ đến thu mua để xuất qua thị trường Trung Quốc, Malaysia… Còn trong nước bán cho các tỉnh trên Tây nguyên và phía bắc là chủ yếu", bà Liêu cho biết thêm.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho biết, nghề làm cá cơm khô ở địa phương đã có hàng trăm năm nay, do ông bà xưa truyền lại. Trên địa bàn có khoảng 10 cơ sở chế biến cá cơm khô, sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước. Cá cơm được phơi khô, bán cho các thương lái giá thành cao hơn so với bán tươi và muối mắm, nên góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.
"Khi đến mùa thu hoạch cá cơm, các cơ sở làm cá cơm khô trên địa bàn luôn tấp nập người làm. Nhờ đó, giải quyết việc làm cho hàng trăm phụ nữ ở địa phương có thu nhập ổn định", ông Thanh nói.
Bình luận (0)